Làm gì để đội tàu biển không trở lại “danh sách đen”?

Thứ năm, 27/02/2020 09:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nguy cơ đội tàu biển Việt Nam trở lại danh sách đen đang hiện hữu.

Nếu bị xếp vào “danh sách đen”, ngoài việc có mức độ rủi ro cao về an toàn, an ninh hàng hải,
tần suất bị kiểm tra có thể từ 2-6 tháng/lần dẫn đến nhiều chi phí phát sinh cho doanh nghiệp

Chỉ từ đầu năm 2020 đến nay, 3 tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế bị chính quyền cảng biển nước ngoài lưu giữ do không đảm bảo an toàn hàng hải. Nguy cơ trở lại danh sách đen đang hiện hữu.

Nguy cơ tụt hạng

Cục Hàng hải VN cho biết, hiện đội tàu biển quốc tế của Việt Nam có khoảng 500 chiếc thường xuyên hoạt động và hiện đang được Tokyo - Mou (Tổ chức hợp tác quốc tế kiểm tra nhà nước cảng biển châu Á - Thái Bình Dương với 20 quốc gia thành viên) xếp trong danh sách trắng về bị lưu giữ ở nước ngoài. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, có 3 tàu bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài sau kiểm tra của Thanh tra nhà nước cảng biển thuộc Tokyo - Mou.

Gần đây nhất, ngày 31/1, tàu Viễn Đông 3 của Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng biển Aichi (Nhật Bản) do có 10 khiếm khuyết cả về kỹ thuật và trang bị tài liệu hành hải.

Trước đó, tàu PVT Aroma của Công ty CP Vận tải dầu khí Hà Nội và tàu Sao Mai 136 của Công ty TNHH Vận tải biển Sao Mai cũng đã bị lưu giữ tại cảng biển Trung Quốc do bị phát hiện những lỗi khá nghiêm trọng như: Đường ống cứu hỏa bị rò nước, bơm đáy tàu bị rò rỉ mạnh, hệ thống nhận dạng tàu thuyền AIS bị lỗi, hệ thống liên lạc VHF không giữ được kênh cố định, dùng phao cứu sinh của tàu cá, hải đồ cho chuyến đi không đầy đủ, không có hải đồ cảng đến...

Dù con số 3 tàu bị lưu giữ là không lớn nhưng theo các chuyên gia vận tải biển, trong bối cảnh năm 2019 tỷ lệ tàu bị lưu giữ tăng cao gần gấp đôi so với năm trước (39 tàu bị lưu giữ) lại cho thấy sự cảnh báo về nguy cơ đội tàu biển bị “tụt hạng”, thậm chí rơi vào danh sách xám hoặc đen về lưu giữ. Đáng nói hơn, hầu hết các khiếm khuyết đều nghiêm trọng, mang yếu tố chủ quan của chủ phương tiện, thuyền viên.

Ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm VN cho biết, các khiếm khuyết dẫn đến tàu lưu giữ ở nước ngoài đầu năm 2020 chủ yếu ở hạng mục an toàn chống cháy, an toàn hành hải, hệ thống sử dụng trong trường hợp sự cố, tình trạng kín thời tiết, trang thiết bị cứu sinh, hệ thống quản lý an toàn tàu.

Làm gì để đội tàu biển bớt bị “soi”?

Tại cảng biển một số nước, nếu tàu mắc khiếm khuyết dẫn tới việc giữ tàu, chính quyền cảng sẽ chỉ định công nhân nước sở tại xuống tàu khắc phục, sửa chữa. Chi phí khi đó phát sinh rất lớn. Cùng một khiếm khuyết nếu tại Việt Nam chỉ sửa mất 5.000 USD thì tại nước bạn lên tới 20.000 USD.

Theo các cơ quan quản lý, hệ lụy của việc tàu bị xếp vào “danh sách đen” đồng nghĩa với việc có mức độ rủi ro cao về an toàn, an ninh hàng hải và tần suất bị kiểm tra có thể từ 2-6 tháng/lần, còn mức độ bình thường là 6- 9 tháng/lần, trường hợp “danh sách trắng” có thể 12-18 tháng/lần.

Ngoài đội tàu của quốc gia nằm trong “danh sách đen” bị chú ý, hồ sơ rủi ro từng tàu cũng bị lưu giữ, xếp loại rủi ro từ cao đến thấp, ảnh hưởng đến uy tín của đội tàu và từng phương tiện, cũng như tốn kém chi phí nếu liên tục bị kiểm tra.

Ông Võ Hồng Khánh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư vận tải biển Tân Đại Dương cho biết, nếu bị lưu giữ, tàu buộc phải khắc phục xong tất cả các khiếm khuyết mới được cho đi. Điều này sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Lịch trình có thể bị kéo dài cả tháng kèm theo rất nhiều chi phí phát sinh như: Lãi ngân hàng, phí bảo quản bảo dưỡng, lương thuyền viên, phát sinh thời gian vận chuyển, ảnh hưởng đến hạn hợp đồng trả hàng, kế hoạch xếp dỡ giữa hai cầu cảng.

Đại diện Công ty CP Vận tải biển VN cho biết: “Các tàu bị Tokyo - Mou xếp vào “danh sách đen” do mắc nhiều lỗi và bị lưu giữ liên tục trong khoảng thời gian nhất định thì đến cảng nào cũng bị kiểm tra. Có những trường hợp đến cảng A đã bị kiểm tra nhưng khi sang cảng B, cảng C lại tiếp tục bị kiểm tra, mà chủ tàu không được phép phản đối. Rủi ro lớn nhất là chính quyền cảng các nước, điển hình như Úc đã tuyên bố không tiếp nhận tàu nằm trong danh sách đen”.

Lý giải việc có những tàu đã được kiểm tra tại cảng xuất phát nhưng đến cảng đích vẫn nhiều khiếm khuyết, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, có những trang thiết bị được yêu cầu bổ sung tùy tính chất của mỗi chuyến đi, từng vùng hoạt động. Có thể quá trình kiểm tra tại cảng xuất phát hoạt động bình thường nhưng đến cảng đích lại gặp trục trặc. “Có chủ tàu thuê thuyền trưởng, thuyền viên ít kinh nghiệm, không nắm rõ được quy trình vận hành, thiết lập, kiểm soát được hệ thống trang thiết bị trên tàu, đến khi bị chính quyền cảng kiểm tra thì mắc phải rất nhiều khiếm khuyết”, vị này nói thêm.

Khắc phục tình trạng trên, bản thân các DN vận tải biển phải chủ động, quan tâm hơn nữa đến việc đáp ứng các quy định quốc tế về an toàn, an ninh hàng hải. Những sai sót không đáng có có thể tạo thành “vết” trong hồ sơ, khiến Thanh tra nhà nước tại các quản biển “quan tâm” hơn khi kiểm tra.

Theo Cục Đăng kiểm VN, một trong các giải pháp nhằm giảm thiểu tàu biển bị lưu giữ nước ngoài là cử đăng kiểm viên thực hiện giám sát các tàu bị lưu giữ khắc phục các khiếm khuyết về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Trong đó, cương quyết thu hồi giấy chứng nhận hoạt động tuyến quốc tế của các tàu này đến khi khắc phục thỏa mãn các quy định. Cùng đó, Cục tiếp tục kiểm soát chặt chẽ quá trình đăng kiểm chất lượng tàu biển đóng mới và thường xuyên kiểm tra đột xuất tàu đang khai thác, hoạt động quốc tế, hậu kiểm sau khi kiểm tra trên đà, định kỳ đối với các tàu hoạt động tuyến quốc tế.

Về phía Cục Hàng hải VN, chỉ đạo cảng vụ hàng hải kiểm tra nghiêm ngặt các tàu biển Việt Nam trước khi rời cảng theo thỏa thuận Tokyo - Mou và hợp tác quốc tế với các nước như: Liên bang Nga, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc…

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)