Nỗ lực giải phóng mặt bằng dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam

Thứ tư, 23/08/2023 08:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua tỉnh Kiên Giang thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thuận có chiều dài 23,3km; trong đó, tuyến chính dài 17,1km, tuyến nhánh dài 6,2km và có 426 hộ dân chịu ảnh hưởng từ dự án.

Chú thích ảnh

Công trình Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025,

qua địa bàn huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang).

Việc giải phóng mặt bằng được các ngành và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, song đến nay vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ để giao mặt bằng.

Theo UBND huyện Vĩnh Thuận, trong 426 hộ dân chịu ảnh hưởng từ dự án có 462 phương án bồi thường, hỗ trợ với diện tích đất thu hồi, bồi thường trên 876.300m2, tổng kinh phí bồi thường được duyệt trên 182 tỷ đồng.
 
Qua nhiều đợt chi trả, đến nay đã có 412/426 hộ gia đình, cá nhân tương ứng 447/462 phương án nhận bồi thường, hỗ trợ với số tiền gần 172,7 tỷ đồng, đạt 94,43% kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tỷ lệ thu hồi đất đạt 96,84%. Còn 14 hộ với 15 phương án chưa nhận bồi thường, hỗ trợ với số tiền gần 10,2 tỷ đồng, chiếm 5,57% kinh phí bồi thường, tương ứng 0,74km chưa được bàn giao. Một số hộ đã nhận tiền còn chưa bàn giao mặt bằng, có 17 trường hợp khiếu nại lần 2 về giá bồi thường đang được Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết. 

Là một trong những hộ ủng hộ và nhận tiền bồi thường thu hồi đất phục vụ cho dự án cao tốc đầu tiên của huyện Vĩnh Thuận, ông Võ Văn Sang, xã Vĩnh Phong cho biết, gia đình ông bị thu hồi 5.800m2 đất nông nghiệp với số tiền 1,17 tỷ đồng.  

Ông Sang chia sẻ: "Đất nhà tôi nằm giáp mặt lộ, mặt kênh nên với mức giá nhà nước bồi thường như vậy cũng cao hơn giá thị trường chút đỉnh. Với phương án bồi thường như trên thì mình ủng hộ bàn giao không phải vì số tiền, bởi mất đất sản xuất nên cũng nhiều lo lắng, nhưng gia đình tôi rất ủng hộ và sẵn sàng bàn giao mặt bằng để làm đường cao tốc vì đường cao tốc cũng để phục vụ cho nhân dân. Khi có đường, việc vận chuyển thuận lợi, các mặt hàng nông sản của người dân làm ra sẽ có giá cao hơn, người dân cũng được hưởng lợi". 

Chú thích ảnh

Gia đình bà Trần Thị Kiều Trang tại xã Phong Đông (Vĩnh Thuận, Kiên Giang)

đã tháo dỡ, di dời căn nhà tôn ra phía sau để bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc 

Bà Trần Thị Kiều Trang, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận cũng cho biết, gia đình bị ảnh hưởng 45m2 đất và một phần căn nhà. Ban đầu vợ chồng bà không đồng ý với phương án bồi thường vì tổng số tiền bồi thường không đủ cất lại căn nhà mới. Tuy nhiên, sau nhiều lần cán bộ xã, huyện vận động, giải thích, vợ chồng bà thấy được ý nghĩa của đường cao tốc và được hỗ trợ thêm tiền nên gia đình đã đồng ý giao mặt bằng cho dự án. 

"So với phương án bồi thường ban đầu, vợ chồng tôi cũng không được nâng lên bao nhiêu, tổng số tiền nhận bồi thường ảnh hưởng căn nhà và 45m2 đất chỉ 160 triệu đồng, cũng thấp lắm, nhưng vợ chồng tôi thấy ở xã, huyện giải thích cho mình nghe cũng hợp lý. Vì công trình này phục vụ chung cho nhân dân, mỗi gia đình phải có sự đồng thuận ủng hộ thì mới hoàn thành. Hiện tại, vợ chồng tôi đang xây phần nền, móng chuẩn bị tháo dở dời nhà ra sau để giao mặt bằng", bà Trang chia sẻ.
 
Theo ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, mặc dù tiến độ giải phóng đạt 96,84%, được Chính phủ và UBND tỉnh đánh giá cao, song huyện xác định tỷ lệ 3,16% còn lại là rất khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; trong đó, huyện xác định việc giải quyết tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc là nhiệm vụ then chốt trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho người dân phải di dời nhà có chỗ ở ổn định, yên tâm sản xuất, sinh hoạt thì việc bàn giao mặt bằng mới đạt 100%.
 
Vì vậy, huyện đã tập trung thực hiện các quy trình, thủ tục từ điều chỉnh quy hoạch chung của huyện đến quy hoạch cục bộ, quy hoạch thị trấn Vĩnh Thuận để tiến hành xây dựng Khu tái định cư huyện, được xác định tại vị trí Khu phố Vĩnh Đông 2, thị trấn Vĩnh Thuận. Huyện đã tiến hành thu hồi, bồi thường cho 11 hộ với 12 phương án để giải phóng mặt bằng Khu tái định cư giai đoạn 1 với số tiền 11 tỷ 454 triệu đồng, thu hồi 48.921,53m2 đất, đạt 100%. Về thủ tục để khởi công xây dựng thì đã hoàn thành bước thiết kế bản vẽ thi công (bước 2), cơ quan chuyên môn đang thẩm định và trình UBND huyện phê duyệt theo quy định.
 
Việc xây dựng toàn khu tái định cư với diện tích hơn 48.921m2 đã được duyệt là nhiệm vụ khó, đòi hỏi vốn lớn và thời gian dài; do đó huyện đã được UBND tỉnh chấp thuận xây dựng trước 70 nền để giải quyết tái định cư cho các hộ dân. Hiện tại cơ bản các thủ tục đã hoàn chỉnh, nhưng về vốn thì huyện còn thiếu 20,182 tỷ đồng để tiến hành chỉ định thầu xây dựng. Huyện đã có Tờ trình số 95 ngày 8/8/2023 gửi đến UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận để đề nghị hỗ trợ, bố trí vốn, khi có vốn sẽ tiến hành khởi công xây dựng. 
 
Tuy nhiên việc xây dựng trước 70 nền cần có thời gian, sớm nhất dự kiến cũng cuối năm 2024 mới bàn giao nền cho người dân, để giải quyết chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng thi công. Huyện đã tổ chức triển khai chính sách tạm cư hỗ trợ tiền thuê nhà 24 tháng cho các hộ bàn giao mặt bằng, tổng số tiền được duyệt là trên 1,3 tỷ đồng; chỉ đạo trưng dụng Khu Thu dung tại khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận làm chỗ tạm cư cho người dân trong thời gian chờ nền tái định cư mà không thể kiếm được chỗ ở nào khác.

Chú thích ảnh

Công trình Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau

 Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận kiến nghị tỉnh Kiên Giang ưu tiên hỗ trợ, bố trí nguồn vốn để huyện xây dựng Khu tái định phục vụ các hộ dân bị ảnh do dự án cao tốc để huyện sớm triển khai xây dựng, đảm bảo người dân có nơi ở ổn định; sớm bổ sung kế hoạch thu hồi đất để làm mương dẫn nước, để huyện lập phương án bồi thường, hỗ trợ, triển khai chi trả cho người dân; sớm chấp thuận chủ trương cho 7 trường hợp được mua nền tái định cư và hỗ trợ tiền thuê nhà cho 18 trường hợp bị thiệt hại nhà ở nhưng không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn có đất bị thu hồi để thực hiện dự án cao tốc theo Báo cáo số 01 của Hội đồng bồi thường huyện và Báo cáo số 328 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn huyện về định mức diện tích thực hiện thu hồi diện tích đất còn lại của thửa đất sau thu hồi không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng theo Tờ trình số 57 ngày 05/7/2023 của UBND huyện.
 
"Tuyến cao tốc Bắc - Nam là tuyến đường quan trọng, có ý nghĩa liên kết vùng miền và lan tỏa kinh tế xã hội, đại diện Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Thuận, tôi rất mong sự đồng lòng của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân để công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng sớm đạt theo tiến độ, yêu cầu", ông Lê Trung Hồ nói.

TTXVN

Nguồn: TTXVN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)