Tuy trong điều kiện giãn cách xã hội nhưng nhiều dự án giao thông trọng điểm cấp bách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn được chủ đầu tư và nhà thầu nỗ lực triển khai, với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Nỗ lực bảo đảm tiến độ
Công trường Dự án kè bờ hữu sông Cái qua địa bàn xã Vĩnh Ngọc và Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang) những ngày giãn cách xã hội vẫn hối hả, khẩn trương. Những ngày này, trên công trường vẫn có 2 mũi thi công được triển khai. Một mũi thi công ép cừ dự ứng lực phía bờ sông, mũi còn lại đổ các cấu kiện cho phần kè. Đây là dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Sau 7 tháng khởi công, các nhà thầu đã đắp đất nền đường được gần 69.000m3 (đạt 90% khối lượng); đóng cừ dự ứng lực được gần 4.000m/tổng chiều dài hơn 22.300m (đạt 17% khối lượng); đúc gần 1.200m3 cấu kiện tấm lát/tổng số hơn 3.500m3 (đạt 34% khối lượng). Đến thời điểm này, ước tính trị giá thực hiện được gần 23 tỷ đồng/hơn 123 tỷ đồng (đạt 19% trị giá hợp đồng).
Nhà thầu thi công tại dự án kè bờ hữu sông Cái qua xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang)
Ông Nguyễn Vũ Huy Hoàng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Khánh Vĩnh (đại diện nhà thầu) cho biết, để đạt được khối lượng như hiện nay là nỗ lực lớn của nhà thầu trong bối cảnh dịch bệnh. Bởi ngoài những khó khăn khách quan như vận chuyển vật tư phục vụ công trường bị gián đoạn, công tác giải phóng mặt bằng bị ngưng trệ, các đơn vị thi công còn phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch trên toàn công trường theo các nguyên tắc “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” và bảo đảm giãn cách trong quá trình thi công.
Tại Dự án đường D30 kết nối đường 23-10 với đường Võ Nguyên Giáp, nhà thầu đang tích cực triển khai phần đường dẫn và cầu trên tuyến. Theo ông Hồ Văn Thiên - Chỉ huy công trình đường D30, hiện nay, do vướng mặt bằng nên nhà thầu tập trung vào phần cầu. Đơn vị thi công đã hoàn thành 1 mố và 1 trụ, mố còn lại đang thi công cọc khoan nhồi; 52 dầm cầu cũng được đúc xong. Dự kiến đến cuối tháng 9, sẽ hoàn thành thi công phần mố cầu và tổ chức lao dầm.
Thực hiện nghiêm phòng, chống dịch
Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa là 154 tỷ đồng. Nhờ triển khai tốt các giải pháp để duy trì thi công tại các công trình, đến thời điểm này, ban quản lý đã giải ngân được hơn 115 tỷ đồng, đạt 74,78% kế hoạch vốn. Dự kiến, đến ngày 31/1/2022 sẽ hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn.
|
Theo ghi nhận của phóng viên, trong khoảng thời gian TP. Nha Trang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, công trường các dự án nói trên vẫn duy trì hoạt động. Tuy nhiên, để tránh việc tập trung lực lượng và phương tiện cùng một chỗ trong cùng một thời điểm, các hạng mục thi công đã được tính toán khoảng cách. Danh sách kỹ sư, công nhân đều được cung cấp tới chính quyền địa phương để quản lý, giám sát. Đồng thời, lực lượng công nhân thực hiện “3 tại chỗ” và được test nhanh 3 ngày/lần. Ngoài ra, các xe vận chuyển vật liệu xây dựng cung cấp cho công trình đều được kiểm tra kỹ, lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính còn thời hạn.
Trong năm 2021, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư 5 dự án. Hầu hết các dự án này đều nằm trong nhóm công trình cấp bách như: Đường D30; kè bờ hữu sông Cái qua xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh; kè biển Phú Hội (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh)… Vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ban quản lý đã xây dựng phương án để các nhà thầu duy trì thi công, phấn đấu hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch.
Ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Để bảo đảm tiến độ công trình, trước hết, chúng tôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các công trình đều triển khai thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Cùng với đó, tại các dự án, chúng tôi yêu cầu nhà thầu tập trung những công việc thi công cơ giới, huy động máy móc, trang thiết bị, giảm thiểu sức người, tránh tiếp xúc giữa người với người. Nhờ đó, các dự án đều đáp ứng được tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Ban quản lý là một trong 3 đơn vị, địa phương giải ngân tốt trên địa bàn toàn tỉnh”.