Nỗ lực hoàn thành hạ tầng khung đô thị, Vĩnh Phúc đã và đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, trong đó có các dự án giao thông, tạo sự kết nối vùng, động lực cho kinh tế - xã hội phát triển.
Theo chân cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi đến Dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ QL2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3 đúng thời điểm liên danh nhà thầu là Công ty cổ phần KEHIN và Công ty cổ phần thương mại và xây dựng CIZENRA đang huy động lực lượng, phương tiện để xử lý nền đất yếu tại đoạn Km4+300 thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc.
Anh Văn Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty cổ phần KEHIN cho biết: Dự án được khởi công đầu năm 2021, với chiều dài 6,1 km, tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 12/2022. Đây sẽ là tuyến đường kết nối giao thông với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, QL2B, đường Kim Ngọc, đường song song đường sắt, cầu Đầm Vạc, đường Vành đai 3 và cầu Vân Phúc sang thành phố Hà Nội. Đồng thời, tạo kết nối giữa các khu du lịch, dịch vụ, đô thị, hình thành tuyến đường kết nối các vùng cung cấp sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Theo anh Long, việc thi công dự án đang gặp khá nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp khó nhập khẩu nhựa đường, giá vật liệu xây dựng tăng. Đặc biệt, đến nay, dự án mới giải phóng được 50% mặt bằng và trên tuyến có 40 vị trí xây dựng cống ngang, 17 vị trí cần xử lý nền đất yếu, mất nhiều thời gian theo dõi lún. Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, trong những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, công ty đã huy động gần 30 lao động, 5 máy xúc, 20 ô tô, 5 xe lu, 3 máy ủi…để xử lý lún tại Km K4+300 thị trấn Yên Lạc. “Với năng lực, uy tín của nhà thầu, chúng tôi chỉ cần có mặt bằng thi công là dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng cam kết” - anh Long nói.
Quyết tâm hoàn thành Dự án cầu Đầm Vạc trong tháng 12/2021, 3 tháng qua, 3 liên danh nhà thầu là Công ty cổ phần Cầu 14, Locogi 18 và Công ty cổ phầnTtập đoàn Sông Hồng thủ đô đã thực hiện phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm tiến độ thi công 3ca/ngày.
Đến nay, dự án cầu Đầm Vạc đạt khoảng 48,5% khối lượng hợp đồng
Ông Nguyễn Hoàng Thức, Trưởng Ban quản lý Dự án cầu Đầm Vạc thuộc Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài cho biết: Dự án được đầu tư xây dựng theo lý trình nối đường Kim Ngọc - cầu Đầm Vạc - Quốc lộ 2 - đường tránh Quốc lộ 2 phía đông thành phố Vĩnh Yên. Cầu Đầm Vạc được xây dựng hai đơn nguyên tách biệt, mỗi đơn nguyên có 9 nhịp với chiều dài toàn cầu gần 320m, bề rộng mặt cầu 35m. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển hạ tầng, đô thị của thành phố Vĩnh Yên cũng như kết nối trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch chung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Thức, đây là cây cầu đầu tiên trên cả nước có phần siêu cao trên cầu, cong lồi cả chiều đứng và chiều ngang nên đòi hỏi kỹ thuật, chuyên môn rất cao. Do đó, để hoàn thành tiến độ dự án trong bối cảnh dịch bệnh, Ban quản lý dự án ODA tỉnh Vĩnh Phúc đã phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt trên công trường giám sát chặt chẽ về chất lượng, tiến độ triển khai các hạng mục; chỉ đạo nhà thầu khắc phục khó khăn, huy động tối đa nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Tính đến tháng 8, dự án đã bồi thường, giải phóng được 3,36ha/3,6ha. Các đơn vị thi công được khoảng 48,5% khối lượng, với nhiều hạng mục quan trọng cơ bản hoàn thành. “Với tốc độ này, nhất là thời tiết ủng hộ và dịch bệnh được kiểm soát tốt, dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ cam kết”- ông Thức cho biết.
Còn tại Dự án đường Vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên, đoạn từ QL2 đến đường Tôn Đức Thắng, việc thi công cũng được triển khai theo phương châm có mặt bằng đến đâu thi công đến đó.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp tỉnh, Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 3055/QĐ-UBND tỉnh, ngày 31/10/2017, chiều dài 3,69km, tổng vốn đầu tư gần 120 tỷ đồng, với các hạng mục chính: nền đường, mặt đường, bó vỉa hè, cây xanh; rãnh thoát nước, tường chắn, điện chiếu sáng, trạm biến áp và hệ thống an toàn giao thông. Tính đến ngày 3/8, mới có huyện Bình Xuyên bàn giao được 1,59km mặt bằng tại địa phận xã Quất Lưu cho chủ đầu tư; còn 0,34km tại thành phố Vĩnh Yên chưa bàn giao được do vướng tái định cư.
Đến nay, các đơn vị thi công đã hoàn thiện phần đắp nền đường từ QL2 đến khu công nghiệp Khai Quang, dài 1,57km; đã đặt xong hệ thống cống dọc tuyến chính dài 1,47km, thi công cấp phối đá dăm, phần đường sắt, thông tin liên lạc, đường điện, đường nước. Đặc biệt, tranh thủ thời tiết những ngày nắng ráo, các đơn vị thi công sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống cống dọc, hố ga dọc, cấp phối đá dăm, hoàn thành việc thảm nhựa trong tháng 8 này.
Quyết tâm hoàn thành, đưa dự án này vào sử dụng cuối năm 2021, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đề nghị UBND thành phố Vĩnh Yên đẩy nhanh công tác tuyên truyền, thuyết phục 11 hộ dân tại khu Minh Quyết, phường Khai Quang bàn giao mặt bằng.
Không chỉ có các công trình trên, nỗ lực hoàn thành hạ tầng khung đô thị, những năm qua, Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư, phát triển hệ thống giao thông và nhiều tuyến đường hiện đại đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo sự kết nối liên thông trong và ngoài, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, huy động nhân công, khó nhập vật liệu xây dựng nhưng dự kiến năm 2021, Ban sẽ hoàn thành, đưa khoảng 5 dự án vào khai thác và khởi công mới, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo diện mạo mới cho cả khu vực đô thị và nông thôn ở Vĩnh Phúc.