Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) vừa cho biết, sau hàng loạt giải pháp công trình, phi công trình… đường vào khu vực cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) đã giảm ùn ứ, do đó, Tân Cảng Sài Gòn đề nghị bỏ quy định khống chế số lượng tàu 81 chuyến/tuần cập cảng Cát Lái, đồng thời, cho tàu có trọng tải trên 45.000 tấn cập cảng này.
Phương tiện vào cảng Tân Cảng Cát Lái không còn phải đợi chờ như trước
Ông Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng giám đốc TCT TCSG cho biết, thời gian qua, TCT TCSG đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để đảm bảo sản xuất ổn định, giao thông thông suốt cho khu vực cảng Tân cảng Cát Lái. Điển hình như việc điều tiết hài hòa hàng hóa giữa bến cảng Cát Lái, bến cảng SP-ITC và các bến cảng khu vực Cái Mép.
Đặc biệt, từ ngày 24/8/2018, TCT TCSG đã cùng các đơn vị chức năng của Tổng cục Hải quan (TCHQ) triển khai kết nối Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng Tân cảng Cát Lái. Cùng với việc cảng triển khai đồng bộ chương trình làm thủ tục và thanh toán qua mạng, đã góp phần giảm thời gian, chi phí và tăng tính chủ động cho doanh nghiệp (DN). Theo TCT TCSG, hiện cảng Cát Lái có 5 cổng giao nhận container A,B,D,E,G gồm 31 làn vào; 18 làn ra (tăng 11 làn vào; 8 làn ra khi mở rộng thêm cổng E) và cổng C dành cho hàng lẻ 3 làn vào, 2 làn ra đáp ứng lượng phương tiện ra vào cảng giao nhận hàng hóa thông suốt.
"Sắp tới, Cảng tiếp tục đẩy mạnh các thủ tục đăng ký xuất tàu, lệnh giao hàng điện tử qua mạng thì trong rất nhiều trường hợp, DN không cần phải xuống cảng làm thủ tục nữa. Bên cạnh đó, thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 3 phút/cont, thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn 5 phút và thủ tục giao nhận tại cảng được rút ngắn xuống còn 0.7 h/cont so với trước đây 0,85h/cont, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các cổng cảng", ông Nguyễn Năng Toàn cho biết.
Đường Nguyễn Thị Định (vào cảng Cát Lái) đã trở nên thông thoáng sau hàng loạt giải pháp
Theo lãnh đạo cảng Cát Lái, hiện nay, cảng đang đầu tư, triển khai cổng tự động, giao nhận bằng hình ảnh, BAT điện tử. Ngoài ra, lực lượng Kiểm soát cảng trực điều tiết giao thông trên tuyến đường Nguyễn Thị Định 24/7. Cảng cũng đã đầu tư 1 xe cứu hộ 5 tấn phục vụ cho công tác cứu hộ trong và ngoài cảng khi các phương tiện có sự cố. Riêng các dịch vụ phụ trợ như đóng rút container lạnh, container khô, cảng đã chuyển ra khu vực bên ngoài, làm giảm đáng kể lượng xe hàng rời vào cảng.
Về nguyên nhân ùn ứ giao thông cục bộ trên tuyến đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công là do các phương tiện cũ, hư hỏng thường xuyên gây cản trở giao thông, đặc biệt tại khu vực cầu Phú Mỹ và cầu vượt Cát Lái A. Cùng đó, các phương tiện đậu trên các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Lê Phụng Hiểu để vá lốp, ăn uống… gây cản trở giao thông. Tại tuyến đường Nguyễn Duy Trinh xảy ra ùn ứ là vì đường nhỏ, cấm giờ và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Theo Sở GTVT TP.HCM, để giải "bài toán" ùn tắc cho khu vực cảng Cát Lái, thời gian qua, TP đã đầu tư, đưa vào khai thác một số công trình như: cầu vượt và hầm chui tại nút giao Mỹ Thủy, cầu Bà Cua mới trên đường Võ Chí Công, cầu qua đảo Kim Cương. Đang khẩn trương xây dựng tuyến đường mới kết nối cảng Cát Lái đến đường Võ Chí Công nhằm phá thế độc đạo của đường Nguyễn Thị Định. Đẩy mạnh vận tải container bằng đường thủy giữa các ICD đến Cát Lái nhằm giảm khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ...
Các giải pháp phi công trình như: phát triển mạnh vận tải container bằng đường thủy giữa các ICD đến cảng Cát Lái nhằm giảm khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ; Phát huy hiệu quả của Tổ công tác liên ngành thông qua các nhóm phản ứng nhanh để kiểm soát tình hình giao thông tại khu vực; Điều tiết lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái phù hợp với từng thời điểm trong năm; Điều chỉnh tổ chức giao thông tại một số nút giao, tuyến đường cũng đang được triển khai.
Cùng đó, là việc đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, mở rộng các tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, Liên Phường, Võ Chí Công; mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao Mỹ Thủy), đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, đường Nguyễn Duy Trinh; triển khai xây dựng tuyến đường kết nối cảng Cát Lái đến đường Võ Chí Công. Về lâu dài, cần sớm di dời cụm cảng Trường Thọ; triển khai xây dựng để khép kín đường Vành đai 2 (đoạn phía Đông) và đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú (quận 2). Đầu tư xây dựng đường sắt chuyên dùng vận chuyển container từ Cát Lái đến các đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực...
P.V