Thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Bắc Giang về Quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2021, huyện Hiệp Hòa đã tranh thủ mọi nguồn lực để mở rộng, cứng hóa đường giao thông nông thôn (GTNT).
Khởi công làm đường tại thôn Đông (xã Lương Phong).
Xuất hiện nhiều điểm sáng
Nhiều năm trước, tuyến đường độc đạo nối ba thôn Vân Cẩm, Đồng Quan, Ấp Hồng với trung tâm xã Đông Lỗ chỉ là lối mòn. Vào mùa mưa, do mặt đường thấp nên thường xuyên bị ngập lụt, lầy lội, gây khó khăn cho người đi lại, giao thương và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Khi được tuyên truyền về lợi ích trong thực hiện chủ trương hỗ trợ 100% xi măng bê tông hóa đường giao thông, nhân dân rất phấn khởi.
Với phương châm Nhà nước hỗ trợ, người dân cùng làm, tuyến đường liên thôn của xã Đông Lỗ dài 1,8 km được bê tông mặt đường rộng 3,5m, dày 20 cm, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 100% xi măng với 400 tấn, kinh phí còn lại do người dân, doanh nghiệp đóng góp.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, người dân thôn Vân Cẩm phấn khởi nói: "Ngày trước tuyến đường này chỉ là lối đi nhỏ, vào mùa mưa ngập trắng, mọi người muốn lên trung tâm xã phải đi đường vòng xa gấp đôi. Tuyến đường được nâng cấp, bê tông hóa đã rút ngắn khoảng cách tới vài cây số, việc đi lại thuận tiện hơn hẳn".
Cũng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đầu tháng 9 năm nay, xã Lương Phong đồng loạt khởi công cứng hóa 4 tuyến đường GTNT ở các thôn: Đông, Khánh, Chùa và Sơn Quả 5, tổng chiều dài gần 1,8 km, kinh phí xây dựng khoảng 2 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ hơn 400 tấn xi măng. Có mặt trong những ngày làm đường, chúng tôi thấy không khí lao động ở các thôn như ngày hội. Phát huy khí thế đó, chỉ trong hai tháng, xã cứng hóa gần 3,8 km đường giao thông.
Tất cả đường thôn được cứng hóa
Chủ trương hỗ trợ xi măng của tỉnh Bắc Giang đã thực sự thúc đẩy phong trào cứng hóa, mở rộng đường làng, ngõ xóm ở nhiều địa phương trong huyện. Hiện đã có 33 thôn ở 15 xã thực hiện cứng hóa đường giao thông với tổng chiều dài hơn 24 km. Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, các tuyến đường được cứng hóa đều mở rộng hơn so với trước, mặt đường rộng từ 3,5 m trở lên, bảo đảm độ dày, kỹ thuật theo quy định. Sau khi đổ bê tông mặt đường, các thôn đều thực hiện cạp lề, tới đây sẽ trồng hoa ven đường, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp cho mỗi làng quê.
Để thực hiện hiệu quả phong trào làm đường GTNT, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn, xã, thị trấn rà soát, đăng ký tuyến đường đã xuống cấp, nhỏ hẹp để cứng hóa, mở rộng. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn trực tiếp giúp xã, thôn khảo sát, thiết kế, lập dự toán và hướng dẫn kỹ thuật. Ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những tuyến đường được hỗ trợ xi-măng tại các thôn đều nằm trong quy hoạch được duyệt với hồ sơ thiết kế, dự toán đầy đủ và cam kết về nguồn vốn huy động từ người dân.
Để tạo điều kiện thuận lợi, huyện hỗ trợ xã, thôn kinh phí vận chuyển xi măng từ đơn vị cung cấp đến tận chân công trình, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ bê tông hóa. Giai đoạn 2017 - 2020, huyện phấn đấu cứng hóa, nâng cấp 261 km đường trục thôn và liên thôn với tổng khối lượng xi măng 55 nghìn tấn. Trong đó, từ nay đến cuối năm 2017 hoàn thành kế hoạch hỗ trợ cho các xã, thị trấn khoảng 15 nghìn tấn xi măng với tổng chiều dài khoảng 71 km.
Kết quả bước đầu đã tạo diện mạo mới về hạ tầng giao thông trên địa bàn và khẳng định cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh Bắc Giang là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhiều người hưởng ứng. Hỗ trợ xi măng làm đường GTNT cũng là giải pháp kịp thời giải bài toán về nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, tạo đà để các địa phương phát triển KT-XH.