Dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2021, qua đó, mở rộng mạng lưới hạ tầng giao thông...
Đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cấp giúp khu vực giáp trung tâm TP. Hồ Chí Minh thông thoáng hơn.
Trên công trường xây dựng đoạn trên cao và bến (thuộc gói thầu CP2, thành phố Thủ Đức) của dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), các công nhân và kỹ sư đang làm việc không ngừng nghỉ để sớm hoàn thành gói thầu. Do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên công tác bảo đảm quy định phòng, chống dịch được Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) quán triệt nghiêm tới tất cả các đơn vị thực hiện dự án. Hiện trên công trường tuyến metro số 1 có hơn 2.000 kỹ sư, công nhân làm việc mỗi ngày.
Phó Trưởng ban MAUR Huỳnh Hồng Thanh cho biết, tổng khối lượng của toàn dự án đạt gần 86%. Đối với dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), thành phố phấn đấu khởi công vào cuối năm 2021 (thay vì năm 2022 như dự kiến trước đó). Tuyến metro số 2 đi qua địa bàn của 6 quận gồm: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, với tổng diện tích thực hiện hơn 251.000m2. Hiện tỷ lệ bàn giao mặt bằng toàn tuyến đạt khoảng 79% (474/603 trường hợp). Dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành công tác đấu thầu thi công và khởi công một số hạng mục di dời, tái lập hạ tầng kỹ thuật.
Dù tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp, nhưng ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình để hoàn thành trong năm 2021. Cụ thể như xây dựng cầu Thủ Thiêm 2; mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy); sửa chữa và nâng cấp đường tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh); xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội; cầu Long Kiểng... Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm, cấp bách đã được trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021 như cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; Vành đai 2; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13…
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho hay, các công trình, hạng mục thuộc dự án xây mới, cải tạo đường và cầu trên địa bàn thành phố dự kiến hoàn thành năm 2021 có tổng mức vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Cụ thể, quy mô lớn nhất là dự án sửa chữa, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn), vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Tuyến đường là một trong những trục kết nối thành phố Hồ Chí Minh qua các tỉnh Bình Dương, Long An, góp phần tạo thuận lợi hơn cho các phương tiện giao thông lưu thông trên tuyến. Bên cạnh đó, dự án cầu Hang Ngoài xây trên trục đường Nguyễn Văn Nghi - Lê Quang Định (quận Gò Vấp), khởi công tháng 9/2020, vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Hiện một nhánh đã hoàn thành, nhánh còn lại dự kiến khai thác vào tháng 9 tới. Tiếp đó, là dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân) với chiều dài 1,4km, rộng 40m tính cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh. Khởi công đầu năm 2020, công trình có tổng vốn đầu tư gần 630 tỷ đồng, giúp việc đi lại được thông thoáng hơn…
Mới đây, thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa công trình sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) vào sử dụng. Đây là con đường nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh vì cứ mưa là ngập, do đường sụt lún, lại xuyên qua những khu chung cư đông đúc, nên khó thoát nước mưa. Ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ tại hẻm 87/31 đường Nguyễn Hữu Cảnh) chia sẻ: “Sống ở tuyến đường này hơn 20 năm nay, thường xuyên chứng kiến cảnh cứ mưa là ngập, kẹt xe nên tôi rất hiểu nỗi khổ của bà con nơi đây. Bây giờ có đường mới cao, rộng, đẹp, ai cũng vui mừng”.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu làm mới, đưa vào sử dụng 90km đường bộ và 20 cây cầu; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt gần 13%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất thành phố đạt 2,26km/km2 (tiêu chuẩn 10-13km/km2). Từ đó, hạn chế tối đa ùn tắc giao thông kéo dài và cải thiện tình hình giao thông tại các điểm có nguy cơ ùn tắc.