Mặc dù có lợi thế vượt trội để đầu tư cảng nước sâu, nhưng đến thời điểm hiện nay tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa đầu tư, xây dựng xứng tầm.
Kết quả đầu tư chưa xứng với tiềm năng
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có bờ biển dài nhất nước. Đặc biệt có vịnh Sơn Dương, độ sâu tự nhiên 15-22 mét, lại không bị bồi lắng là điều kiện lý tưởng để phát triển hệ thống cảng nước sâu trung chuyển quốc tế.
Khu vực cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương
có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư (ảnh Google Earth)
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá: Cả nước chỉ có hai khu vực là vịnh Vân Phong (Khánh Hoà) và vịnh Sơn Dương đủ điều kiện xây dựng cảng nước sâu đáp ứng cho việc đón đội tàu container “khủng” nhất thế giới hiện nay để trung chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam và khu vực đi thế giới.
Chưa hết, vị trí cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương rất gần đường hàng hải quốc tế, thuận lợi hơn hẳn so với nhiều cảng biển khác.
Ở trên bờ, cảng Vũng Áng - Sơn Dương nằm ngay sát QL1, đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, có thể giao lưu kinh tế với mọi vùng trong cả nước.
Từ Vũng Áng, theo các đường QL8A, 12A đi qua Cửa khẩu Cầu Treo và Cha Lo. Đây là tuyến đường ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến các vùng Trung Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, là điều kiện rất thuận lợi cho mở rộng hợp tác phát triển kinh tế khu vực…
Hiện tại, Hà Tĩnh đã có 2 bến cảng cùng 15 cầu cảng, chiều dài khoảng 6km đang khai thác với lượng hàng hoá thông qua cảng năm 2020, đạt gần 32 triệu tấn/năm, bằng 4,6% so với toàn quốc.
Cảng Sơn Dương đã đón tàu chuyên dùng 200 nghìn DWT; Vũng Áng đón tàu 30 - 50 nghìn DWT tổng hợp và chuyên dùng. Cảng Vũng Áng đã có tuyến nội địa container, tàu 4.000 TEU
Nhờ có ưu thế của hệ thống cảng biển mà thời gian qua, KKT Vũng Áng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với số vốn lên đến gần 13 tỷ USD. Trong đó phải nói đến dự án mang tính động lực phát triển - luyện gang thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Mới đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đã tìm hiểu đầu tư chuỗi nhà máy sản xuất linh phụ kiện phụ trợ cho công nghiệp ôtô và thiết bị nghe nhìn công nghệ cao; cảng biển tổng hợp và khu logistics…
Hiện tại, hàng hóa qua cảng Vũng Áng cũng chủ yếu là khoáng sản, gỗ dăm
Tuy nhiên, theo những người tâm huyết, từng đó là chưa đủ so với những tiềm năng, lợi thế mà nơi này có sẵn. KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực như Vũng Áng vẫn đang phụ thuộc vào gang thép, nhiệt điện, xăng dầu.
Trong suốt hơn 10 năm qua, Hà Tĩnh chưa thu hút được thêm được dự án đầu tư lớn nào. Việc đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển tổng hợp và hệ thống dịch vụ logistics đang còn rất hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức.
Còn nhớ, ngày 8/3/2001, Bộ GTVT và Hà Tĩnh tổ chức khánh thành và chính thức đưa bến số 1 (cảng Vũng Áng) đi vào hoạt động, cho phép tàu 25-30 nghìn DWT vào làm hàng.
Lúc đó, các cảng Hải Phòng, Quảng Ninh mới cho phép tàu 10 nghìn DWT; Cửa Lò dưới 10 nghìn DWT vào làm hàng. Cảng Nghi Sơn chưa có trên bản đồ cảng biển Việt Nam...
Vậy 20 năm sau cảng biển Hà Tĩnh có thêm những gì? Đến nay, cảng tổng hợp Vũng Áng mới đưa vào hoạt động thêm một cầu cảng là bến số 2; Bến số 3 và 4 đang thi công dở dang, suốt 5 năm vẫn chưa xong.
Hệ thống logistics, hậu cảng đang... giẫm chân tại chỗ. Hàng năm lượng hàng hoá thông quan ở cảng tổng hợp Vũng Áng chỉ quanh con số 4-5 triệu tấn/năm, chủ yếu là dăm gỗ, khoáng sản...
Chưa nghĩ đến việc so sánh với Hải Phòng, Quảng Ninh, mới nhìn về láng giềng Thanh Hoá đã thấy thua thiệt.
Dù đầu tư hệ thống cảng biển chậm và sau hơn Hà Tĩnh nhưng đến nay, cảng Nghi Sơn đã có 12 bến cảng tổng hợp, với chiều dài gần 3km, đón tàu giảm tải 70 nghìn DWT vào ăn hàng; năm 2020, lượng hàng hoá thông qua cảng Nghi Sơn đạt gần 42 triệu tấn (trong đó khoảng một nửa là hàng hoá qua cảng tổng hợp) cùng hàng chục nghìn contenner.
Hệ thống logictics và hậu cảng ở đây phát triển đồng bộ, kết nối khu vực và quốc tế.
Cảng Vũng Áng đón những chuyến tàu container đầu tiên
Hà Tĩnh cần làm gì để phát triển xứng tầm?
Theo các chuyên gia, bên cạnh lợi thế về tự nhiên, Hà Tĩnh cũng có nhiều cơ sở để biến vùng cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi hải trình toàn cầu, góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành trọng điểm về vận tải cảng biển của cả nước.
Trước hết, là Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế hàng hải… Nghị quyết số 26-NQ-CP ngày 05/03/2020 Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trên.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (01/02/2021) xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng biến đổi khí hậu” và đưa ra mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX (2021-2025) đã xác định: Trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển là một trong bốn bốn trụ cột để phát triển; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, mới đây, ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính Phủ đã ký QĐ 1579/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Luật Quy hoạch, sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng biển thì các nhà đầu tư mới có cơ sở để triển khai đầu tư cảng.
Việc quy hoạch chi tiết phần dưới nước (luồng, cảng biển) thuộc Bộ GTVT thực hiện; phần quy hoạch chi tiết trên bờ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, logistics…) sử dụng đất do tỉnh thực hiện.
Một góc cảng Sơn Dương
Để đẩy nhanh việc quy hoạch chi tiết đồng bộ cả trên bờ và dưới nước ở khu vực cảng Sơn Dương, Vũng Áng cũng như ở một số nơi khác, tỉnh Hà Tĩnh phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, rốt ráo thời gian tới; rất cần phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GTVT và tỉnh Hà Tĩnh để thực hiện.
Đây là vấn đề tiên quyết mà Hà Tĩnh phải triển khai ngay, nếu không muốn chậm trễ. Khi có đủ quy hoạch chi tiết của tỉnh kết hợp các bộ, ngành… thì sẽ mời các doanh nghiệp lớn đến công bố và kêu gọi đầu tư. Chỉ như vậy, doanh nghiệp mới đủ điều kiện và yên tâm đến đầu tư lâu dài.
Cùng với đó, địa phương cần ưu tiên nguồn lực, kêu gọi đầu tư xây dựng một khu Logictics xứng tầm là trung tâm có công năng tích hợp đầy đủ, trọn gói các dịch vụ.
Bao gồm các thành tố phục vụ hàng hóa (bốc xếp, lưu trữ, sơ chế, đóng gói gián nhãn, kiểm định chất lượng, phân phối, xử lý…); dịch vụ vận tải, giao nhận môi giới thuê tàu; sửa chữa bảo dưỡng phương tiện bốc xếp, cung ứng sửa chữa container… nhằm thu hút được cả hàng hoá các tỉnh phía Bắc, Lào, Đông bắc Thái Lan và Nam Trung Quốc xuất khẩu trực tiếp đến các khu vực nội Á, EU, Mỹ, Trung Đông…
Đồng thời chú trọng việc kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp xứng tầm vào đầu tư hạ tầng KCN làm “đầu kéo” cho phát triển.
Để hiện thực được mục tiêu này, trước hết địa phương cần tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính với phương châm “tỉnh mở, sở hỗ trợ, địa phương đồng hành”.
Các đơn vị tham gia kinh doanh, quản lý tại cảng Vũng Áng - Sơn Dương như: Công ty cảng Vũng Áng Việt - Lào, Cảng vụ Hàng hải, đặc biệt Tổng công ty khoán sản Hà Tĩnh phải cố gắng và quyết liệt mạnh hơn nữa, trong việc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về phát triển cảng Vũng Áng; Phải tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cảng một cách hợp lý…