Giữa núi đồi trùng điệp, những cán bộ, kỹ sư xa nhà, xa quê vẫn đang nỗ lực thi công tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang với mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ.
Công trường cách nhà 1.500km
Tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, các nhà thầu thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang tích cực huy động nhân lực, vật lực để kịp hoàn thành tiến độ.
Khoảng 6h45 sáng 3/10, có mặt tại gói thầu số 24 (thuộc địa phận huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả phụ trách thi công, PV chứng kiến những giọt mồ hôi trên lưng các công nhân.
Anh Lăng Quốc Ngọc, cán bộ phụ trách kỹ thuật tại Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ: "Khi trời còn chưa sáng, tại ban điều hành dự án đã sáng đèn, ban chỉ huy họp lên kế hoạch chi tiết cho các hạng mục công việc trong ngày và phổ biến đầu việc tới từng bộ phận, từng tổ công nhân.
Ba tháng qua, đối với chúng tôi, ngày nắng là những ngày hiếm hoi, vậy nên mọi người đã tất bật từ sớm tranh thủ từng giờ từng phút để tiến hành thi công".
Công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả thi công giữa trời nắng nóng
Tại công trường, người thì hàn thép, người lái máy cẩu chở các khung thép đến điểm đúc dầm cầu. Tiếng máy móc, tiếng hò vang trong quá trình thi công tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp khác hẳn so với những ngày mưa dầm tháng trước.
Bám trụ công trường, đợi nắng thi công, anh Nguyễn Viết Đạt (công nhân) cho hay: "Trong 3 tháng 7, 8, 9 vừa qua, tại khu vực Hàm Yên trời mưa triền miên, mỗi tháng mưa tới 20 ngày, máy móc nằm im, công trường trông ảm đạm. Tuy nhiên, anh em công nhân vẫn quyết tâm bám trụ công trường, sẵn sàng thi công mỗi khi thời tiết diễn ra thuận lợi".
Thoáng chốc đã đến 11h30, những cán bộ, công nhân vẫn miệt mài hoàn thiện nốt những phần việc đang còn dang dở. 11h45, công nhân mới giục nhau về để ăn cơm và nghỉ trưa.
Dãi nắng thi công, vậy nhưng ai cũng vui vẻ bởi với họ, được thời tiết ủng hộ, được miệt mài làm việc là niềm vui lớn nhất.
Dẫu vậy đôi lúc những người công nhân ấy cũng không thể hết nỗi nhớ nhà.
Đi làm xa quê, anh Trần Văn Thuận, Trưởng bộ phận thí nghiệm Tập đoàn Đèo Cả ngậm ngùi chia sẻ với PV: "Quê tôi ở Phú Yên, nhưng hiện đang làm việc tại Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc. Cách vợ con hơn 1.500km đường bộ, khiến việc di chuyển về nhà cũng rất khó khăn.
Tôi có hai con, đứa lớn thì 7 tuổi, đứa nhỏ thì 3 tuổi. Mỗi khi gọi điện về, tụi nó kêu nhớ ba, tôi lại cảm thấy rất xúc động. Tuy nhiên, anh em công nhân tại đây đa phần đều xa quê, sống rất tình cảm, đoàn kết, hay động viên, giúp đỡ nhau nên tôi cũng nguôi ngoai được phần nào".
Hình hài cao tốc sau phát động "500 ngày đêm"
Trao đổi với PV, ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 24 cho biết: "Gói thầu số 24 có giá trị 720 tỷ đồng, Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận thi công 20/22 cầu với giá trị 626 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 9 nhà thầu đã triển khai được khoảng 16% sản lượng công trình. Trước đó, từ tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thường xuyên xảy ra mưa lớn, mỗi tháng mưa đến 20 ngày. Đặc biệt là đợt tháng 9 vừa qua, trải qua cơn bão số 3, công nhân trên tuyến phải tạm dừng để khắc phục hậu quả".
Cũng theo ông Tranh, để đảm bảo tiến độ hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, và theo tinh thần kêu gọi thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc" của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đơn vị thi công đã lên các phương án tăng ca, tăng kíp.
Hiện, đơn vị đã có mặt bằng thi công 15/20 cầu và triển khai 15/20 mũi thi công. Tại mỗi điểm cầu, đơn vị cũng chia nhỏ thành 2, 3 mũi thi công để đẩy nhanh tốc độ với tổng cộng 250 nhân lực và 150 đầu thiết bị, máy móc.
Ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 24 chia sẻ về công tác thi công.
Rời gói thầu số 24, PV Báo Giao thông tiếp tục men theo QL2 đến gói thầu số 21, thuộc địa phận huyện Hàm Yên, Tuyên Quang.
Tại đây, Công ty TNHH Hiệp Phú đảm nhận thi công từ Km43 - Km 43+600, và từ Km 43+600 - Km 44+680 là nhà thầu phụ cho Công ty Cổ phần Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68. Tổng chiều dài thi công toàn tuyến là 1,82km và tổng giá trị gói thầu khoảng 200 tỷ đồng.
Tại đây, PV Báo Giao thông ghi nhận hàng loạt máy xúc, xe tải nối tiếp nhau hoạt động phục vụ công tác vận chuyển, điều phối đất, tiếng máy móc rền vang giữa rừng núi. Hiện, cao tốc đã dần thành hình sau mỗi lượt máy xúc, máy ủi.
Dù nỗ lực thi công nhằm hoàn thiện tiến độ đề ra, tuy nhiên các nhà thầu hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú, trực tiếp chỉ huy thi công tại công trường chia sẻ: "Hiện tại, đơn vị đã đạt khoảng 18% khối lượng công trình, bao gồm hệ thống cống kỹ thuật, nền đường và các hạng mục về bê tông. Trong thời điểm mưa lũ vừa qua, đơn vị tập trung làm công trình thoát nước, đúc cấu kiện là chính".
Hiện, đơn vị có khoảng 45 công nhân và 25 đầu thiết bị, dự kiến sẽ bổ sung 3 nhân lực và gấp đôi thiết bị để thực hiện 3 ca, 4 kíp. Tuy nhiên, các mũi thi công cơ bản vẫn vướng mặt bằng. Đến thời điểm này, nhà thầu chỉ có 800m/1,8km để thi công. Phía chủ đầu tư dự kiến trong tháng 10 sẽ bàn giao mặt bằng".
Máy móc đang thực hiện san gạt nền đường
Theo ông Hoàng Văn Hải, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang khẳng định, để đảm bảo tiến độ thực hiện theo đúng kế hoạch, trong các tháng cuối năm 2024, đơn vị phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công; chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực để triển khai thi công 3 ca, 4 kíp nhằm bù lại tiến độ bị chậm do vướng mắc GPMB, do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
"Dự kiến trong năm 2024, thi công hoàn thành 30% giá trị hợp đồng và thi công hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng", ông Hải nói.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có tổng chiều dài 77km, tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng.
Điểm đầu tại nút giao đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với QL2D, thuộc địa phận xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Điểm cuối tại Km 77+00, khớp nối với dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có tổng số 7 gói thầu xây lắp, các đơn vị thi công đã đồng loạt triển khai thi công 6/6 gói thầu xây lắp phần đường và cầu trên tuyến. Riêng gói số 25: Thi công xây dựng hệ thống điện chiếu sáng chưa triển khai thi công.
Đến nay, các nhà thầu đã triển khai 80 mũi thi công; tổng số lượng máy móc thiết bị trên tuyến gần 500 thiết bị. Tổng giá trị thực hiện trong tháng 9/2024 đạt 15,41 tỷ đồng, lũy kế thực hiện đạt: 626/4.973 tỷ đồng, đạt khoảng 12,6% giá trị hợp đồng.