Đường sắt chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, đảm bảo điều kiện phòng dịch chạy tàu khách, chỉ chờ cái "gật đầu" từ các địa phương.
Nhân viên đã tiêm vaccine mới bố trí đi tàu
Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị này đang chờ ý kiến phản hồi chính thức của các địa phương để quyết định số đôi tàu, ga dừng đỗ và thời gian chạy lại tàu khách trên các tuyến.
Trước đó, Cục Đường sắt VN phối hợp với Tổng công ty Đường sắt VN xây dựng kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và gửi xin ý kiến của các địa phương.
Đường sắt đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực theo yêu cầu phòng dịch
của Bộ Y tế, Bộ GTVT để chạy lại tàu khách. Ảnh: Ngành Đường sắt tổ chức lập tàu riêng,
đón người dân Ninh Bình từ các tỉnh phía Nam về quê
Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết đã chỉ đạo các đơn vị đường sắt có phương án chuẩn bị về phương tiện, nhân lực đáp ứng các yêu cầu phòng dịch của Bộ Y tế, Bộ GTVT từ cuối tháng 9/2021. Tinh thần là sẵn sàng chạy tàu khách trở lại ngay từ đầu tháng 10/2021.
"Về nhân lực, chúng tôi sẽ bố trí lái tàu và nhân viên phục vụ trên tàu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và đi tàu theo mô hình bong bóng", ông Quốc Anh nói.
“Tổng công ty đã yêu cầu các đơn vị trên tàu, dưới ga nghiêm túc chấp hành chỉ thị của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp “5K” trong quá trình giao tiếp và phục vụ khách hàng”, ông Quốc Anh cho biết thêm.
Thông tin cụ thể, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, đơn vị đã bố trí đủ nhân lực để tổ chức chạy tàu theo phương án. Theo đó, ưu tiên bố trí những nhân viên làm việc trên tàu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine theo quy định; Sau đó là những người đã mắc và khỏi bệnh Covid-19, có giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng tính đến thời điểm đi tàu.
“Ngoài ra, để đảm bảo phòng dịch, trước khi đi tàu, nhân viên sẽ được test nhanh kháng nguyên để kiểm tra”, ông Tuấn cho hay.
Ở khu vực phía Bắc, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho Chi nhánh Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội, các chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng, Vinh bố trí đội ngũ nhân viên phục vụ trên tàu đáp ứng các tiêu chuẩn như: Đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày, có chứng nhận tiêm chủng; Hoặc người đã mắc và khỏi bệnh Covid-19, có giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng tính đến thời điểm đi tàu theo quy định...
“Đơn vị nào không đủ nhân lực, chúng tôi chuyển tàu cho đơn vị khác đảm nhận, nhằm đảm đảo nhân viên đi tàu đáp ứng các quy định phòng dịch của Bộ Y tế, Bộ GTVT. Cùng đó, nhân viên đi tàu được bố trí đi tàu theo mô hình bong bóng, nghĩa là đi tàu thường xuyên trong một thời gian nhất định đến khi có tổ khác thay thế, kết thúc chuyến đi phải hạn chế tối đa tiếp xúc tại khu vực ga, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm”, bà Hà nói.
Phương tiện đều được chỉnh bị, làm vệ sinh trước
Cũng theo bà Phùng Thị Lý Hà, đến nay toàn bộ các toa xe sẽ đưa ra lập tàu khách theo phương án dự kiến đã được chỉnh bị, làm vệ sinh và khử khuẩn, đảm bảo toa xe khi vận dụng an toàn, trang thiết bị phục vụ hành khách đầy đủ, hoạt động tốt.
“Các toa xe trước khi đưa ra đón hành khách sẽ được phun khử trùng. Các đơn vị cũng chuẩn bị đầy đủ các vật tư trên tàu phục vụ hành khách phòng dịch như xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn”, bà Hà nói.
Các ga đường sắt cũng chuẩn bị các điều kiện phòng dịch, sẵn sàng đón, tiễn hành khách
Bà Hà cũng cho biết, trên tàu nhân viên sẽ phải thực hiện các quy định phòng dịch của ngành như: Dành riêng vị trí để cách ly hành khách, nhân viên nếu có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh; 3 tiếng/1 lần thực hiện vệ sinh khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin B tại các vị trí hay tiếp xúc, dễ lây lan virus như tay nắm cửa, mặt bàn.
Đối với các ga, Tổng công ty Đường sắt VN yêu cầu nhân viên phục vụ hành khách, nhân viên làm công tác chạy tàu phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch. Bố trí đầy đủ dung dịch rửa tay sát khuẩn tại các vị trí thuận tiện để hành khách sử dụng. Đồng thời thường xuyên vệ sinh khử khuẩn khu vực phục vụ hành khách; Định kỳ phun khử khuẩn nhà ga...
Tại các ga ở các tỉnh, thành đang là điểm “nóng” về dịch như ga Sài Gòn, Dĩ An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), ông Hà Trọng Thắng, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn cho biết, các biện pháp phòng dịch được thực hiện nghiêm ngặt hơn.
Theo đó, các nhân viên làm việc tại ga đã tiêm vaccine nên không thiếu nhân lực đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ GTVT về tổ chức vận tải hành khách. Dù TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã nới lỏng giãn cách xã hội nhưng các ga trên địa bàn vẫn duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” như trước để bảo toàn lực lượng sản xuất.
Đồng thời, chi nhánh cũng yêu cầu “cách ly” ban với ban, bộ phận với bộ phận. Như tại ga Sài Gòn, do hiện chỉ có một đôi tàu khách chạy hàng ngày nên chỉ bố trí 2 đội hình chạy tàu thay nhau lên ban. Định kỳ 3-4 ngày tự tổ chức test nhanh cho người lao động để sàng lọc và phát hiện sớm người nhiễm bệnh.
Cũng tại ga Sài Gòn, đơn vị dành riêng khu vực để CDC TP.HCM làm nhiệm vụ mỗi khi có tàu khách. Hành khách mặc dù có giấy chứng nhận đáp ứng các yêu cầu phòng dịch theo quy định vẫn sẽ được máy quét thân nhiệt, để phát hiện sớm dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh...
Thông tin với phóng viên, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, Cục đã gửi công văn xin ý kiến 22 địa phương và Tổng công ty Đường sắt VN về kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Sau đó, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản phản hồi và thống nhất kế hoạch vận tải hành khách bằng đường sắt. Đây là địa phương đầu tiên có văn bản phản hồi lại về kế hoạch tổ chức vận tải bằng đường sắt.