Tổng cục Đường bộ Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ dán xong thẻ thu giá không dừng cho gần 3 triệu xe ô tô trong cả nước.
Việc kết nối giữa tài khoản cá nhân và vé điện tử VETC có thể thực hiện bằng cách nạp tiền qua Bankplus hoặc ứng dụng Momo (Trong ảnh: Trạm thu giá BOT Tân Đệ, Thái Bình) - Ảnh: Tạ Tôn
Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có khoảng 1/6 số xe dán thẻ do nhiều chủ xe không muốn trả trước, đồng thời kiến nghị được sử dụng tài khoản cá nhân để thanh toán khi xe qua trạm thu giá.
Không “thả gà ra đuổi”
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị Diễn đàn Otofun cho rằng, thu phí không dừng sẽ hạn chế sự “ăn gian” lượng xe qua các trạm BOT, rất cần khuyến khích. “Tuy nhiên, tôi chỉ đồng ý thu phí khi xe đi đăng kiểm, tương tự như thuê bao di động trả sau chứ không đồng ý nộp trả trước vào tài khoản thu giá không dừng (VETC) rồi trừ dần”, ông Thắng nêu quan điểm.
Cũng theo ông Thắng, nếu mỗi xe dán tem không dừng, giả sử mức thu tối thiểu là 1 triệu đồng/tem, với khoảng 3 triệu xe, chủ đầu tư có ngay 30.000 tỷ đồng. Hơn nữa, mức tiền nộp vào tài khoản 1 triệu đồng đối với xe chạy Bắc - Nam là khó khả thi vì phí BOT đã hết khoảng 15 triệu đồng cho 30 trạm. Nếu tài khoản có 1 triệu đồng, đi vài trạm lại phải nạp tiền một lần.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vị Đất Cảng chia sẻ, trong bối cảnh kinh doanh vận tải khó khăn, doanh nghiệp có nhiều đầu xe sẽ phải nộp số tiền rất lớn vào tài khoản trước, nhưng không được tính lãi suất. Hơn nữa, tài khoản giao thông chưa liên thông tài khoản ngân hàng nên khi chuyển khoản phải mất phí, ai chịu.
Giải thích về các băn khoăn trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí không dừng VETC cho rằng, “hóa đơn điện tử VETC có thể thanh toán trả sau nếu VETC hợp tác và liên kết được với các ngân hàng cung cấp dịch vụ thấu chi. Khi đó, ngân hàng đứng ra bảo lãnh chi trả tiền trước cho khách hàng và nhà đầu tư BOT. Cuối tháng, khách hàng sẽ hoàn trả lại tiền cho ngân hàng”.
“Hiện, VETC đã thông qua một số đơn vị trung gian thanh toán là ngân hàng, thẻ ATM của Napas, Viettel nên việc nạp tiền là tự nguyện. Theo lộ trình của Quyết định 07, đến năm 2019 sẽ bỏ barie, khi đó muốn ghi nợ phải có chế tài của cơ quan quản lý nhà nước. Tất cả bài toán công nghệ đều có thể giải quyết được, vấn đề là VETC phải cân bằng giữa lợi ích và chi phí, những rủi ro khi cho xe chạy không barie. Chúng tôi không thể “thả gà ra đuổi”, ông Hà nói thêm.
Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ảnh: Tạ Tôn
Có dùng được một thẻ chung?
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, ở giai đoạn 1 nếu trong tài khoản hết tiền hoặc không đủ tiền, chủ phương tiện có thể mua vé ở làn hỗn hợp. Theo lộ trình của Quyết định 07, giai đoạn 2 (2019-2020), khi xe qua trạm, barie sẽ tự động mở. Trường hợp tài khoản không đủ tiền, barie vẫn mở nhưng sẽ ghi nợ tài khoản và chủ phương tiện sẽ thanh toán sau. Trong vòng 10 ngày, chủ phương tiện phải có trách nhiệm thanh toán. Sau thời gian này không thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ có quyền khởi kiện và áp dụng thêm hình thức xử phạt khác.
“Mặc dù việc trả sau đã được quy định trong Quyết định 07 nhưng hiện chưa thay đổi được hành lang pháp lý liên quan đến việc trả sau, ghi nợ và xử lý ghi nợ. Các đơn vị của Bộ GTVT đang nghiên cứu lộ trình sửa Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông mới triển khai được ”, ông Toàn nói.
Về vấn đề kết nối giữa tài khoản cá nhân và tài khoản giao thông, ông Toàn cho biết, Tổng cục Đường bộ VN cũng yêu cầu mở rộng các hình thức nạp tiền vào tài khoản như thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng để trả sau. Hiện chưa thể kết nối được hai tài khoản này do vướng hàng rào kỹ thuật. Khi liên kết với ngân hàng, xe qua trạm, ngân hàng đối chiếu trả lại cho trạm thu giá thông tin tài khoản chủ phương tiện còn tiền hay không.
Hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 thử nghiệm thiết bị thu phí tự động tại trạm BOT An Sương - An Lạc
“Việc kết nối giữa tài khoản cá nhân như thẻ ATM, thẻ tín dụng với vé điện tử VETC không phải kết nối đơn tuyến 1 - 1. Bởi vì, một vé điện tử gắn với một phương tiện có thể được trả bởi nhiều nguồn tiền khác nhau như thẻ ATM, thẻ tín dụng. Tốc độ xử lý của vé điện tử VETC theo tiêu chuẩn quốc tế là 0,2 giây cho xe qua trạm. Trong khi đó, tốc độ xử lý một giao dịch thanh toán ngân hàng mất khoảng 5-10 giây. Tốc độ xử lý kết nối của ngân hàng chưa đáp ứng nên hai dịch vụ này không kết nối được. Về lâu dài, chúng tôi sẽ làm việc với các ngân hàng để tích hợp hai thẻ làm một, thuận tiện cho việc thanh toán”, ông Toàn giải thích.
Về kết nối giữa tài khoản cá nhân và tài khoản VETC, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, VETC chỉ là vé điện tử, không phải tài khoản. Người tham gia giao thông mua vé điện tử trước. Tiền đó sẽ được chuyển vào tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng và không có lãi. “Về mặt kỹ thuật, việc kết nối giữa tài khoản cá nhân và vé điện tử có thể làm được bằng một bước đệm như là nạp tiền qua Bankplus hay ứng dụng Momo. VETC không giữ tiền mà chỉ cung cấp hóa đơn điện tử, giống như hóa đơn tiền điện. Giống như mua vé giấy, người dân mua vé điện tử cũng trả trước. VETC đang làm việc với ngân hàng để đồng bộ tài khoản”, ông Hà cho biết.