Khẩn trương khắc phục những bất cập, tồn tại để đảm bảo ATGT trên cao tốc mới đưa vào khai thác

Thứ năm, 09/05/2024 08:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đường tốt, phương tiện được lưu thông tốc độ cao nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT bất cứ lúc nào khi lái xe mất tập trung, vi phạm các quy tắc về tránh vượt, giữ khoảng cách không an toàn…

Khẩn trương khắc phục những bất cập, tồn tại để đảm bảo ATGT trên cao tốc mới đưa vào khai thác- Ảnh 1.

Một vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Liên tiếp xảy ra các vụ TNGT trên cao tốc mới

Ngày 10/3, tại Km58 cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, anh Lê Hoàng Quân (SN 1973, trú tại thôn Đắc Tâm, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) điều khiển xe khách giường nằm BKS 51B-26149 (loại 2 chỗ ngồi, 44 chỗ nằm) chạy tuyến cố định Nghệ An - Đồng Nai đang lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn theo hướng Quảng Trị - Đà Nẵng, khi đến địa điểm trên thì để đuôi xe phía bên phải va vào phía sau bên trái đuôi xe ô tô tải BKS 75C-016.91 bị nổ lốp xe đang đỗ phía trước cùng chiều. Hậu quả, vụ va chạm khiến 2 người tử vong tại chỗ.

Trước đó, vào lúc 10h ngày 18/2, tại Km48+200 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe ô tô 7 chỗ ngồi BKS 36A-485.67 va chạm với xe đầu kéo BKS 63C-136.59. Nguyên nhân vụ tai nạn do lái xe 7 chỗ không tuân thủ quy định về tránh vượt dẫn đến hậu quả làm chết 3 người trong một gia đình.

Theo số liệu thống kê mới nhất, trong quý I/2024, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã xảy ra 3 vụ TNGT, làm 3 người chết và 1 người bị thương. Nhiều tài xế phản ánh làn đường trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khá hẹp, không có trạm dừng nghỉ, thiếu hệ thống chiếu sáng... là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT, nhất là về ban đêm.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban QLDA cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, toàn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện đã cơ bản hoàn thiện các công đoạn về hạ tầng theo thiết kế cũng như hoàn thành việc đổi bảng vận tốc từ 80 lên 90 km/giờ. Tuy nhiên, thực tế một số tài xế tham gia lưu thông rất chủ quan, thường đi vượt vận tốc cho phép. Những vụ tai nạn trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chủ yếu xảy ra vào ban đêm, liên quan đến trạng thái của người lái xe hơn là liên quan đến kết cấu, thiết kế mặt đường.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 4 cho biết, trong năm 2023, chỉ tính riêng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã có đến 147 vụ TNGT, làm chết 5 người và bị thương 28 người. Ngoài ra, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã xảy ra 49 vụ tai nạn, làm chết 1 người và bị thương 7 người. Tình trạng quá tải, ùn tắc, đặc biệt vào các ngày cuối tuần, ngày lễ thường xuyên xảy ra trên tuyến.

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường bộ cao tốc xảy ra 267 vụ TNGT, làm chết 91 người, bị thương 172 người. So với thời gian trước liền kề tăng 2 vụ, tăng 30 người chết (32,97%) và tăng 56 người bị thương (32,56%). Qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nguyên tắc khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, hạ tầng giao thông và hệ thống báo hiệu trên cao tốc chưa hoàn chỉnh và đồng bộ.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) nhìn nhận, các vụ TNGT xảy ra nhiều trong thời gian qua, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trên các đoạn, tuyến mới được đưa vào khai thác như: Cao Bồ - Mai Sơn - QL45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Hà Nội - Thái Nguyên, Cam Lộ - La Sơn, Phú Thọ - Tuyên Quang, Mỹ Thuận - Cần Thơ... Bên cạnh ý thức tuân thủ pháp luật, qui tắc giao thông kém của người điều khiển phương tiện là chủ yếu thì còn do chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế... Mặt khác, trên một số tuyến cao tốc chưa bố trí được trụ sở làm việc, bãi tạm giữ phương tiện, nơi tiếp dân, xử lý vi phạm theo quy định..., gây khó khăn cho hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT.

Khẩn trương khắc phục những bất cập, tồn tại để đảm bảo ATGT trên cao tốc mới đưa vào khai thác- Ảnh 2.

CSGT tuần lưu trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Sẽ khắc phục tồn tại, bất cập trên cao tốc

Theo ông Phạm Quốc Huy, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã bàn giao tạm thời cho Liên danh Công ty Cổ phần Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 886 Thành Nam để vận hành. Trong thời gian vận hành tạm thời có sự giám sát, tuần tra liên tục của Đội Tuần tra giao thông số 6, thuộc Cục CSGT (Bộ Công an).

Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, dọc tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ - Mai Sơn - QL45 dài hơn 200 km có 3 đơn vị quản lý và có những dải tốc độ khác nhau như: Đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cao Bồ - Mai Sơn - QL45 đến Đại Xuyên tốc độ quy định xe chạy 100 km/h; từ Đại Xuyên đến Cao Bồ tốc độ quy định xe chạy 120 km/h...

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông Đường bộ số 3 (Cục CSGT, Bộ Công an) (phụ trách tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ - QL45), nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên tuyến chỉ nên quy định cho phương tiện chạy 100 km/h và 90 km/h là phù hợp.

Tương tự, nhằm đảm bảo trật tự ATGT tuyến cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị cắm biển báo tốc độ tối đa và tối thiểu; giảm tốc độ xuống 60 km/h tại làn phía ngoài tại các điểm lên xuống cao tốc; giảm tốc độ phía ngoài xuống 60 km/h tại các đoạn vượt khi còn 200 m là kết thúc vượt, kết hợp với biển báo nhắc lại; bổ sung giá long môn, cần vươn treo biển báo để các lái xe dễ quan sát; kéo dài các đoạn hình nêm chuyển từ 4 làn qua 2 làn và ngược lại; lắp đặt camera phạt nguội; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo ATGT trên cao tốc.

Trung tá Hoàng Xuân Ân, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, tới đây lực lượng CSGT sẽ tập trung xử phạt các tài xế không chấp hành đúng quy định giữ khoảng cách an toàn, sử dụng rượu bia, chất kích thích, chạy không đúng tốc độ và vượt ẩu... Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước sớm hoàn thiện các hạng mục trên tuyến cao tốc, bố trí trạm dừng nghỉ để lái xe dừng phương tiện khi có dấu hiệu buồn ngủ.

Để đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến cao tốc một cách căn cơ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, Nhà nước cần ưu tiên phát triển đồng bộ hơn nữa hạ tầng giao thông trên đường bộ cao tốc, đảm bảo đúng tiêu chuẩn mới đưa vào khai thác, sử dụng đồng bộ. Đối với những đoạn tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ (chưa đạt chuẩn cao tốc) cần phải nhanh chóng hoàn thiện để đạt chuẩn; cần xây dựng quy định tiêu chuẩn cao tốc theo quy chuẩn. Ngoài ra, công tác đào tạo, cấp, đổi giấy phép lái xe cần thay đổi bổ sung, nâng cao chất lượng đào tạo; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị quản lý hạ tầng trên đường bộ cao tốc; chủ động khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật nếu có nguy cơ mất an toàn, lực lượng CSGT sẽ tăng cường trách nhiệm, TTKS, xử lý nghiêm các vi phạm...

Hiện nay, nước ta đang khai thác, sử dụng 9 tuyến cao tốc với chiều dài 1.708 km. Trong năm 2024 dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng 2 đoạn tuyến với chiều dài khoảng 137 km, gồm: Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) dài 36 km; Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) dài 91 km. Dự kiến, đến năm 2026 nước ta sẽ hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng với tổng số 3.000 km đường bộ cao tốc.

Tạp chí GTVT

Nguồn: Tạp chí GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)