Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên cả nước; nếu như nhiều công ty du lịch tại tỉnh Sóc Trăng phải tạm hoãn các tour đã lên lịch từ trước thì tại bến tàu cao tốc Superdong từ Trần Đề đi Côn Đảo vẫn phải hoạt động để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa 2 địa phương. Nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho hành khách cũng như nhân viên; công tác phòng chống dịch tại bến tàu luôn được công ty chú trọng và kiểm soát tốt.
Hơn 1 tháng trước, Công ty cổ phần Superdong đã phải tăng cường lượng tour, tuyến từ 2, thậm chí là 4 lần trong ngày để kịp thời phục vụ số lượng hành khách từ Trần Đề đi Côn Đảo khá đông so với cùng kì nhưng từ đợt nghỉ lễ 30/4 và 01/5 đến nay, lượng khách đã sụt giảm hơn 70%. Mặc dù giá vé không tăng, do lo ngại về tình hình dịch bệnh mà nhiều tuyến vẫn khá vắng khách. Ngay trong những ngày nghỉ cuối tuần, tại bến tàu Superdong cũng chỉ còn duy nhất 1 tàu hoạt động với số lượng hành khách còn chưa đến 100 người. Phần lớn số khách đi tàu ra Côn Đảo đều là người đến từ các tỉnh lân cận, lượng người tham quan, nghỉ dưỡng cũng rất ít mà chủ yếu là do nhu cầu công việc và vận chuyển hàng hóa. Ông Võ Văn Nhựt - hành khách đến từ tỉnh Bình Dương cho biết: “Thấy tình hình dịch bệnh như vậy mình cũng lo lắng, nhưng do công ăn việc làm ngoài đó nên không có bỏ được. Mình cũng tự trang bị khẩu trang để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh”.
Thực hiện công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của UBND huyện Trần Đề, bên cạnh việc điều chỉnh hợp lí số tuyến trong ngày trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bến tàu Supperdong còn tăng cường thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo tính an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của cả hành khách và nhân viên. Theo đó, hành khách trước khi vào khu vực nhà chờ đều phải thực hiện đầy đủ quy trình khai báo y tế tại chốt, được cấp phát khẩu trang và tiến hành đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi bước lên tàu. Tại vị trí chỗ ngồi trên tàu cũng được bố trí khoảng cách giữa 2 hành khách cách nhau từ 1 đến 2 ghế ngồi. Công tác phun khử trùng tại các khu vực trong khuôn viên bếu tàu cũng được thực hiện kĩ lưỡng ngay sau khi tàu xuất bến. Bà Nguyễn Thị Xuân- hành khách đến từ TP. Hồ Chí Minh thông tin thêm: “Thấy công tác phòng chống dịch ở đây rất tốt, có nhân viên giúp mình thực hiện khai báo y tế, nhắc nhở mình phải luôn đeo khẩu trang, thực hiện tốt 5K do Bộ Y tế khuyến cáo. Thấy vậy mình cũng yên tâm”.
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh
Mặc dù hiện nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ra công văn tạm ngưng một số hoạt động tham quan, du lịch tại Côn Đảo; nhưng hoạt động của tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo vẫn diễn ra bình thường để phục vụ các nhu cầu khác nhau của hành khách. Vì thế, Công ty cổ phần Superdong vẫn sẽ tiếp tục phục vụ hành khách bình thường dù có ngày lượng khách trong mỗi tuyến chỉ đạt từ 30 đến 40 người. Nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh sẽ tiếp tục được phía công ty tăng cường hơn trong quá trình đưa đón khách từ xe trung chuyển đến bến tàu hay từ khu vực nhà chờ lên tàu. Ông Trương Văn Niềm - thuyền phó tàu Superdong - Côn Đảo 1 cho biết thêm: “Trong khi chưa có công văn tạm ngưng thì tàu vẫn cho hoạt động bình thường, nhưng giảm lại chỉ còn 1 chuyến mỗi ngày. Chúng tôi sẽ siết chặt hơn trong công tác khai báo y tế cho mỗi hành khách, bất cứ hành khách nào không hợp tác hay là có biểu hiện không đảm bảo về sức khỏe chúng tôi tuyệt đối không tiếp nhận để đảm bảo an toàn cho những hành khách khác”.
Trước diễn biến hết sức khó lường của dịch bệnh Covid-19 thì tăng cường giải pháp kiểm soát đối với các hoạt động dịch vụ hành khách tại các bến xe, bến tàu là rất quan trọng và cần được đề cao cảnh giác; bởi những khu vực này thường là nơi quy tụ đông người ở nhiều địa phương khác nhau. Nhằm đảm bảo cho các hoạt động kinh tế diễn ra an toàn, nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của xã hội trong thời điểm nguy cơ dịch bệnh bùng phát thì các tổ chức kinh doanh, dịch vụ phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như công văn chỉ đạo của chính quyền địa phương. Luôn xem đây là nhiệm vụ cấp bách, không riêng của ngành Y tế mà của toàn hệ thống chính trị, của tổ chức, của cộng đồng xã hội, đặc biệt là ý thức của mỗi người.