Huyện Thuận Nam nằm ở của ngõ phía Nam của tỉnh Ninh Thuận, có thế mạnh về kinh tế biển, du lịch, năng lượng tái tạo. Những năm gần đây, Thuận Nam được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và trở thành huyện có hạ tầng giao thông phát triển trong cả tỉnh. Các tuyến đường ven biển, Quốc lộ 1 đi qua địa bàn đã kết nối Thuận Nam với các địa phương trong và ngoài tỉnh, khơi dậy những tiềm năng kinh tế, dần hình thành các khu du lịch, đô thị mới.
Thuận Nam có 6/7 xã nằm trong Khu kinh tế ven biển phía Nam của tỉnh Ninh Thuận, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường liên kết với các khu kinh tế ven biển miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước. Để khai thác các thế mạnh và thúc đẩy sự phát triển của vùng, tỉnh xác định đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ theo hướng hiện đại, có tính kết nối cao luôn đi trước một bước để tạo động lực lan tỏa thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển. Đường Văn Lâm - Sơn Hải, đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná là những dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành kết nối cảng biển, các dự án trọng điểm về du lịch, năng lượng tái tạo.
Hạ tầng giao thông ngã ba Cà Ná (huyện Thuận Nam)
Đối với đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng tổng hợp Cà Ná là tuyến đường trọng yếu, động lực kết nối vùng để phát triển vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với các tỉnh lân cận và cả nước. Công trình mới được khởi công xây dựng vào đầu tháng 12 vừa qua đã mở ra hướng phát triển có tính đột phá, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, huy động cao nhất các nguồn lực để phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, góp phần giải phóng hàng hóa cập cảng, mở rộng kết nối giao thông trên đường bộ được thông suốt giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh và trong khu vực.
Cùng với giao thông, phát triển hạ tầng cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng ở Thuận Nam cũng được quan tâm đầu tư. Cảng biển tổng hợp Cà Ná có quy mô gồm 17 bến tàu, tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng, bao gồm tất cả các hạng mục quy hoạch gồm bến, bãi, kho, các công trình phụ trợ, dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông đang được gấp rút thi công. Đây là cảng biển có địa thế rất thuận lợi, hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, góp phần giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh.
Đường Văn Lâm - Sơn Hải đang đẩy nhanh tiến độ thi công
Xác định được tầm quan trọng của công trình, nhà thầu đã khẩn trương hoàn thành các hạng mục của Cảng biển tổng hợp Cà Ná kịp tiến độ. Đến nay, hạng mục Bến cảng 1A đã hoàn thành mở ra cơ hội giao thương, trung chuyển hàng hóa của vùng Nam Trung Bộ với toàn bộ khu vực ASEAN. Đây sẽ là nền tảng quan trọng tạo dựng một khu đô thị hậu cần - công nghiệp - khoáng sản - năng lượng, góp phần tối ưu hóa tiềm năng, lợi thế để tỉnh bứt phá vươn lên mạnh mẽ trong những năm tới.
Huyện Thuận Nam có thế mạnh về khai thác hải sản, trên địa bàn còn có Cảng cá Cà Ná là khu dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối hoàn chỉnh với hệ thống giao thông cảng, nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu cá, nhà máy nước đá, chế biến thủy sản, dịch vụ cung cấp nước ngọt, xăng dầu được đầu tư đồng bộ. Cảng có bến cập tàu dài 120m, rộng 8m, khả năng neo đậu cho tàu cá đến 400CV, năng lực bốc xếp 12.000 tấn/năm, đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Dự án khu neo đậu tránh bão tàu công suất lớn tại Cảng cá Cà Ná được triển khai vào năm 2021, khi hoàn thành sẽ đảm bảo neo đậu tránh, trú bão an toàn cho khoảng 1.200 tàu có công suất lên đến 1.000CV.
Bước vào năm mới 2023, huyện Thuận Nam đứng trước nhiều cơ hội để phát triển. Với việc hệ thống giao thông, cảng biển được đầu tư đồng bộ sẽ giúp địa phương bứt phá vươn lên mạnh mẽ.