Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra đang có diễn biến rất phức tạp. Nó không chỉ tác động đến sức khỏe, tính mạng của người dân mà còn ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp vận tải khách. Tình cảnh xe nằm bến hoạt động cầm chừng, lượng khách sụt giảm khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao nếu tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài.
Hàng trăm xe khách của Công ty Cổ phần Hoàng Hà
không hoạt động vì ảnh hưởng của dịch Covid-19
Theo thường lệ, vào dịp đầu xuân mới, các nhà xe vận tải khách luôn nhộn nhịp xe xuất bến để đưa đón người dân trở lại làm việc, nhất là tham gia lễ hội đầu năm trên khắp mọi miền Tổ quốc. Thế nhưng, đầu năm nay, khi dịch Covid-19 phát sinh, hoành hành dẫn tới người dân hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng và dừng các chuyến đi du lịch đã ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ của các doanh nghiệp vận tải khách.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty Du lịch Mạnh Tuấn (thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương) cho biết: Công ty chúng tôi có 12 đầu xe loại từ 16-47 chỗ ngồi với 19 lao động là lái xe, phụ lái. Bằng giờ mọi năm, chúng tôi luôn trong tình trạng “cháy” xe vì không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân hợp đồng đi du xuân, tham quan lễ hội. Song, đầu năm nay, tần suất xe chạy giảm tới hơn 70% và mỗi xe chạy có lượng khách chỉ đáp ứng 50% sức chứa của xe dẫn tới doanh thu của Công ty ước giảm hơn 1 tỷ đồng. Xe nằm bến, lái xe không có việc làm nhưng chúng tối vẫn phải duy trì trả lương cho công nhân; cùng với đó, doanh nghiệp phải nộp lãi vay ngân hàng nên chúng tôi càng thêm khó khăn.
Tình trạng xe nằm dài ở bến cũng diễn ra tại Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Du lịch Tân Sơn (phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình).
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty có 15 xe chở khách loại từ 7-45 chỗ ngồi và giường nằm. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách hợp đồng du lịch giảm tới 90% so với cùng kỳ mọi năm. Nhiều khách hàng hợp đồng du lịch đi các tỉnh: Nam Định, Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng từ trong năm cũng đã hủy hợp đồng do lo ngại dịch bệnh và các địa phương đã hoãn tất cả các lễ, hội xuân để tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh này. Xe không hoạt động, cán bộ, công nhân thiếu việc làm ảnh hưởng đến thu nhập. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi lo lại không giữ chân được lái xe. Doanh thu giảm, thậm chí không có doanh thu, trong khi đó, công ty vẫn phải chi phí tiền lãi ngân hàng, thuế đường bộ, dịch vụ bến bãi, sửa chữa, bảo dưỡng xe lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng khiến cho doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Còn tại Công ty Cổ phần Hoàng Hà, gần 400 xe khách chạy các tuyến Thái Bình đi Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La, Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến xe buyt, taxi nội tỉnh cũng đang hoạt động cầm chừng. Hiện, công ty quyết định dừng hoạt động khoảng 150 xe do không có khách. 800 lao động của công ty thiếu việc làm cũng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập.
Ông Lưu Huy Hà, Giám đốc Công ty cho biết: Trong đợt dịch Covid-19 này, chúng tôi phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Công ty triển khai việc mua và cấp phát khẩu trang miễn phí cho lái xe, hành khách đi trên xe có nhu cầu và duy trì việc vệ sinh, khử khuẩn xe thường xuyên sau mỗi chuyến đi và về bến. Toàn bộ chi phí phát sinh cộng với các khoản phải nộp như thuế cầu, đường bộ doanh nghiệp nộp cả năm theo đăng ký hợp đồng tuyến cố định, trả lãi vay vốn ngân hàng theo định kỳ... Công ty đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, mong các cơ quan chức năng chia sẻ, tháo gỡ để doanh nghiệp duy trì hoạt động dịch vụ vận tải khách trong giai đoạn này.
Công ty Du lịch Mạnh Tuấn, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Du lịch Tân Sơn, Công ty Cổ phần Hoàng Hà chỉ là ba trong số các doanh nghiệp vận tải khách trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19 hiện nay.
Ông Vũ Quang, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh cho biết: Để chung tay cùng với tỉnh và cả nước ứng phó với dịch Covid-19, Hiệp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động 40 doanh nghiệp vận tải thành viên của Hiệp hội với khoảng 1.500 xe vận tải khách thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo của các cấp chính quyền. Các doanh nghiệp hội viên đã quán triệt tốt việc lái xe an toàn, duy trì việc vệ sinh, sát khuẩn xe, hỗ trợ hành khách bảo vệ sức khỏe khi tham gia giao thông; nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì dịch vụ vận tải khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Điều các doanh nghiệp vận tải khách trên địa bàn tỉnh mong muốn hiện nay là người dân không nên quá hoang mang trước dịch Covid-19, thực hiện tốt các biện pháp dự phòng, phòng, chống dịch phát sinh, lây lan, phối hợp tốt với các nhà xe trong công tác phòng, chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế. Các ngân hàng kịp thời chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giúp các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vận tải khách nói riêng vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.