Khi đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2019, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã xác định rõ sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải đường thủy nội địa, qua đó để đạt được hiệu quả kép: khai thác tối ưu thế mạnh sông nước và giảm bớt áp lực giao thông trên đường bộ.
Thiên thời địa lợi
Hệ thống đường thủy trên địa bàn TPHCM có tổng chiều dài 975km, đạt mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân. Tính ra, TPHCM có mật độ đường thủy đạt bằng 73% so với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực vốn dĩ có mật độ đường thủy cao nhất nước. Địa bàn thành phố đang có 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 598,7km và 8 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài hơn 190km.
Phương tiện thủy di chuyển trên kênh Đôi.
Về luồng tuyến, hiện có các tuyến liên tỉnh, tuyến nối tắt hoặc liên kết nội thành với khu cảng biển mới và các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch.
Đối với tuyến liên tỉnh, từ TPHCM có nhiều luồng tuyến tỏa đi các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, như từ TPHCM đi Cà Mau, Hà Tiên sẽ theo kênh Tẻ - kênh Đôi - rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô - rạch Bà Lào - sông Cần Giuộc - kênh Nước Mặn - sông Vàm Cỏ - kênh Chợ Gạo, Cà Mau - kênh Vấp Vò, Sa Đéc - sông Hậu Giang - rạch Sỏi - kênh Rạch Giá, Hà Tiên - kênh Ba Hòn - thị trấn Kiên Lương cự ly dài khoảng 320km theo tiêu chuẩn sông cấp III. Ở hướng Đông, từ TPHCM có thể đi Biên Hòa hoặc Bình Dương theo sông Sài Gòn, sông Đồng Nai…
Các tuyến đường thủy nội địa thành phố cùng với tuyến đường thủy nội địa quốc gia, tuyến hàng hải và hàng trăm cảng biển, cảng sông trên địa bàn TPHCM đã và đang tạo thành mạng lưới vận tải đường thủy kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối kết giao thương vận tải và kinh tế quốc tế.
Chính vì thế, việc quản lý, khai thác, vận hành và phát triển mạng lưới đường thủy nội địa là vấn đề bức bách, bởi điều đó sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Việc đầu tư đúng hướng không những giúp tăng năng lực vận tải thủy trên các tuyến sông mà còn góp phần hạ giá thành vận tải lưu thông hàng hóa trong khu vực.
Thêm nữa, đường thủy phát triển sẽ làm giảm áp lực lên đường bộ hiện đang quá tải, đặc biệt trong bối cảnh siết chặt quản lý tải trọng phương tiện hiện nay trên đường bộ, vốn dĩ là tác nhân khiến mật độ giao thông đường bộ và chi phí vận tải đường bộ tăng cao.
Trên bình diện nào đó, tính ưu việt của giao thông vận tải thủy so với đường bộ cũng rất đáng kể. Có thể kiểm chứng điều này thông qua khả năng vận chuyển của một xà lan hoặc một tàu trọng tải 300 tấn, tương đương với sức vận chuyển của 15 xe tải hạng nặng trên đường bộ.
Như vậy, tiềm năng khai thác vận tải đường thủy nội địa trên mạng lưới sông, kênh của thành phố không những rất lớn và nếu được sự quan tâm đầu tư đúng mức sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa nhờ chi phí thấp.
Ngoài ra, hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa còn có thêm nhiều lợi thế như có thể vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, hàng hóa siêu trường, siêu trọng và ít gây ô nhiễm môi trường.
Việc cần và đủ
Nhận thức rõ những ích lợi tiềm năng ấy nên trong quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng - bến trên địa bàn TPHCM giai đoạn đến năm 2020, có 5 tuyến vận tải thủy được chính quyền TPHCM đánh giá cao và lựa chọn. Đó là các tuyến: Rạch Đỉa - rạch Dơi - sông Phú Xuân; rạch Ông Lớn 2 - sông Phước Kiểng - rạch Mương Chuối; rạch Tôm - sông Mương Chuối; rạch Dơi - sông Kinh - sông Đồng Điền và tuyến rạch Dừa - sông Giồng - rạch Giồng - kênh Lộ.
Các tuyến này đều có điều kiện thủy vận tốt do đặc điểm sông rộng, độ sâu lớn, cho phép vận hành phương tiện vận tải thủy nội địa cỡ trung bình, thậm chí cả phương tiện vận tải thủy nội địa cỡ lớn cũng có thể lưu thông an toàn nếu được đầu tư nạo vét, chỉnh trị tốt.
Theo các chuyên gia, việc hoạch định những dự án luồng tuyến giao thông thủy này cho thấy tầm nhìn xa và sáng suốt. Bởi toàn bộ 5 luồng tuyến trên đều là những tuyến vận tải thủy trọng yếu, giữ vai trò kết nối trục đường thủy quốc gia là tuyến rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô - sông Cần Giuộc với tuyến hàng hải là luồng tàu biển Soài Rạp.
Từ những kết nối này, dẫn tới hệ quả tích cực khác khi trực tiếp giải tỏa hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu cảng biển Hiệp Phước và cảng sông Cát Lái. Vẫn theo quy hoạch, toàn bộ 5 tuyến vận tải thủy nêu trên đều là tuyến cấp IV nội địa, tức thiết kế dành cho tàu có tải trọng từ 51 - 100 tấn lưu thông.
Theo Khu quản lý Đường thủy nội địa, thuộc Sở GTVT TPHCM, vai trò và chức năng của 5 tuyến vận tải thủy này một khi đầu tư cải tạo đạt cấp quy hoạch sẽ đáp ứng được 3 tiêu chí quan trọng. Đó là hình thành khu vực tác nghiệp vận tải thủy với quy mô lớn từ cảng đến cảng, từ cạn ra sâu và từ cảng biển đi về thành phố.
Tạo ra khả năng liên kết trực tiếp giữa cảng biển với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cảng biển với TPHCM (nơi sản xuất và tiêu thụ hàng hóa đầy tiềm năng của toàn khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam).
Cuối cùng, 5 hướng tuyến được chọn nêu trên sẽ tạo thành hệ thống cầu nối các trục vận tải thủy quốc gia với đầu mối cảng biển trong khu vực; đồng thời là động lực thúc đẩy mạnh mẽ liên kết sông - biển và thúc đẩy vận tải thủy nội địa phát triển.
Ích lợi của 5 tuyến vận tải thủy nói riêng và mạng lưới các tuyến thủy kết nối nói chung là rất rõ ràng, như tuyến rạch Dơi - sông Kinh mặc dù chỉ là tuyến kết nối thủy nội địa cấp 4 với chiều dài 9km, nhưng đây là tuyến nối tắt giữa các cụm bến, cảng khu vực nội thành, cảng sông Phú Định với cảng biển Hiệp Phước thông qua sông Cần Giuộc.
Chính nhờ tuyến nối tắt này mà cự ly vận chuyển hàng hóa từ khu vực nội thành đi khu vực cảng Hiệp Phước được rút ngắn vì không còn phải lưu thông đường vòng ra sông Nhà Bè, Mũi Đèn Đỏ, sông Sài Gòn.
Tương tự, tuyến rạch Tôm (nhánh Phước Kiểng) kết nối các cụm bến, cảng khu vực quận 4, quận 7 với cảng biển Hiệp Phước thông qua tuyến rạch Đỉa, rạch Ông Lớn, vốn có nhu cầu vận tải đường thủy rất lớn. Quan trọng hơn, đây còn là tuyến nối tắt, rút ngắn cự ly vận chuyển mà không cần phải vòng ra luồng sông Nhà Bè và sông Sài Gòn.
Trong khi đó, tuyến rạch Chiếc - rạch Trau Trảu giữ vai trò kết nối sông Sài Gòn với sông Đồng Nai. Một khi dự án khai thông tuyến hoàn thành, lợi ích kinh tế mang lại sẽ vô cùng lớn bởi chức năng liên kết hai khu vực cụm cảng Thủ Đức và Đồng Nai với cụm cảng biển Cát Lái.
Tuyến rạch Giồng - sông Kinh Lộ giữ vai trò kết nối khu cảng biển Hiệp Phước với khu vực nội thành và cảng sông Phú Định (thông qua tuyến sông Cần Giuộc); đồng thời, kết nối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long qua ngõ sông Vàm Cỏ.
Ngoài các tuyến trên, cụm cảng Hiệp Phước còn kết nối với khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua các tuyến luồng hàng hải như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Soài Rạp.
Vấn đề cần làm của các cấp thẩm quyền là tăng cường đầu tư chỉnh trang, cải tạo, nạo vét các luồng tuyến thủy nội địa trên địa bàn thành phố, bao gồm nạo vét chỉnh trị luồng, thanh thải chướng ngại vật trên đường nước, gia cố chống xói lở bờ tại một số cung - chặng trên tuyến, bổ sung biển báo hiệu thủy vận như báo hiệu km, báo hiệu ngã 3, báo hiệu tránh vượt, biển báo tốc độ, chỉ dẫn neo đậu phương tiện.