Hơn 1 tháng phát động thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, các nhà thầu nỗ lực tăng ca để bứt tốc...
Khẩn trương khắc phục khó khăn do mưa lũ
Nhà thầu Trường Thịnh tăng tốc thi công tại gói thầu XL13
dự án thành phần Mai Sơn - QL45. Ảnh: Nam Khánh
Những ngày cuối tháng 10/2022, trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, trong lúc các gói thầu khác rộn ràng máy móc thi công trở lại sau đợt mưa kéo dài, hàng chục công nhân của Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường vẫn hì hục phục hồi gần hai chục chiếc mô tơ trạm trộn bê tông bị nước nhấn chìm vài ngày trước đó.
“Ảnh hưởng của bão số 5, liên tục từ ngày 14 - 18/10, lán trại và trạm trộn bê tông nhựa của Công ty Vạn Cường chìm trong biển nước.
Cho đến sáng ngày 20/10, trạm trộn mới có thể hoạt động trở lại để kích hoạt lại các mũi thi công”, ông Bùi Tư Thế, Phó tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường, kiêm chỉ huy trưởng nhà thầu Vạn Cường tại gói thầu XL8 chia sẻ.
Đảm nhận thi công 1,3km đường và 3 cầu trên tuyến, tính đến nay, phần việc của Vạn Cường tại cầu số 4 đã hoàn thiện.
Cầu Tu Ca và cầu số 5 đã đổ xong bản mặt cầu. Riêng đối với phần đường, khối lượng thảm chỉ còn khoảng 2.000 tấn. Nếu thời tiết ủng hộ, chỉ trong khoảng 7 - 10 ngày nữa, toàn bộ khối lượng Vạn Cường phụ trách sẽ cán đích.
Thuận lợi hơn các gói thầu ở khu vực miền Trung về thời tiết, song tại dự án thành phần Mai Sơn - QL45, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh lại đang ở trong cảnh sẵn nguồn lực vẫn chưa thể bứt tốc.
Ông Phạm Duy Trực, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh cho biết, ở gói thầu XL13, Tập đoàn Trường Thịnh đảm nhận thi công 4,3km đường từ Km 313 - Km 318.
Khó khăn ở chỗ, bước vào giai đoạn nước rút, các vấn đề kỹ thuật vẫn phát sinh.
Khu vực nền đất yếu gia cố bằng cọc cát đang lún quá 300% so với thiết kế ban đầu. Khu vực đất yếu gia cố bằng vải địa lại xảy ra hiện tượng lún ngoài thiết kế. Đối với 1,1km nền thông thường, tình trạng lún cũng xuất hiện.
“Tập đoàn Trường Thịnh đang huy động tối đa lực lượng, tổ chức tăng ca liên tục từ 6h30 - 22h00 hàng ngày, nỗ lực tìm phương án xử lý tình trạng lún, hoàn thành đoạn tuyến này trước Tết Âm lịch”, ông Trực thông tin.
Vẫn lo thiếu xăng dầu
Thi công trên công trường nút giao QL1 qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai)
Ảnh: Vĩnh Phú
Tại khu vực phía Nam, tranh thủ khoảng thời gian thời tiết thuận lợi, các nhà thầu cũng đang tích cực thi công không kể ngày đêm để thông xe kỹ thuật hai dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đúng kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc điều hành gói thầu XL4 (thuộc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long) cho biết, nhà thầu đang khẩn trương thi công 2 cầu vượt nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các hạng mục phụ trợ. Khi thời tiết thuận lợi sẽ đồng loạt thi công đẩy nhanh tiến độ.
Tại gói thầu XL2 qua huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), công tác nền, thảm nhựa mặt đường, nổ mìn, phá đá cũng đang được cấp tập thi công.
Theo ông Trần Viết Lai, Phó giám đốc điều hành gói thầu XL2 thuộc Công ty CP ĐT&XD Giao thông Phương Thành, sau lễ phát động, các nhà thầu trong liên danh đã huy động tối đa máy móc, thiết bị.
Tuy nhiên, hành trình đưa gói thầu cán đích còn nhiều mối lo. Hiện thời gian hoàn thành chỉ còn được tính bằng tháng, phạm vi tuyến vẫn vướng cột đường điện 500kV tại Km 30+686 chậm di dời.
Thời tiết bắt đầu có nắng, dù vậy việc thi công phập phù, nỗi lo nguồn cung dầu khan hiếm. Trung bình, mỗi ngày, riêng nhà thầu Phương Thành phải sử dụng khoảng 13.000 lít để khoan, nổ, mìn đào đá...
Trên công trường lại có tới 4 trạm nghiền sàng, 2 trạm bê tông nhựa, 3 trạm bê tông xi măng phải chạy dầu để tăng tốc thi công. Dù đơn vị đã chủ động tìm kiếm nguồn dầu với giá cao hơn giá công bố từ 3.000 - 5.000 đồng nhưng nguồn cung vẫn rất hạn chế nên thiết bị, máy móc chưa thể hoạt động tối đa công suất.
Siết chặt kiểm soát nhà thầu “trượt” tiến độ
Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, ban điều hành đã yêu cầu các nhà thầu ký biên bản cam kết về kế hoạch huy động, tổ chức chi tiết các mũi thi công cho từng hạng mục gắn với các mốc thời gian đến ngày 15 và 30 hàng tháng. Nhà thầu nào chậm sẽ tìm giải pháp khắc phục hoặc có biện pháp xử lý, thay thế.
“Tinh thần ở thời điểm nước rút là nhà thầu nào không làm được thì nghiêm khắc xử lý theo vi phạm hợp đồng, cắt chuyển khối lượng, cần thiết sẽ chấm dứt hợp đồng”, ông Huy nói và cho biết, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, khối lượng thực hiện hàng ngày trên công trường dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã tăng 100% so với thời điểm trước. Trước thời điểm phát động, giá trị sản lượng thi công hiện trường mỗi ngày khoảng 5 tỷ đồng thì hiện tại đã tăng lên khoảng 10 - 12 tỷ đồng.
Tại dự án thành phần Mai Sơn - QL45, đại diện ban điều hành cho biết, sau lễ phát động, đa số các nhà thầu tại gói thầu XL10, XL13 đã tích cực huy động nguồn lực, tăng ca làm việc để tăng tốc tiến độ.
Tuy nhiên, một số nhà thầu vẫn chưa có động thái chuyển biến về sản lượng thi công dù ban QLDA liên tục đôn đốc, thậm chí có văn bản phê bình, thông báo vi phạm tiến độ.
Điển hình là Công ty CP Tập đoàn ĐTXD Cường Thịnh Thi (gói thầu XL11), Công ty CP Tân Thành và Tổng công ty ĐTXD Hoàng Long (gói XL12), Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung (gói XL14).
Nhận thấy sự ì ạch của các nhà thầu, cùng với yêu cầu dồn lực cải thiện hiệu quả thi công, Ban điều hành đã tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT có văn bản phê bình, cảnh cáo các nhà thầu nói trên.