Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người con xứ Nghệ xa quê đã quyết định đổi trả vé tàu xe, không về quê ăn Tết. Những người hiện đang ở Nghệ An cũng đổi vé để hoãn thời gian trở lại nơi làm việc để đảm bảo an toàn.
Ga Vinh đìu hiu khách trong tối 2/2 dù Tết đang cận kề
Là người con xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương đang làm việc tại Hà Nội, vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh đều mong ngóng từng ngày về quê ăn Tết, việc mua vé tàu đã được anh chuẩn bị chu đáo từ những ngày đầu tháng Chạp, tuy nhiên, đến cận ngày về thì Hà Nội liên tiếp xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, vợ chồng anh Minh đành phải ngậm ngùi đổi trả vé tàu, không về quê ăn Tết như mọi năm.
Anh Minh chia sẻ: "Mình là người từ vùng dịch trở về, sẽ phải cách ly và theo dõi y tế theo quy định, việc ăn Tết, giao tiếp với anh em, họ hàng bị hạn chế, trong khi Nghệ An chưa xuất hiện dịch nên mình nghĩ tốt nhất là không nên về quê dịp này, vừa hạn chế việc di chuyển, tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn cho quê nhà..."
Còn đối với gia đình chị Lê Thị Hồng, quê tại huyện Hưng Nguyên đang làm việc tại TP.HCM, chị đã sắp xếp về quê ăn Tết năm nay và mua vé khứ hồi, đến ngày mồng 5/1 âm lịch sẽ trở lại nơi làm việc. Tuy nhiên, khi biết tin TP.HCM cũng xuất hiện dịch Covid-19, chị đã ra ga Vinh để trả lại vé, hoãn thời gian đi và chấp nhận bị trừ phí.
Chị Hồng chia sẻ: "Đợt dịch lần này rất nguy hiểm, lây lan nhanh do đó, tôi và gia đình đã thống nhất ở lại quê thêm thời gian để đảm bảo an toàn vì Nghệ An chưa xuất hiện dịch..."
Không chỉ anh Minh, chị Hồng mà hiện nay, lượng người đổi trả vé tàu ngày một tăng cao do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Ông Nguyễn Đình Thanh - Trạm trưởng Trạm Vận tải đường sắt Vinh cho biết: "Từ khi dịch bệnh tái bùng phát trong cộng đồng đã có hiện tượng người dân đổi trả vé tàu và đến thời điểm hiện tại, ở ga Vinh đã có khoảng 1.000 vé tàu bị trả. Chủ yếu là những người xa quê quyết định không về quê ăn Tết, những người ở quê thì hoãn trở lại nơi làm việc, nhất là tại những vùng đang có dịch..."
Cũng theo ông Thanh, có 2 phương án khi khách đổi trả vé trong dịp này. Phương án đầu tiên là hành khách trả vé, phía công ty đường sắt sẽ giữ lại vé và hành khách sẽ được đi bù trong năm 2021 khi có nhu cầu. Phương án thứ 2, nếu hành khách muốn nhận lại tiền vé thì sẽ phải chịu phí theo quy định và số tiền sẽ được hoàn trả lại trong vòng 90 ngày.
Tuy nhiên, hành khách phải lưu ý rằng việc đổi, trả vé chậm nhất trước giờ tàu chạy là 24 tiếng; sau thời gian trên sẽ không đổi, trả vé. Đồng thời khi đổi trả phải mang đúng giấy tờ tùy thân in trên vé mới có thể tiến hành các thủ tục.
Không chỉ ga tàu mà tại các nhà xe, việc hành khách đặt vé rồi lại hủy bỏ hiện đang diễn ra rất phổ biến. Anh Nhân, chủ xe chạy tuyến Vinh - Bình Dương cho biết: Từ đầu tháng 2 đến nay, nhà xe của anh liên tục nhận được các cuộc gọi hủy vé. Đơn cử như ngày 7/2 (26 Tết) lúc đầu có trên 30 khách đặt vé thì nay chỉ còn 17 khách. Đặc thù của việc đi xe khách là người dân thường gọi điện đặt vé, nên khi hủy vé cũng rất đơn giản, không bị ràng buộc như mua vé trực tiếp tại ga tàu, phải ra tận nơi để làm thủ tục đổi trả.
Hiện các xe khách đang lâm vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì lượng khách đột ngột sụt giảm theo kế hoạch ban đầu. Nếu như nhà xe tiếp tục chạy thì số lượng khách ít ỏi không đủ chi phí, tuy nhiên nếu không chạy thì mất uy tín đối với những khách đã đặt vé sẵn và không hủy vé.
Theo đại hiện các bến xe, ga tàu cho biết, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, cộng với việc người dân liên tục đổi trả vé tàu xe nên lượng khách về Tết năm nay sụt giảm mạnh, dự kiến chỉ bằng 50% so với năm ngoái. Mặc dù vậy, các công tác kiểm soát dịch bệnh như yêu cầu hành khách đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, cách ly khi trở về từ vùng dịch... vẫn đang được tiến hành nghiêm túc để tỉnh Nghệ An có thể đón Tết an toàn.