Thuyền viên đến khu vực cảng biển Hải Phòng được đảm bảo quyền bầu cử ngay tại tàu biển khi không được lên bờ do Covid-19.
Đề xuất cho thuyền viên đến khu vực cảng biển Hải Phòng được thực hiện quyền bầu cử
trong thời gian cách ly trên tàu được các cấp chức năng địa phương đồng thuận cao - Ảnh minh họa
Vận dụng linh hoạt nguyên tắc, đảm bảo số lượng cử tri cao nhất có thể
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ hàng hải (CVHH) Hải Phòng cho biết, theo chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch của TP Hải Phòng, thời điểm hiện tại, thuyền viên Việt Nam trên các tàu, thuyền nhập cảnh hoặc đến từ vùng có dịch Covid-19 đang neo đậu tại các cầu, bến cảng thuộc vùng nước cảng biển Hải Phòng phải cách ly y tế tại tàu, không lên được bờ về địa phương cư trú.
Theo ông Vũ, thống kê hàng ngày đang có khoảng 50 lượt tàu thuyền Việt Nam, nước ngoài và hàng chục lượt phương tiện thủy nội địa vào, rời khu vực cảng biển Hải Phòng. Một lượng lớn thuyền viên Việt Nam đang làm việc trên đó.
Nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ công dân Việt Nam đang làm việc trên các tàu, thuyền tại khu vực quản lý, CVHH Hải Phòng đã đề nghị Ủy ban bầu cử các địa phương nơi có công dân Việt Nam đang cách ly trên tàu được thực hiện các công việc liên quan đến bầu cử tại tàu hoặc khu vực cầu cảng.
“Hiểu được đặc thù của nghề đi biển phải thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng: hoa tiêu, công nhân các cảng,…, Cục Hàng hải VN tham mưu Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng ưu tiên tiêm vắc xin cho thuyền viên và sẽ kiên định tiếp tục đề xuất chính sách này trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp vận tải, công ty cung ứng thuyền viên cũng cần chủ động đề xuất các cấp ở địa phương sắp xếp, ưu tiên để việc tiêm vắc xin cho thuyền viên được triển khai trong thời gian sớm nhất”, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN nói.
“Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến “nóng”, quy trình bầu cử tại tàu hoặc cầu, bến cảng được đề xuất vận dụng nguyên tắc bầu cử tại nơi cách ly theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Quốc gia về việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, phống dịch Covid-19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh”, ông Vũ nói và cho biết, đề xuất của đơn vị đã nhận được sự đồng thuận cao của các cấp thẩm quyền tại địa phương
“CVHH Hải Phòng cũng nhanh chóng yêu cầu 49 doanh nghiệp cảng biển, nhà máy sửa chữa tàu biển, các chủ tàu, đại lý và đơn vị hàng hải trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường nơi tàu thuyền neo đậu lập danh sách cử tri và tạo mọi điều kiện cho thuyền viên, công dân Việt Nam trên tàu được tham gia bầu cử theo luật định”, ông Vũ thông tin thêm.
Được biết, CVHH Hải Phòng là một trong những cảng vụ tiên phong đề xuất quy trình thực hiện bầu cử cho thuyền viên nhằm mục tiêu vận động cử tri tham gia ở mức cao nhất có thể.
Nỗ lực hỗ trợ thuyền viên “vượt sóng” Covid-19
Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi cho thuyền viên trong thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải cũng nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền viên hoạt động, duy trì các tuyến vận tải thông thương hàng hóa cho đất nước trong suốt mùa dịch Covid-19.
Thời điểm hiện tại, các cơ chế chính sách hỗ trợ thuyền viên hoạt động trong bối cảnh Covid-19
diễn biến phức tạp vẫn được Cục Hàng hải tích cực triển khai - Ảnh minh họa
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, trước khó khăn trong việc thay thế thuyền viên theo quy định của công ước Lao động hàng hải năm 2006 (thời gian làm việc của thuyền viên trên tàu tối đa 12 tháng) do không có các chuyến bay thương mại và việc bị hạn chế di chuyển quốc tế, Cục Hàng hải VN đã hướng dẫn các chủ tàu, tổ chức quản lý và cung ứng thuyền viên trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ tàu và thuyền viên đồng ý gia hạn hợp đồng thì được phép gia hạn thời gian hồi hương của thuyền viên trong thời gian phù hợp theo hướng dẫn của ILO.
Theo đại diện Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải), thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia đã cho phép thay thế thuyền viên tại cảng biển Việt Nam và tiếp nhận thuyền viên quốc tịch nước ngoài lên bờ chữa bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Hàng hải đề xuất Bộ GTVT kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, đối với tàu thuyền vào cảng thay thế thuyền viên trong thời gian dịch bệnh mà không thực hiện bốc dỡ hàng hóa thuộc đối tượng được miễn các khoản phí, lệ phí hàng hải hoặc được giảm 50-70% mức phí, lệ phí theo quy định.
Đồng thời, có ý kiến với UBND cấp tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho chủ tàu Việt Nam trong việc đưa thuyền viên cách ly thuyền với mức chi phí phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
“Các chủ tàu, doanh nghiệp vận tải/cung ứng thuyền viên cần chủ động liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh/thành phố để được hướng dẫn quy trình; yêu cầu trang thiết bị - phương tiện đưa đón - địa điểm cách ly … phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 để có phương án thay thuyền viên phù hợp nhất, giảm thiểu chi phí thuê ngoài, giảm bớt chi phí thay thế thuyền viên”, đại diện này nói.