Hà Nội dự kiến toàn mạng xe buýt sẽ hoạt động trở lại từ ngày 21/9 với 50% công suất sau khoảng 2 tháng tạm dừng.
Bến xe, doanh nghiệp vận tải đều sẵn sàng
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội (đơn vị quản lý 3 bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm) cho biết, vẫn chưa nhận được thông báo chính thức của thành phố cho phép các bến xe mở cửa trở lại.
“Dù vậy, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, chúng tôi tin rằng Hà Nội đang chuẩn bị phương án để các hoạt động vận tải sớm trở lại”, ông Toàn nói và cho biết, tinh thần của các bến xe là sẵn sàng mở cửa để phục vụ doanh nghiệp và hành khách sau thời gian dài đóng cửa phòng dịch.
Khi xe buýt hoạt động trở lại, hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ và cả phương tiện
phải đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm đều cho biết, đều đã chuẩn bị sẵn sàng bến bãi, phương tiện để hoạt động trở lại.
Ở góc độ doanh nghiệp xe buýt, lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) nhìn nhận, trong thời gian tạm dừng hoạt động vẫn yêu cầu các đơn vị thường xuyên chăm sóc phương tiện để duy trì chất lượng, an toàn.
“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị hoạt động xe buýt phân công 2 - 3 thợ, kỹ thuật theo trực tại xưởng bảo dưỡng để thực hiện công tác vệ sinh, chỉnh trang những xe buýt nằm bãi xe.
Định kỳ kiểm tra các trang thiết bị trên xe và PCCC, đồng thời cho nổ máy kỹ thuật luân phiên hàng ngày để đảm bảo phương tiện luôn duy trì, sẵn sàng hoạt động tốt”, vị này nói và thông tin, với người lao động, đến thời điểm này, về cơ bản đã thực hiện tiêm phòng vaccine mũi 1, nhất là đội ngũ gần 7.000 lái xe và nhân viên phục vụ.
Cũng theo vị lãnh đạo này, khi xe buýt hoạt động trở lại, Transerco đã ban hành quy định chung về công tác phòng, chống dịch Covid-19 để triển khai đồng bộ các giải pháp.
“Sau mỗi ca làm việc, tất cả các phương tiện tại những đơn vị buýt thuộc Transerco đều được vệ sinh lau rửa sạch sẽ theo đúng quy trình, loại bỏ hết bùn đất, sau đó phun thuốc khử khuẩn toàn bộ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Những vị trí có nhiều người tiếp xúc như: Tay nắm, ghế ngồi, các điểm bám lên xuống... đều được phun hóa chất khử khuẩn để bảo đảm an toàn phòng dịch.
Trước giờ xuất bến, các xe còn được kiểm tra hộp đựng khẩu trang và nước sát khuẩn, bổ sung nếu thiếu”, lãnh đạo Transerco khẳng định.
Ông Đào Việt Dũng, Phó giám đốc Công ty CP Xe điện Hà Nội cho biết, đã chuẩn bị đầy đủ về các điều kiện nhân lực, vật lực. Tất cả lái xe đều được tiêm mũi 1 và 30% tiêm mũi 2.
Nhân viên được phổ biến nghiệp vụ theo hướng dẫn của Sở GTVT như thông tin hành khách, check mã QR, kiểm tra thẻ xanh, thẻ vàng của hành khách, các kỹ năng xử lý khi hành khách có triệu chứng mắc Covid-19.
“Mọi yêu cầu về phòng chống dịch, sắp xe để vận hành, chúng tôi đều đã sẵn sàng để hoạt động trở lại”, ông Dũng cho hay.
Hành khách phải đáp ứng điều kiện gì?
Trung tâm quản lý giao thông công cộng vừa gửi Sở GTVT Hà Nội phương án về tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Đáng chú ý, các tiêu chí về “thẻ xanh/thẻ vàng Covid” sẽ được áp dụng đối với hành khách. Cụ thể, người đân tiêm mũi vaccine thứ 2 được 14 ngày và không quá 12 tháng; đã tiêm 1 mũi vaccine đối với các loại vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi; người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly trong vòng 21 ngày tính từ khi khỏi bệnh là những đối tượng được áp dụng tiêu chí “thẻ xanh”.
“Thẻ vàng Covid” được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng tiêm 1 mũi đối với vaccine có yêu cầu 2 mũi được 14 ngày.
Đối với những cá nhân không có thông tin dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử do những lý do khách quan, có thể chứng minh bằng các giấy tờ có liên quan.
Về mặt tiêu chí chung, lái xe, nhân viên phục vụ, phương tiện cũng như hành khách phải được đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Văn phòng, bãi đỗ, nhân sự vận hành thực hiện đánh giá trước, trong và khi kết thúc giờ làm việc.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, phương án được triển khai sẽ áp dụng theo 3 giai đoạn.
Đầu tiên là 15 ngày sau thời điểm giãn cách xã hội trên toàn thành phố, kể từ 6h ngày 21/9 đến hết ngày 5/10; tiếp theo là giai đoạn từ ngày 6/10; Cuối cùng giai đoạn bình thường mới.
Giai đoạn 1, tần suất hoạt động của xe buýt không quá 50% công suất. Xe chỉ được vận chuyển không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ).
Giai đoạn sau thời điểm giãn cách 15 ngày (kể từ ngày 6/10), lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh và hành khách phải có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid” và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.
Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, đối với giai đoạn từ ngày 6/10, tần suất hoạt động của xe buýt không quá 80% công suất. Xe chỉ được đáp ứng không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ).
Trong giai đoạn bình thường mới, lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt và hành khách phải có “thẻ xanh Covid”. Xe buýt được hoạt động 100% công suất và không yêu cầu giãn cách hành khách.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, công tác vận hành các phương tiện vận tải hành khách công cộng vẫn phải thực hiện thận trọng từng bước, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng, chống dịch bệnh sau giãn cách xã hội.
“Trước mắt, thành phố vẫn thực hiện các giải pháp phòng dịch tích cực. Trong đó, tiếp tục khuyến cáo người dân chưa nên sử dụng phương tiện công cộng nếu chưa thực sự cần thiết”, vị này cho biết.
Theo lãnh đạo Transerco, trong thời gian nghỉ giãn cách vừa qua, xe buýt của Transerco vẫn tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch cùng các lực lượng Y tế, Bộ tư lệnh Thủ đô… với vai trò vận chuyển công dân F1 tại các vùng dịch đến khu vực cách ly tập trung của thành phố và công dân hết cách ly về địa phương. Hai tháng qua, Transerco điều động 542 chuyến xe, vận chuyển hơn 8.400 công dân.