Ngoài 8 trạm Bộ GTVT đề xuất chưa thực hiện thu phí không dừng, hầu hết các trạm trên toàn quốc đã triển khai thu phí theo hình thức này...
Trạm thu phí Hòa Lạc - Hòa Bình là 1 trong số 35 trạm được Viettel
đưa vào vận hành thu phí tự động không dừng vào ngày 29/12
Toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai sẽ được lắp đặt, vận hành hệ thống ETC
Bộ GTVT và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) đồng loạt đưa vào khai thác thu phí điện tử không dừng (ETC) tại 35 trạm thu phí vào ngày 29/12. Như vậy, hiện nay có tổng số 91 trạm thu phí ETC trên cả nước hoàn thành đúng lộ trình chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ GTVT, dự án thu phí tự động không dừng bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc với tổng số 44 trạm. Giai đoạn 2 gồm các trạm thu phí còn lại trên các tuyến quốc lộ với tổng số 33 trạm. Ngoài ra, còn các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Đến thời điểm đầu tháng 12, dự án giai đoạn 1 gồm 37 trạm thu phí lượt trên các tuyến quốc lộ và 7 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc đã triển khai và vận hành hệ thống ETC được 40 trạm. Việc vận hành các trạm này bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí.
Đối với 4 trạm thu phí chưa triển khai thuộc 4 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, hiện mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng. 4 tuyến cao tốc còn lại do VEC quản lý chưa triển khai thu phí điện tử không dừng do những vướng mắc về nguồn vốn triển khai, tái cơ cấu các dự án và sự chỉ đạo điều hành của VEC sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn. Bộ GTVT đã báo cáo và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo. Hiện VEC đang xây dựng phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện. Vướng mắc lớn nhất trong các phương án của VEC hiện nay liên quan đến nguồn vốn do phải chờ quyết định về tái cơ cấu các dự án của VEC.
Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT đã lựa chọn thêm đơn vị cung cấp dịch vụ thứ hai là Công ty CP giao thông số Việt Nam (nền tảng là Tập đoàn công nghệ viễn thông Quân đội - Viettel). Sau quá trình tháo gỡ vướng mắc liên quan việc thành lập doanh nghiệp dự án của Viettel, trong vòng 6 tháng, nhà đầu đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị thu phí điện tử không dừng tại 25 trạm đủ điều kiện triển khai ETC.
“Đối với các trạm do địa phương quản lý, Bộ GTVT cho biết, có 16 địa phương với tổng số 39 trạm thu phí. Trong số này, tỉnh Cà Mau đề xuất không triển khai ETC đối với 4 trạm do các trạm này thu phí cho các cầu có quy mô nhỏ (tổng mức đầu tư không quá 50 tỷ đồng), xe ô tô qua các cầu không nhiều mà chủ yếu là mô tô 2 bánh, việc lắp đặt ETC gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo tính khả thi, với chi phí đầu tư lớn sẽ không hiệu quả và phá vỡ phương án tài chính các dự án BOT ”.
Đối với 8 trạm không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai sau năm 2020 do đặc thù, có 3 trạm doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi và Thái Hà); 2 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Bờ Đậu - QL3 và trạm T2 - QL91) và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (3 trạm QL51).
“Việc triển khai thu phí không dừng tại các trạm này sẽ không hiệu quả, phá vỡ phương án tài chính dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng; Ngoài ra, các dự án này nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc. Đối với các trạm thu phí này, Bộ GTVT sẽ có giải pháp tăng cường công tác quản lý, giám sát công tác thu phí đảm bảo tính công khai, minh bạch”, Bộ GTVT cho biết.
Như vậy, trong tổng số 15 địa phương với 35 trạm thu phí, có 32/35 trạm đã triển khai lắp đặt thiết bị, vận hành và kết nối với dự án của Bộ GTVT. Hiện nay còn 3 trạm thu phí do UBND TP.HCM (trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh), tỉnh Đồng Nai (trạm thu phí ĐT768) và tỉnh Thái Bình (trạm thu phí QL39B) là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai còn chậm so với tiến độ yêu cầu.
“Về tổng thể đến 31/12/2020 cơ bản toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai sẽ được lắp đặt, vận hành hệ thống ETC đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngoại trừ 4 trạm do VEC quản lý, 8 trạm không đủ điều kiện triển khai và 4 trạm do UBND tỉnh Cà Mau đề xuất không triển khai”, Bộ GTVT thông tin.
Vì sao 8 trạm không triển khai?
Liên quan đến 8 trạm Bộ GTVT đề xuất không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện thu phí điện tử không dừng, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, có 3 trạm thuộc dự án đầu tư mở rộng QL51 có thời gian thu phí còn lại quá ngắn.
Lý giải cụ thể dự án này, Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư mở rộng QL51 (tỉnh Đồng Nai) đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là chủ đầu tư. Dự án hoàn thành năm 2012 với chiều dài 73km với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Dự án sử dụng 3 trạm thu phí để thu phí hoàn vốn (trạm T1 tại Km11, trạm T2 tại Km28+480 và trạm T3 tại Km56+450). Theo hợp đồng, thời gian bắt đầu thu phí từ năm 2009 khi bắt đầu thực hiện dự án và dự kiến kết thúc hoàn vốn vào năm 2034.
Theo phương án tài chính dự án, dự kiến năm 2018 dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chạy song hành dự án QL51 sẽ được hoàn thành đưa vào khai thác, lưu lượng xe của dự án sẽ phân lưu sang cao tốc khoảng 60%. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân đến nay dự án cao tốc này chưa triển khai, dẫn đến lưu lượng xe thực tế của dự án cao hơn so với phương án tài chính dự kiến.
Sau khi cập nhật số liệu đầu vào trong phương án tài chính theo thực tế dẫn đến thời gian thu phí của dự án có nhiều thay đổi so với hợp đồng đã ký. Theo tính toán, thời gian thu phí của dự án QL51 dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2021.
Trường hợp triển khai thu phí điện tử không dừng tại dự án đầu tư mở rộng QL51, chi phí đầu tư hệ thống thiết bị ETC khoảng 83 tỷ đồng. Với thời gian thu phí của dự án còn lại rất ngắn, khoảng chưa đến 1 năm, việc đầu tư hệ thống ETC với chi phí lớn sẽ không hiệu quả, có thể gây lãng phí, ảnh hưởng đến phương án tài chính của cả dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng.
“Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thu phí điện tử không dừng cũng quy định rõ, căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, cơ quan quản lý xem xét, quyết định việc triển khai thu phí điện tử không dừng đối với các trạm thu phí có thời gian hoàn vốn còn lại dưới 3 năm đảm bảo hiệu quả”, Bộ GTVT cho biết.
Đối với 2 trạm có vướng mắc chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng phương án dùng vốn ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư, Bộ GTVT cho biết, trạm thu phí Bờ Đậu hoàn vốn dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và Trạm T2 trên QL91 hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp QL91 và QL91B (TP Cần Thơ) trong quá trình triển khai thu phí hoàn vốn còn một bộ phận người dân chưa đồng tình, thường xuyên tụ tập phản đối, gây mất an ninh trật tự ATGT tại trạm thu phí dẫn đến các trạm phải tạm dừng thu.
Tại Thông báo số 150/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: "Về đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để xử lý đối với các dự án BOT có yêu cầu cấp thiết phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao Bộ GTVT chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá kỹ từng dự án, đề xuất phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định".
“Đến 31/12/2020, 2 trạm thu phí (Bờ Đậu - QL3, trạm T2 - QL91) do chưa thể triển khai thu phí hoàn vốn được nên việc triển khai thu phí điện tử không dừng không thực hiện được. Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương tại các trạm thu phí này, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp triển khai thu phí điện tử không dừng đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế”, Bộ GTVT thông tin.
Liên quan 3 trạm có doanh thu thu phí thực tế quá thấp, Bộ GTVT cho biết, trạm cầu Thái Hà hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức Hợp đồng BOT.
Dự án cầu Thái Hà thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình và Hà Nam được triển khai đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần BOT Cầu Thái Hà làm chủ đầu tư. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2014 hoàn thành 2016 với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Dự án sử dụng trạm thu phí cầu Thái Hà để thu phí hoàn vốn. Theo hợp đồng đã ký, thời gian thu phí của dự án khoảng 16 năm 7 tháng (bắt đầu thu từ tháng 1/2019, dự kiến kết thúc vào năm 2035).
Trong quá trình triển khai, do định hướng phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch giao thông tại khu vực có nhiều thay đổi bất lợi đối với việc thu phí của dự án, đặc biệt sau khi cầu Hưng Hà sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc, bắc qua sông Hồng kết nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam chạy song song với cầu Thái Hà hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện nay, phần lớn phương tiện lưu thông từ phía Hà Nam sang Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng và ngược lại đều chọn phương án đi qua cầu Hưng Hà để tránh mất phí.
“Theo số liệu tổng hợp, doanh thu thu phí của dự án rất thấp, chỉ đạt khoảng 15% so với phương án tài chính tính toán trong Hợp đồng. Nhà đầu tư dự án đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ GTVT bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phần thiếu hụt doanh thu hoặc nhà đầu tư đề nghị chấm dứt Hợp đồng, chuyển dự án cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của hợp đồng”, Bộ GTVT cho biết.
Liên quan đến dự án BOT cầu Mỹ Lợi trên QL50 (tỉnh Tiền Giang và Long An), Bộ GTVT cho biết, dự án bắt đầu triển khai từ năm 2014 hoàn thành 2015 với tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.400 tỷ đồng, sử dụng trạm thu phí cầu Mỹ Lợi để thu phí hoàn vốn. Theo Hợp đồng đã ký, thời gian thu phí của dự án khoảng 27 năm 11 tháng (bắt đầu từ tháng 11/2015, dự kiến kết thúc vào năm 2043).
“Quá trình triển khai do dự báo phát triển kinh tế xã hội của khu vực chưa phù hợp, đặc biệt các khu công nghiệp của Long An, Tiền Giang chưa đầu tư và tuyến QL50 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa được nâng cấp, mở rộng như quy hoạch khiến lưu lượng giảm (doanh thu chỉ đạt khoảng 30% so với phương án tính toán) và trên cơ sở cập nhật lại giá trị quyết toán, lãi vay, chi phí quản lý bảo trì... tính toán lại thời gian thu phí hoàn vốn của dự án hiện nay khoảng 44 năm 6 tháng”, Bộ GTVT lý giải.
Với trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh hoàn vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148-Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT cho biết, dự án bắt đầu triển khai từ năm 2013 hoàn thành 2015 với chiều dài 26km với tổng mức đầu tư khoảng 836 tỷ đồng. Theo hợp đồng đã ký, thời gian thu phí của dự án khoảng 20 năm 2 tháng (bắt đầu từ tháng 11/2015, dự kiến kết thúc vào năm 2036).
Trạm thu phí này hoạt động bình thường từ tháng 11/2015. Tuy nhiên, khi đưa tuyến tránh phía Tây TX. Buôn Hồ vào khai thác, nhiều phương tiện sử dụng tuyến tránh, không đi qua trạm thu phí, ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu (doanh thu chỉ đạt từ 20-30% so với phương án tài chính ban đầu).
“Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án di dời trạm thu phí hiện nay về phía cuối tuyến, tại khoảng Km1758+085. Tuy nhiên, mới đây, Công ty CP BOT Quang Đức báo cáo không thu xếp được khoản vay bổ sung và lo ngại người dân chưa đồng thuận nên không thực hiện việc di dời trạm. Đồng thời, kiến nghị Nhà nước mua lại dự án”, Bộ GTVT cho biết thêm.
Cũng theo Bộ GTVT, đối với 3 trạm thu phí của các dự án trên, Bộ GTVT và nhà cung cấp dịch vụ ETC đã nhiều lần đàm phán với nhà đầu tư các dự án BOT để triển khai thu phí điện tử không dừng. Tuy nhiên, doanh thu thu phí của các dự án quá thấp, hiện không đủ để trả lãi vay ngân hàng nếu triển khai thu phí điện tử không dừng tại thời điểm này sẽ tiếp tục phá vỡ phương án tài chính của dự án BOT. Các ngân hàng không tiếp tục cung cấp tín dụng để thực hiện và ảnh hưởng xấu tới phương án tài chính dự án thu phí điện tử không dừng. Do vậy, Bộ GTVT đề xuất chưa triển khai thu phí điện tử không dừng tại 3 trạm trên, trong thời gian tới khi doanh thu tại trạm này đảm bảo sẽ tiếp tục triển khai hệ thống.
Công khai, minh bạch trong thu phí
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, sau thời gian nỗ lực, đến nay, tất cả các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ đã đạt mục tiêu áp dụng thu phí tự động không dừng. Còn một số trạm chưa thực hiện được do thời gian thu phí ngắn, phương án tài chính nhà đầu tư không đảm bảo, Bộ GTVT đã có kiến nghị Chính phủ không thực hiện thu phí ETC.
“Tổng số 2 giai đoạn áp dụng thu phí ETC ở các trạm BOT lên con số 91 trạm (giai đoạn 1 có 56 trạm đưa vào hoạt động, giai đoạn 2 đưa 35 trạm). Tất cả các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ đã đạt mục tiêu áp dụng thu phí tự động không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành trước ngày 31/12/2020. Từ kết quả này, tới đây các dự án đường cao tốc và dự án đường bộ đầu tư bằng ngân sách hay PPP đều đầu tư triển khai loại hình thu phí này”, Thứ trưởng Thọ khẳng định.
Thứ trưởng Thọ cũng cho rằng, đây là giai đoạn bước đầu, ngành GTVT đang hướng tới chuyển đối số nên đòi hỏi ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài lĩnh vực đường bộ, GTVT có 5 lĩnh vực nên cần ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quản lý.
Khẳng định thu phí không dừng tạo sự minh bạch, công khai, giảm thời gian dừng, tốc độ lưu thông qua các trạm nhanh, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động tiếp tục quản lý bảo trì vận hành theo dõi các bất cập và tập trung chỉ đạo tháo gỡ để đồng bộ. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền dán thẻ tới chủ xe để người dân hiểu lợi ích về sử dụng ETC.
Đối với những khó khăn tồn tại, Thứ trưởng Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ cùng các nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT sớm giải quyết. Bộ GTVT cũng báo cáo Chính phủ lộ trình tăng thu phí để hài hòa lợi ích nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ.