Đội tàu biển Việt Nam thời gian qua có sự thăng hạng, đứng thứ 3 khu vực ASEAN và xếp thứ 22 thế giới.
Tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu DWT
Số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD) cho thấy: Đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia) và thứ 22 trên thế giới.
Trước đó, trong năm 2019, đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.
Đội tàu biển Việt Nam hiện xếp thứ 22 trên thế giới
Theo Cục Hàng hải VN, tính đến tháng 12/2022, đội tàu biển Việt Nam có 1.477 tàu với tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 7 triệu GT.
Trong đó, đội tàu vận tải là 1.009 tàu với tổng trọng tải khoảng 10,7 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 6,4 triệu GT. Số lượng tàu hàng rời, tổng hợp có 709 tàu, chiếm tỷ trọng 70,3%.
Tàu chở dầu, hóa chất có 178 tàu chiếm 17,6%; tàu chuyên dụng khí hóa lỏng có 21 tàu chiếm 2,1%. Đội tàu container có 43 tàu chiếm 4,3%; tàu chở khách có 58 tàu chiếm 5,7% đội tàu vận tải.
Hiện nay, tuổi tàu trung bình của đội tàu biển Việt Nam là 16,5. Loại tàu có độ tuổi trung bình trẻ nhất là tàu chở khách 7,9 tuổi. Tàu có độ tuổi cao nhất là tàu khí hóa lỏng 22,7 tuổi. Đối với tàu container, độ tuổi trung bình là 17,6 tuổi. Tàu dầu, hóa chất là 17,7 tuổi. Tàu chở hàng rời, tổng hợp khoảng 15,8 tuổi.
Trong khi đó theo UNCTAD, tuổi bình quân của đội tàu thế giới là 21,9 tuổi. Như vậy, đội tàu biển Việt Nam có độ tuổi trẻ hơn so với đội tàu thế giới.
Trong năm 2022, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển ước đạt 128,7 triệu tấn, giảm 13% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam đạt 2,76 triệu Teus, giảm 5% so với năm trước.
Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời,...
Đối với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam vận tải cũng tăng 10% (khoảng 1,29 triệu tấn) so với năm 2021 và chủ yếu vận tải các tuyến như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu. Lãnh đạo Cục Hàng hải VN đánh giá, đây là mức tăng trưởng cao.
Đội tàu tư nhân phát triển mạnh
Theo Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam vừa được Bộ GTVT phê duyệt, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa XNK qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và 20% vào năm 2030.
Trong giai đoạn 2022 - 2026, Đề án đặt ra 5 nhóm giải pháp chính để có thể đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có việc tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán, đăng ký tàu biển và quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam; cho phép không áp dụng thuế VAT khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026;4 b) Miễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG… và các tàu chở LNG…
Trong giai đoạn 2026 – 2030, sẽ tập trung hỗ trợ một số hãng tàu container Việt Nam đủ mạnh để vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và có thể đi đến Châu Âu và Mỹ. Có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết trong hoạt động khai thác hàng hóa container để nâng cao quy mô của doanh nghiệp, năng lực tài chính… tăng năng lực cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài. Tiếp tục miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG, H2, … và các tàu chở LNG đến hết năm 2030.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Bùi Văn Trung, chủ tàu Việt Nam hiện nay có số lượng tương đối đông nhưng phần lớn là nhỏ lẻ. Trong tổng số hơn 600 chủ tàu, chỉ có 33 chủ tàu sở hữu tàu có trọng tải trên 10.000 DWT.
Trong hơn 600 chủ tàu, chỉ có 33 chủ tàu sở hữu tàu có trọng tải trên 10.000 DWT.
Ảnh: Hải An
“Hiện tại, phần lớn chủ tàu Việt Nam đang quản lý và khai thác những tàu được đóng bằng công nghệ cũ, tiêu hao nhiên liệu cao, chi phí bảo quản, bảo dưỡng rất lớn nên kém sức cạnh tranh với các chủ tàu nước ngoài và gặp nhiều khó khăn trong khai thác mở rộng hoạt động, đầu tư đội tầu, phục vụ cho thị trường trong nước, vân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và kinh doanh quốc tế”, ông Trung nhận định và nhấn mạnh, nhu cầu phát triển đổi mới đội tàu đang là một đòi hỏi cấp bách của chủ tàu Việt Nam.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN cũng chỉ ra một nghịch lý trong việc phát triển đội tàu vận tải biển quốc gia hiện nay. Cụ thể, trong khi một số chủ tầu tư nhân nhanh nhạy đã tăng tấn trọng tải mà mình sở hữu và khai thác lên đáng kể, vươn rộng ra hơn trên thị trường quốc tế, thì đội tàu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước lại phát triển chậm, tuổi trung bình của tàu tăng, thậm chí có trường hợp năng lực giảm tới 50%.
Điều này được đánh gia do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là những khó khăn trong tìm kiếm nguồn tài chính, quy trình thủ tục đầu tư, vay vốn ngân hàng vẫn tồn tại nhiều phức tạp và bất cập, dẫn tới việc phát triển và đổi mới đội tàu của các doanh nghiệp mấy năm gần đây đã xảy ra hiện tượng nghịch chiều.
Ông Trung khẳng định: "Đây là vấn đề cần phải nhanh chóng có những giải pháp tổng thể để tháo gỡ và duy trì, củng cố, tăng cường năng lực của đội tàu nòng cốt của quốc gia".