Nhiều người băn khoăn về số dư tài khoản trong trường hợp bị phá sản; thông tin cá nhân có được bảo mật?
Dán thẻ thu giá tự động không dừng (ETC) tại Trạm BOT Tân Đệ - Ảnh: Tạ Tôn
Theo lộ trình, đến cuối năm 2018 tất cả xe ô tô phải dán thẻ thu giá tự động không dừng (ETC) và phải có tài khoản giao thông. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện còn băn khoăn về tính bảo mật và cách quản lý dòng tiền trong tài khoản có đảm bảo an toàn?
Lo mất tiền trong tài khoản
Theo lộ trình của Quyết định 07 của Thủ tướng, đến hết năm 2019, tất cả các trạm thu giá trên toàn quốc phải thu giá tự động không dừng. Để thực hiện lộ trình này, cuối năm 2018, tất cả xe ô tô phải dán thẻ ETC. Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, hiện cả nước có 19 trạm thu giá đi vào vận hành thương mại với khoảng 500 nghìn/gần 3 triệu xe được dán thẻ.
“Tỷ lệ phương tiện qua trạm trả tiền tự động còn rất thấp. Một phần do nhiều người chưa tin vào tính công khai, minh bạch của dịch vụ. Chủ phương tiện còn lo ngại những rủi ro khi nạp tiền vào tài khoản thu giá không dừng”, ông Huyện nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc một công ty chuyên cho thuê xe du lịch tại Hà Nội chia sẻ, hiện nay đa số các trạm vẫn thu bằng tiền mặt nên tôi thấy chưa cần thiết phải dán thẻ cho xe của công ty. “Tôi còn băn khoăn về số dư trong tài khoản chủ xe trong trường hợp công ty cung cấp dịch vụ phá sản, tiền trong tài khoản hơn 20 xe của tôi có bị mất hay không. Hơn nữa, những thông tin cá nhân trong tài khoản được bảo mật thế nào?”, ông Tuấn Anh đặt câu hỏi.
Câu hỏi của ông Tuấn Anh cũng là băn khoăn của không ít lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải. Lý giải trước lo lắng này, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, chủ phương tiện mở tài khoản và dán thẻ, sau đó nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ. Mỗi thẻ được gắn với một tài khoản trả trước được lưu trên cơ sở dữ liệu.
“Tài khoản giao thông của chủ phương tiện được mở tại nhà cung cấp dịch vụ ETC. Theo quy định nhà cung cấp dịch vụ phải mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng và ngân hàng sẽ đảm bảo cho tài khoản chuyên thu này. Dù nhà cung cấp dịch vụ có phá sản, ngân hàng sẽ thay mặt thanh toán cho người sử dụng”, ông Toàn khẳng định.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí không dừng VETC cho biết thêm, chủ phương tiện hoàn toàn có thể kiểm soát được tài khoản của mình. Toàn bộ các giao dịch đều được ghi nhận về hệ thống của VETC. Khi một xe qua trạm, chủ tài khoản sẽ nhận được tin nhắn báo số tiền bị trừ, thời gian và ở trạm nào. “Nhà đầu tư BOT và Tổng cục Đường bộ VN có thể truy cập vào hệ thống, biết được tất cả các giao dịch 24/24h để kiểm soát vấn đề thu giá”, ông Hà nói.
Làm thủ tục trả tiền bằng thẻ qua trạm BOT Tân Đệ - Ảnh: Tạ Tôn
Tiền nộp vào tài khoản, ai hưởng lợi?
Ở góc độ người sử dụng dịch vụ, ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị diễn đàn Otofun nêu vấn đề, chủ xe muốn sử dụng dịch vụ thu giá không dừng phải nộp trước một khoản tiền vào tài khoản giao thông, trong khi chưa có hình thức nào để tích hợp tài khoản thẻ ETC với tài khoản cá nhân tại ngân hàng. “Khi chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản có nghĩa họ đã tạm ứng tiền trước cho nhà cung cấp dịch vụ. Trong khi, tiền trong tài khoản giao thông không được tính lãi. Vậy, với gần 3 triệu xe, số tiền nộp trước sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền đó ai sẽ được thụ hưởng?”, ông Thắng đặt câu hỏi.
Cùng ý kiến, ông Hà Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Thống Nhất (Bắc Giang) bày tỏ: “Doanh nghiệp có nhiều đầu xe sẽ phải nộp số tiền rất lớn vào tài khoản trước, nhưng không được tính lãi suất. Hơn nữa, tài khoản giao thông chưa liên thông tài khoản ngân hàng nên khi chuyển khoản phải mất phí, tiền phí này ai chịu?”
Giải đáp các thắc mắc, ông Tô Nam Toàn thừa nhận, tài khoản giao thông và tài khoản ngân hàng của chủ xe ô tô chưa thể kết nối với nhau, do khác nhau về tốc độ xử lý, nên mỗi chủ xe phải nộp một khoản tiền trước vào tài khoản giao thông để trừ dần cho các lần sử dụng đường bộ. Theo ông Toàn, hệ thống chuyển mạng của ngân hàng xử lý một giao dịch mất khoảng 2-10 giây, trong khi hệ thống ETC yêu cầu xử lý 0,2 giây cho nên tốc độ kết nối của ngân hàng chưa đáp ứng được với tốc độ của hệ thống ETC.
“Về lâu dài, chúng tôi sẽ làm việc với các ngân hàng để tích hợp 2 thẻ làm một, thuận tiện cho việc thanh toán. Bộ GTVT đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước để sớm có giải pháp kết nối 2 tài khoản. Khi tài khoản giao thông không đủ tiền qua trạm, lái xe hoàn toàn có thể thanh toán bằng tiền mặt. Bộ GTVT đang nghiên cứu giải pháp để ghi nợ và thu hồi nợ trong 10 ngày, dự kiến thực hiện trong năm 2019-2020”, ông Toàn nói.
Về phía nhà cung cấp dịch vụ, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, VETC không phải tổ chức tín dụng, không có chức năng kinh doanh tiền nên VETC không được phép và không có nghĩa vụ phải trả lãi cho chủ tài khoản. Theo quy định VETC phải mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng, tiền thu giá phải nộp vào tài khoản này và VETC cũng không can thiệp được.
“Theo quy định của hợp đồng, số tiền nộp tại tài khoản chuyên thu này, VETC chỉ được hưởng theo hình thức lãi không kỳ hạn bằng 0,2%/năm, thay vì nếu đúng theo luật thương mại VETC sẽ được hưởng lãi suất có kỳ hạn cao hơn nhiều”, ông Hà nói và lấy ví dụ, chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản giao thông mua vé trả trước loại 1 cho 10 lần qua trạm nhưng đó là vé không định danh cụ thể của một trạm thu giá nào. Số tiền đó ngân hàng sẽ phong tỏa và VETC được hưởng lãi. Tiền chỉ được chuyển về cho nhà đầu tư BOT khi xe đi qua trạm của nhà đầu tư cụ thể nào đó. Tuy nhiên, theo ông Hà, trong số 500 nghìn thẻ đã được dán mới chỉ có khoảng 16% chủ phương tiện nạp tiền sử dụng dịch vụ, VETC được hưởng lãi với mức trên không phải là nhiều. Khách hàng có nhu cầu đi bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, chúng tôi không yêu cầu chủ phương tiện phải nạp nhiều tiền vào tài khoản.
PV