Lượng xe ô tô đi đăng kiểm những ngày gần đây tăng đột biến sau khi Hà Nội và một số địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.
Nhiều trung tâm đăng kiểm bị quá tải, thường xuyên dồn ứ phương tiện, chủ xe mệt mỏi. Có cách nào để chủ xe tránh phải chờ đợi?
Xếp hàng nhiều tiếng mới đến lượt
Từ ngày 21/9, Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, Trung tâm Đăng kiểm 29-03V luôn ken kín xe ô tô xếp hàng chờ để vào đăng kiểm. Trong số này rất nhiều xe đã hết hạn đăng kiểm khoảng 1 tháng.
Tình trạng xếp hàng chờ đăng kiểm có thể kéo dài trên dưới chục ngày
sau khi các địa phương nới giãn cách xã hội
Anh Đỗ Anh Lê (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), chủ chiếc xe Mercedes biển số 30E-xxx58 cho biết, xe hết hạn đăng kiểm từ tháng 8/2021 nhưng do giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 nên giờ mới đưa xe đi kiểm định.
“Chưa khi nào đi đăng kiểm lại đông thế này, hôm đầu nới giãn cách tôi đi đăng kiểm ngay, nhưng xe đông quá nên đành quay về. Hôm nay phải dậy từ sớm nhưng cũng phải chờ rất lâu mới đến lượt”, anh Lê nói.
Tại Trung tâm Đăng kiểm 29-01S, lái xe tải 29C-xxx.20 trong lúc xếp hàng đưa xe vào kiểm định kể, tuần trước đưa xe đi khám nhưng phanh không đạt, gara cũng đóng cửa nên đến nay mới sửa xong và đi đăng kiểm ngay.
“Đăng kiểm xong chắc cũng không có hàng để chở, nhưng không đăng kiểm thì quá hạn, sợ bị phạt”, lái xe này nói.
Cũng than phiền chuyện đi đăng kiểm phải chờ đợi lâu, anh Nguyễn Duy Vũ, lái xe taxi công nghệ 30E-xxx34 cho biết: “Tôi làm thủ tục đổi giấy đăng ký, biển số xe từ trắng sang màu vàng từ đầu tháng 6/2021, nhưng đến nay mới nhận được đăng ký, còn chưa được trả biển màu vàng. Thế nên, đăng kiểm chỉ cấp giấy đăng kiểm thời hạn 15 ngày, không đi đăng kiểm tiếp sợ quá hạn, mà đăng kiểm đúng hạn lần nào cũng phải đủ phí kiểm định”.
Lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm xác nhận, trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội, không ít trường hợp xe 3 - 4 chỗ kinh doanh vận tải chỉ được cấp đăng kiểm thời hạn 15 ngày/lần do đã làm thủ tục đổi đăng ký, biển số màu vàng nhưng chưa được cấp biển.
Các đơn vị đăng kiểm được hướng dẫn, trường hợp xe kinh doanh vận tải đang làm thủ tục đổi đăng ký, đổi biển số từ màu trắng sang vàng, nếu xe đã đổi biển số và có giấy hẹn cấp đăng ký thì được cấp chứng nhận đăng kiểm với thời hạn bình thường. Còn xe chưa đổi biển chỉ được cấp với thời hạn 15 ngày.
Bên cạnh đó, trường hợp xe hết hạn giấy biên nhận thế chấp ngân hàng cũng chỉ được cấp chứng nhận đăng kiểm 15 ngày. Nguyên nhân chủ yếu do xe thế chấp ngân hàng ở “vùng đỏ”, địa phương khác nên chủ xe gặp khó khăn trong việc xin giấy gia hạn thế chấp.
Kiểm tra xe, gọi điện để đặt lịch trước
Kiểm định phương tiện tại Trung tâm đăng kiểm 29-27D
Một số trung tâm đăng kiểm ở ngoại thành Hà Nội thông tin, lượng xe đến đăng kiểm sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, tăng đột biến.
Nguyên nhân do nhiều xe cá nhân thuộc khu vực phong tỏa, cách ly nên bị quá hạn đăng kiểm.
Dù các trung tâm đăng kiểm đều bố trí đủ nhân lực, mở cửa từ 7h sáng đến 17h chiều, thậm chí làm việc muộn hơn, song phải thực hiện quy tắc 5K để phòng dịch Covid-19 nên tiến độ giải quyết thủ tục kiểm định khá chậm.
“Lượng xe quá hạn đăng kiểm tăng đột biến nên tình trạng quá tải có thể kéo dài đến hết tháng 9/2021, thậm chí dài hơn nếu các xe taxi, kinh doanh vận tải khách được phép hoạt động trở lại”, ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-01S nhận định.
Theo các đơn vị đăng kiểm, riêng Hà Nội có khoảng 15 nghìn phương tiện quá hạn kiểm định. Do vậy, trong thời gian này chủ phương tiện cần chủ động đặt lịch, chuẩn bị giấy tờ, kiểm tra phương tiện thường xuyên để khi đến đăng kiểm thuận lợi, nhanh chóng.
“Chủ phương tiện cần tra cứu trên trang điện tử của Cục Đăng kiểm VN, CSGT xem có bị cảnh báo “phạt nguội” không. Đầu giờ sáng hoặc gần cuối giờ thường vắng xe hơn, chủ phương tiện nên chủ động gọi điện cho đơn vị đăng kiểm để đặt lịch hoặc được hướng dẫn thời gian đăng kiểm phù hợp, tránh phải chờ đợi”, ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-01S nói.
Cũng theo ông Thắng, phần lớn xe đi kiểm định thời gian này là xe dừng hoạt động nên dễ phát sinh hư hỏng nhẹ. Chủ xe cần tự kiểm tra trước các hạng mục đơn giản như: Ắc quy, đèn, lốp, gương, cần gạt mưa… để tránh phải quay về sửa chữa nếu phát sinh hư hỏng.
Ông Ngô Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-07V (TP.HCM) cho biết, hiện địa bàn cũng có khoảng 20 nghìn xe ô tô quá hạn đăng kiểm nên sắp tới khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, lượng xe đi đăng kiểm chắc chắn tăng đột biến.
Ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, dự báo trước tình hình, Cục Đăng kiểm VN yêu cầu các đơn vị đăng kiểm tuân thủ nghiêm hướng dẫn phòng dịch và sẵn sàng tăng thời gian làm việc, hướng dẫn khách đặt lịch qua điện thoại, mạng internet và công khai quy trình để giảm thời gian chờ đợi của khách hàng.
Cách nào để không bị phạt do quá hạn đăng kiểm?
Ông Lê Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-22D cho biết, theo quy định, xe quá hạn đăng kiểm được tiếp nhận đăng kiểm bình thường và chỉ bị truy thu phí sử dụng đường bộ chưa nộp.
Tuy vậy, không ít chủ phương tiện lầm tưởng xe quá hạn kiểm định sẽ bị trung tâm đăng kiểm xử phạt.
Bên cạnh đó, hầu hết chủ xe lo ngại trên đường đưa xe quá hạn đăng kiểm sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt.
Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Bình, chủ phương tiện bị quá hạn đăng kiểm do quy định hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19 có thể xin xác nhận của chính quyền xã, phường để có căn cứ đề nghị lực lượng chức năng tạo điều kiện lưu thông để kiểm định.