Để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; hoạt động vận chuyển hàng hóa được thông suốt, an toàn phục vụ đời sống nhân dân và đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Giang đã kịp thời tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô.
Các đơn vị vận tải thực hiện quy trình phòng,
chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành GTVT
Trên địa bàn tỉnh có 11 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, trong đó có 35 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh và 15 tuyến vận tải hành khách nội tỉnh. Do ảnh hưởng Covid-19, các tuyến vận tải liên tỉnh giảm 100%; tuyến nội tỉnh giảm tần suất hoạt động từ 50% đến 100%. Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ Tư đến nay, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chỉ hoạt động chưa đến 50% năng lực; vận tải hành khách bằng xe taxi hoạt động bằng 20% năng lực; hoạt động vận tải bằng xe hợp đồng thì gần như không hoạt động chỉ khoảng 10% so với trước khi có dịch Covid-19…
Trong khi các giá chi phí đầu vào không những giảm mà có xu hướng tăng (như giá xăng, dầu) khiến hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài, trong khi vẫn phải trả lương công nhân, thuế, lãi vay, bảo hiểm… Anh Bùi Văn Phương, Phó Giám đốc HTX vận tải Vị Xuyên chia sẻ: HTX có hơn 20 xe vận tải hành khách với 5 tuyến chạy cố định liên tỉnh, 6 xe vận tải hàng hóa. Năm nay, hoạt động vận tải của HTX gặp rất nhiều khó khăn, toàn bộ vận tải hành khác đi các tuyến ngoại tỉnh đều đóng băng. Vận tải hàng hóa được thực hiện trên các phần mềm cấp mã QR Code của Bộ GTVT.
Nhằm thống nhất hoạt động vận tải theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành và tỉnh, Sở GTVT ban hành nhiều văn bản triển khai các nội dung phòng, chống dịch trên các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa. Sở GTVT đã xây dựng phương án tổ chức vận tải hợp lý khi vận chuyển hàng hóa đi, nhất là việc đến và đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch, phương án bố trí đủ lái xe phù hợp với hành trình di chuyển và thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm Covid-19.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác hậu kiểm quản lý các phương tiện vận tải hàng hóa vẫn còn một số khó khăn nhất định. Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT), Nguyễn Thu Thủy cho biết: Khi thực hiện đăng ký mã nhận diện phương tiện, phần mềm tự động sẽ lọc ra những phương tiện có biển kiểm soát Hà Giang và kê khai về Sở GTVT để quản lý. Nhưng thực tế việc phương tiện được cấp phù hiệu hay không lại không thuộc Sở quản lý, nên công tác hậu kiểm những phương tiện này sẽ khó rà soát trên tuyến hành trình. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở GTVT và lực lượng Công an để kiểm tra, kiểm soát điểm giao và nhận hàng theo đăng ký của chủ phương tiện. Hoạt động vận tải hàng hóa sẽ được kiểm soát chặt chẽ ngay từ các chốt kiểm dịch khi đi vào tỉnh. Khi chốt kiểm dịch phát hiện sai sót sẽ chuyển thông tin đến Sở GTVT và Sở sẽ phối hợp để kiểm tra lại nội dung thông tin phương tiện trong công tác hậu kiểm…
Mặt khác, việc đăng ký trên hệ thống phần mềm tại địa chỉ https://vantai.drvn.gov.vn thời gian qua vẫn còn có một số đơn vị vận tải đăng ký kê khai sai đối tượng để được cấp thẻ nhận diện phương tiện có mã QR Code (xe con, xe khách). Sở GTVT tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thành viên HTX, đội ngũ lái xe các nội dung liên quan đến việc đăng ký và sử dụng Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code. Thực hiện thống nhất, đúng quy định trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, cũng như việc đăng ký cấp Giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa trên hệ thống phần mềm quy định.