Nhờ tái cơ cấu đúng hướng, vận tải biển Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, tổng sản lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam liên tục tăng trưởng. Hiện tại, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển. Hệ thống cảng biển cơ bản đáp ứng được yêu cầu luân chuyển hàng hóa, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.
Ảnh minh họa
Vận tải biển tiếp đà tăng trưởng
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2018 số lượng tàu container mang cờ quốc tịch Việt Nam tăng lên 38 tàu, khối lượng vận tải hàng hóa do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 69,9 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển ghi nhận chỉ số tăng trưởng tích cực với 254,8 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng container đạt 8,7 triệu TEU, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 57% so với kế hoạch năm 2018.
Thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện 11 thủ tục hành chính (TTHC) đối với tàu thuyền vào và rời cảng biển tại toàn bộ 25 cảng vụ hàng hải. Cục đã rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 31/101 TTHC nhằm gỡ bỏ các rào cản không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, các quy định về phí, lệ phí cũng như giá dịch vụ tại cảng biển đều được ban hành bởi Bộ Tài chính và Bộ GTVT, cơ bản đã tạo ra sự công khai, minh bạch về phí, giá dịch vụ tại cảng biển, hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ, đồng thời hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh về giá.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017 tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 519.297.000 nghìn tấn, tăng 6% so với năm 2016. Trong đó, hàng container đạt 165.701.000 tấn, tăng 12% so với năm 2016, đây là năm thứ ba liên tiếp sản lượng vận tải tiếp tục tăng trưởng, tạo động lực cho phát triển.
Đối với hoạt động vận tải nội địa, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển (trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời…). Riêng đối với tàu container của Việt Nam, hiện số lượng tàu vận tải nội địa đã tăng lên 42 chiếc. Trên tuyến vận tải biển Bắc – Nam, vận tải biển nội địa cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển khối lượng lớn các loại hàng hóa như than, clinker, xi măng bao, vật liệu xây dựng, thép, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hóa tổng hợp (gạo, phân bón, gỗ, hàng bách hóa…). Tính đến tháng 6/2018, Việt Nam có tổng 1.647 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam (tháng 12/2017 là 1.594 tàu) đang hoạt động, với tổng dung tích gần 4,9 triệu GT, tổng trọng tải khoảng 8 triệu DWT.
Hiện nay, cả nước có 45 cảng biển (263 bến cảng, 18 khu neo đậu, chuyển tải) với gần 89km dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế khoảng 543,7 triệu tấn hàng/ năm. So với những năm đầu tiên triển khai thực hiện quy hoạch (năm 2000), hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 4,4 lần về chiều dài bến cảng (năm 2000 đạt khoảng 20.000m, đến nay đạt 89.000m). Hệ thống cảng biển Việt Nam được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng: Cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, phát triển cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ chức năng và được phân bổ trải rộng theo vùng miền, tận dụng tối đa được điều kiện tự nhiên, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển và cả nước, tạo động lực thu hút các ngành kinh tế cùng phát triển.
Hầu hết các cảng biển hiện nay do doanh nghiệp nhà nước, tư nhân sở hữu và quản lý khai thác, chỉ có 4 bến cảng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trong giai đoạn gần đây là Nhà nước vẫn nắm giữ quyền sở hữu kết cấu hạ tầng và tổ chức cho thuê khai thác. Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan được giao làm đại diện ký hợp đồng cho thuê khai thác các cầu 5, 6, 7 cảng Cái Lân (Quảng Ninh), bến cảng ODA Thị Vải, bến cảng ODA Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) và bến An Thới (Phú Quốc).
Hiện cả nước có 42 tuyến luồng hàng hải công cộng vào cảng quốc gia với tổng chiều dài là 935,9km và 10 luồng vào cảng chuyên dùng. Các luồng quan trọng gồm: Luồng Hòn Gai, Hải Phòng, Nghi Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn – Vũng Tàu, Cái Mép – Thị Vải và luồng sông Hậu qua cửa Định An. Luồng dài nhất là luồng Định An – Cần Thơ khoảng 130,6km, luồng ngắn nhất dài 0,55km là luồng vào cảng Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp (tính từ ngã ba sông Tiền).
Tuyến luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (qua kênh Tắt) có tổng chiều dài 46,5km hoàn thành đưa vào khai thác đáp ứng cho tàu 10.000 DWT đầy tải và tàu 20.000 DWT giảm tải vào trực tiếp các cảng khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống cảng biển Việt Nam cơ bản đáp ứng yêu cầu luân chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển và cả nước.
Tăng cường kết nối khai thác tiềm năng
Để khai thác lợi thế, tiềm năng cần đầu tư mở rộng hạ tầng nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng, xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan, Nam Trung Quốc… và đi các cảng lớn trên thế giới; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển; điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển theo hướng tập trung phát triển lợi thế kinh tế vùng; nâng cao chất lượng dịch vụ của đội tàu Việt Nam; tập trung phát triển năng lực vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa quốc tế, vận tải tuyến ven biển Bắc – Nam, vận chuyển hàng hóa và hành khách từ đất liền ra các đảo xa bờ.
Cần phát huy vai trò của hệ thống cảng biển Việt Nam là cửa ngõ ra biển Đông của nhiều hành lang vận tải ASEAN, tập trung vào các cảng: Vũng Tàu (Cái Mép – Thị Vải), Hải Phòng (Lạch Huyện), Quảng Ninh (Cái Lân), TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nghi Sơn, Vũng Áng; phát triển đội tàu, hệ thống cảng biển, dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, tập trung khai thác hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí, nâng cao sản lượng vận tải.
Nhằm phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng biển, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế để thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa cần nghiên cứu, hình thành, phát triển các kết nối cảng biển, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa… như:
Đối với khu vực phía Bắc, tập trung hoàn thiện giai đoạn khởi động bến cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) và đầu tư các bến cảng theo quy hoạch được duyệt đến năm 2020; triển khai đầu tư khu dịch vụ logistics sau cảng Lạch Huyện; phát triển các cảng cạn hỗ trợ cảng biển tại các trung tâm sản xuất hàng hóa khu vực Hà Nội, Bắc Ninh…, các cảng container thủy nội địa theo các hành lang vận tải khu vực phía Bắc đưa hàng hóa đến, rời cảng bằng đường thủy nội địa, đường sắt.
Đối với khu vực miền Trung, thúc đẩy nghiên cứu đầu tư bến cảng cửa ngõ Liên Chiểu và tuyến đường bộ, đường sắt kết nối khai thông tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; đầu tư xây dựng các cảng cạn hỗ trợ vận tải đến các cảng biển khu vực miền Trung, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai và các cửa khẩu).
Đối với khu vực miền Nam, tập trung phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải, từng bước hình thành cảng trung chuyển quốc tế; ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ độ sâu tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải từ các bến cảng khu vực Cái Mép đến phao “0” đến cao độ -15,5m bằng nguồn vốn ngân sách hoặc ODA; tập trung đầu tư khu dịch vụ logistics Cái Mép Hạ, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cảng cạn tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh gắn với đường thủy nội địa để hỗ trợ cho các cảng biển TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu; thúc đẩy đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối bến cảng Cái Mép – Thị Vải; nâng cấp các cảng thủy nội địa tại đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo điều kiện tiếp nhận các sà lan vận tải container nhằm tạo điều kiện kết nối thuận lợi giữa cảng Cái Mép – Thị Vải và nguồn hàng hóa; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả đề án khai thác nhóm cảng biển số 5, trong đó tập trung giải quyết tình trạng UTGT ở khu vực Cát Lái, nghiên cứu giải pháp để thu hút tăng lượng hàng thông qua khu vực Cái Mép – Thị Vải
Tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế
Thời gian qua, vận tải biển có được kết quả khá ấn tượng. Về sản lượng hàng hóa container thông qua cảng, nếu như 6 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016 thì sang đến thời điểm giữa năm 2018, con số này đã tăng lên tới 17% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng vận tải hàng hóa từ năm 2016 đã có sự tăng trưởng dương. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2018 mức tăng trưởng đạt 9%, đây là con số đáng mừng, chứng tỏ vai trò của đội tàu bắt đầu phát huy hiệu quả. Vì vậy, đội tàu Việt Nam cần ưu tiên tập trung thế mạnh vào các mặt hàng truyền thống, hàng rời và các tuyến vận tải có đủ năng lực. Một điểm nhấn nữa là cơ chế một cửa quốc gia tại 9 khu vực cảng biển để thực hiện thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh đã được áp dụng, đây là những điều kiện thuận lợi để vận tải biển phát triển.