Hậu Giang là địa phương có 2 tuyến cao tốc đi qua. Thời gian qua, từ tỉnh đến cơ sở đã rất linh hoạt, sáng tạo trong công tác giải phóng mặt bằng và đến nay, đạt nhiều kết quả rất tích cực.
Công tác GPMB được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang rất quan tâm, chỉ đạo.
Giải phóng mặt bằng đạt gần 100%
Ngày 17/6 vừa qua, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng, giai đoạn 1 đã chính thức được khởi công. Trong đó, Dự án thành phần 3, qua địa phận tỉnh Hậu Giang do Sở Giao thông vận tải tỉnh làm chủ đầu tư, đi qua địa bàn tỉnh với chiều dài 37km, qua địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc 2 huyện là Châu Thành A và Phụng Hiệp; có 1.118 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất phải thu hồi 260,34ha.
Đến thời điểm này, ngành chức năng đã kiểm đếm xong 1.118 hộ dân bị ảnh hưởng, đạt 100%. Về bàn giao mặt bằng, đến nay đã chi trả bồi thường và bàn giao mặt bằng 895 hộ dân với diện tích là 220,24/260,34ha tổng diện tích đất phải thu hồi, đạt tỷ lệ 84,6%...
Trước đó, đầu năm nay, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau qua tỉnh Hậu Giang cũng được chính thức khởi công. Tuyến cao tốc này đi qua địa bàn 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện của tỉnh, gồm huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ; có chiều dài khoảng 63,6km, bằng 57% chiều dài của đoạn từ thành phố Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau; có 2.067 hộ dân và 10 tổ chức quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng. Tổng diện tích đất thu hồi là 361,53ha, gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Đến nay, còn 65 hộ chưa bàn giao mặt bằng đất sạch, bao gồm 46 hộ có đất và 19 hộ phụ với diện tích chưa giao mặt bằng sạch là 3,59ha.
Với việc triển khai 2 dự án cao tốc này, có thể thấy khối lượng công việc của các đơn vị liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương trong khâu giải phóng mặt bằng là cực kỳ lớn. Thế nhưng, bằng nhiều giải pháp cùng sự phối hợp từ tỉnh đến cơ sở, địa phương đã thực hiện tốt công tác này.
Ông Nguyễn Huy Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhìn nhận, có được kết quả rất tích cực trong giải phóng mặt bằng như hiện nay, đó là sự quyết tâm, nỗ lực và cố gắng rất lớn của mỗi địa phương, các đơn vị có liên quan. Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, kết hợp tuyên truyền đã giúp các hộ bị ảnh hưởng các tuyến cao tốc đồng thuận giao đất và nhanh chóng trả mặt bằng để triển khai dự án.
Rốt ráo hoàn thành dứt điểm
Ông Phan Trọng Tú, Phó Giám đốc Quản lý dự án Cần Thơ - Hậu Giang, đánh giá: “Hậu Giang giải phóng mặt bằng gần như tốt nhất. Kinh nghiệm cho thấy khi xử lý vướng mắc này 1% còn lại tập hợp rất nhiều khó khăn như nền tái định cư, giá đất... Các dự án ngoài miền Trung hay miền Bắc trong vòng 3-6 tháng, đơn vị có thể thi công hoàn chỉnh, nhưng riêng cao tốc này không thể vì liên quan đến xử lý nền. Xử lý nền cần đến 12 tháng, nếu địa phương không cương quyết sẽ dẫn đến vướng mắc và kéo dài tiến độ thi công. Riêng đối với di dời hạ tầng kỹ thuật, hơn 1 tháng nay, Công ty Điện lực Hậu Giang hỗ trợ dự án rất nhiều”.
Đồng quan điểm này, ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đánh giá, tỉnh rất nỗ lực thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư và là địa phương có tỷ lệ bàn giao mặt bằng sạch rất cao trên 97%. Hiện, số hộ còn khoảng 1% nhưng nằm rải rác và các điểm tiếp cận làm ảnh hưởng một số đoạn tuyến phía trong đã giải phóng mặt bằng nhưng không thi công được.
Theo ông Tuân, diện tích thi công thực tế khoảng 85-86%, nhà thầu đã triển khai thi công kể cả cầu và đường. Các vị trí cầu có thể tập kết huy động máy móc, thiết bị được là đơn vị huy động thiết bị để thi công. Còn với các tuyến đường, đơn vị tập trung chỉ đạo đào vét và đắp bờ bao dọc tuyến, thực hiện đường công vụ vào để thi công. Trong thời gian tới, ông Tuân mong muốn UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành giải quyết dứt điểm các trường hợp còn lại. Ngoài ra, liên quan hạ tầng kỹ thuật cần được thực hiện sớm để triển khai việc thi công đảm bảo đúng tiến độ…
“Mặc dù là địa phương có tuyến cao tốc đi qua dài nhất nhưng hiện nay tỷ lệ bàn giao mặt bằng cũng như tỷ lệ mặt bằng thi công được tại Hậu Giang ở mức cao. Thậm chí, so với các dự án thành phần thì chúng ta thực hiện tương đối tốt. Để thực hiện tốt hơn nữa, cần phải tiếp tục cố gắng. Chúng tôi cũng biết, hiện nay địa phương đang rất bận công tác giải phóng mặt bằng cho tuyến cao tốc trục ngang. 2 dự án làm song song, tôi mong đối với các trường hợp còn lại, chúng ta nên xử lý cho dứt điểm”, ông Lê Đức Tuân bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Khi triển khai dự án cao tốc, đã nhận được sự đồng thuận của người dân nơi có dự án đi qua rất cao. Dù 1% còn lại khó nhưng phải xử lý dứt điểm. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng giải phóng đồng thời (vừa làm thủ tục đầu tư, vừa thực hiện các bước giải phóng mặt bằng, vừa triển khai các khu tái định cư). Đến thời điểm này, các khu tái định cư đã giao mặt bằng 100%.
“Về trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết, vừa qua các đồng chí giải quyết rất chậm. Cao tốc này có chỉ đạo rất nhiều lần, thậm chí ban hành chỉ đạo riêng cho cao tốc, nhưng công tác phối hợp để giải quyết còn đẩy trách nhiệm với nhau. Đây là công trình giao thông quan trọng của Quốc gia, khi đường này hình thành mở ra cơ hội rất lớn cho Hậu Giang. Do đó, tất cả phải đồng hành cùng tỉnh để triển khai thực hiện. Nhanh một ngày là khối lượng công việc được đẩy nhanh khá nhiều”, ông Nguyễn Văn Hòa chỉ rõ.
Hướng tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa yêu cầu các sở, ngành có liên quan thực hiện nghiêm túc thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, các văn bản chỉ đạo, chuyên đề cho cao tốc. Trong đó, có quy định trách nhiệm của từng sở, ngành và địa phương có liên quan và thậm chí có ban hành chính sách áp dụng để vận dụng, thực hiện dự án cao tốc nhưng không làm ảnh hưởng đến các dự án khác. Căn cứ những văn bản này, vận dụng vào giải quyết theo thẩm quyền các trường hợp còn đang vướng cho dứt điểm. UBND tỉnh đề nghị các đơn vị chủ quản hạ tầng kỹ thuật khẩn trương di dời các tuyến đường dây điện, cáp quang, đường ống cấp nước bị ảnh hưởng ra khỏi phạm vi thi công dự án… để đảm bảo dự án được thi công đúng kế hoạch đã được đề ra.