Để chuẩn bị cho công tác cung ứng vật liệu thi công dự án Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (một trong 3 dự án thành phần thuộc dự án Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương), cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã rà soát, trong đó đề xuất một số giải pháp, đặc biệt là cần áp dụng cơ chế ưu đãi cho các tổ chức theo nghị quyết của Chính phủ.
Các nhà thầu thi công cần khoảng 10 triệu m3 vật liệu xây dựng dự án thành phần Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Trong ảnh: Một đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 73,64 km với điểm đầu tại Km 26+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ (TP Bảo Lộc) và điểm cuối tại Km 200+000, giao với đường cao tốc Liên Khương - Prenn tại Km 208+650 (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng).
Tuyến cao tốc này chạy qua địa bàn huyện Bảo Lâm (dài 6,3 km), TP Bảo Lộc (khoảng 4,9 km), huyện Di Linh (dài 33 km) và huyện Đức Trọng (dài 29,4 km). Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng khái toán nhu cầu và khả năng cung cấp nguồn vật liệu sau khi làm việc với Liên danh nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Trang thì nguyên liệu sử dụng vật liệu xây dựng cho dự án không thiếu hụt, cụ thể: đất đắp trên 8 triệu m3; đá các loại trên 1,6 triệu m3; đổ thải đất, đá không thích hợp trên 11 triệu m3 và cát xây dựng khoảng 50.000 m3.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 96 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, có tới 90 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp, 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp (vàng, thiếc, cao lanh, đá ốp lát, bentonit). Theo tính toán, tổng trữ lượng, công suất khai thác trên năm tại thời điểm cấp phép tại 4 địa phương Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đức Trọng, Di Linh như sau: Trữ lượng đá trên 53 triệu m3, công suất trên 1,7 triệu m3/năm; trữ lượng cát gần 1 triệu m3, công suất 72.500 m3/năm; trữ lượng đất san lấp trên 500.000 m3 với công suất 25.000 m3/năm.
Tuy nhiên, theo dự đoán trữ lượng nêu trên sẽ giảm do có một số giấy phép đã tiến hành khai thác qua nhiều năm gần hết hạn hoặc một số đơn vị trả lại một phần diện tích khai thác do liên quan tới đất rừng tự nhiên. Do đó, dựa trên kiểm tra thực tế thì trữ lượng còn lại như đá xây dựng trên 24 triệu m3, cát xây dựng 537.500 m3 và đất san lấp trên 312.000 m3. Với trữ lượng và công suất nêu trên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tính toán thì nhu cầu công suất của dự án đối với đá xây dựng và cát xây dựng là đảm bảo. Riêng đối với đất san lấp cần bổ sung hơn 2 triệu m3.
Về xử lý vấn đề thiếu trữ lượng cát, đất san lấp cho dự án, qua làm việc giữa các đơn vị sở, ngành, địa phương, phía Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Trang đề xuất ngoài sử dụng các mỏ vật liệu xung quanh dự án, các đơn vị đăng ký khai thác hợp đồng được đơn vị có thẩm quyền cấp phép thì đề xuất bổ sung thêm 9 vị trí đất, đá vào quy hoạch thăm dò với diện tích 56,7 ha đá xây dựng và hơn 27 ha đất san lấp.
Để chủ động, đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu xây dựng cho dự án Đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đã đề xuất UBND tỉnh cho phép vận dụng Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính thủ để đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục hành chính trong việc cấp phép, nâng công suất khai thác của tổ chức để cung cấp đủ, kịp thời vật liệu xây dựng theo tiến độ dự án. Đồng thời, lựa chọn đơn vị cấp phép thăm dò ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện mà không phải thông báo 30 ngày để lựa chọn đơn vị cấp phép thăm dò.
Riêng đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, suối) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời gian khai thác thì được phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (nhưng không tăng trữ lượng cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường. Đối với các mỏ đất đắp nền đường được phép nâng công suất theo nhu cầu của dự án đường cao tốc. Sau khi khai thác đủ số lượng cho dự án thì dừng việc nâng công suất...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, cơ chế ưu đãi này chỉ áp dụng riêng cho dự án Đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương tính từ thời gian ngày khởi công cho đến khi kết thúc dự án, bàn giao đưa vào hoạt động.
Đối với dự án thành phần Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với 7 mỏ khoáng sản, vật liệu xây dựng và chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đảm bảo đủ điều kiện cấp phép khai thác sau khi cơ quan thẩm quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Trước đó cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án đầu tư xây dựng Đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là một trong 3 dự án thành phần của tuyến Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 210 km. Theo chủ trương của Chính phủ, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hợp phần Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, thực hiện bằng ngân sách Nhà nước, còn 2 hợp phần Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương do tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, thực hiện theo phương thức PPP.