Hơn 20 ngày tái khởi động sau thời gian giãn cách do Covid-19, xe buýt Thủ đô đã kéo được khách trở lại, trong khi taxi vẫn hoạt động phập phù.
Xe buýt phải “bỏ khách” giờ cao điểm
7h45 sáng 31/10, xe buýt tuyến 02 BKS 29B-209.54 xuất phát tại BX Yên Nghĩa với khoảng 7 - 8 hành khách thay vì lác đác 1, 2 người những ngày đầu hoạt động trở lại.
“19 người anh nhé”, nhân viên bán vé thông báo với lái xe khi chiếc xe buýt cập bến đầu tiên.
Hơn 20 ngày qua, mạng lưới xe buýt của Hà Nội
(hoạt động với chỉ 50% công suất) đã phục vụ gần 8 triệu lượt khách
Việc kiểm đếm này để người điều khiển phương tiện chủ động đón thêm khách sao cho số người trên xe không vượt quá mức quy định trong thời gian thí điểm chạy lại (không quá 20 người).
Đến điểm dừng thứ hai, thêm một hành khách lên xe, nhân viên xe buýt phải đề nghị 3, 4 người khác ở lại để chờ chuyến kế tiếp.
Quá trình di chuyển, qua 4 điểm dừng liên tiếp, phụ xe phải liên tục vẫy tay ra hiệu từ chối thêm hàng chục người và chỉ mở cửa nhận thêm hành khách khi có người xuống xe.
Chia sẻ với PV, nữ phụ xe cho biết, hơn một tuần nay, lượng khách đi xe buýt tăng, hầu hết các xe thuộc tuyến buýt 02 sớm đầy khách (theo số lượng quy định) sau 2 - 3 điểm dừng đầu tiên.
“Doanh thu bán vé cũng tăng dần, cao điểm gần đây có ngày một xe đã bán được hơn 1 triệu đồng tiền vé thay vì chỉ lẹt đẹt vài trăm nghìn như những ngày đầu”, nữ nhân viên nói và cho biết, tần suất tuyến buýt khoảng 25 - 30 phút/chuyến thay vì 5 - 10 phút/chuyến như trước.
Tiếp tục lên xe buýt tuyến 21A BKS 29B-620.56, tại điểm dừng Học viên An ninh Nhân dân, số lượng hành khách trên xe cũng đạt mức tối đa (20 người, tuần hoàn lên/xuống).
Chỉ khi xe đến điểm dừng Đại học Bách khoa Hà Nội trên đường Giải Phóng, khách mới giảm dần.
Những ngày này, hoạt động trên tuyến buýt số 27 (BX Yên Nghĩa - Nam Thăng Long), một trong những tuyến có lượng hành khách đông nhất Hà Nội cũng đang dần nhộn nhịp trở lại.
Một tài xế phụ trách xe buýt BKS 29B-415.93 cho biết, giờ cao điểm sáng, các xe của tuyến buýt này đông khách nhất trên đoạn từ Nam Thăng Long đến đường Nguyễn Chí Thanh và gần như thưa thớt khi xe di chuyển đến đường Nguyễn Trãi.
“Số lượng xe của tuyến 27 vẫn duy trì 9/22 “lốt” như thời điểm đầu tái khởi động với tần suất 15 phút/chuyến (trước đây khoảng 5 - 8 phút)”, lái xe này thông tin.
Cùng với xe buýt thường, các tuyến buýt nhanh (BRT) cũng dần đông khách trở lại.
Theo lái xe Trần Thịnh, Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội, do trong thời gian thí điểm, tuyến BRT chỉ vận hành 8/28 xe nên trong giờ cao điểm (7h - 8h30 và 16h - 18h), xe buýt BRT thường xuyên phải từ chối nhận thêm khách.
Có những lượt đi ước tính số lượng khách phải “gạt” tới gần 30 người để đảm bảo số lượng vận chuyển theo quy định.
“Chúng tôi đang kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, tăng lượng xe chạy trong khung giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân”, anh Thịnh nói.
Đây thực chất cũng là mong muốn của Xí nghiệp Xe buýt điện Hà Nội, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, những đơn vị đang tham gia hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội.
Là một trong những trường hợp bị các xe số 01, 02 “bỏ” lại tại điểm dừng gần đường Triều Khúc (quận Thanh Xuân), sáng 26/10, chị Hằng, một nhân viên văn phòng tỏ ra sốt ruột khi đứng ở điểm chờ từ 7h30 - 8h00 vẫn chưa “bắt” nổi chuyến xe đến chỗ làm trên đường Nguyễn Lương Bằng.
“Các tuyến xe buýt cần phải tăng tần suất hoặc số lượng phương tiện. Không thể để tình trạng khách đầu bến đi dễ dàng, người ở giữa lộ trình phải “đỏ mắt” chờ, ảnh hưởng đến công việc”, chị Hằng bức xúc nói.
Ghi nhận của PV, ngoài khung giờ cao điểm nhu cầu đi lại gia tăng, ở các khung giờ khác, hầu hết các tuyến buýt chỉ lác đác 5 - 7 hành khách.
Hành khách lên xe đều được hướng dẫn khai báo lộ trình phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo hai hình thức quét mã QR Code dán sẵn trên kính xe và khai thông tin trên bản giấy (đối với người không có điện thoại thông minh).
Phục vụ gần 8 triệu lượt khách
Ông Thái Hồ Phương, PGĐ Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc) cho biết, từ 6h ngày 14/10, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố được hoạt động trở lại với 50% công suất.
“Sau hơn 20 ngày hoạt động trở lại, công tác tổ chức vận hành các tuyến buýt vẫn đảm bảo an toàn và tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông”, ông Phương đánh giá.
Cũng theo ông Phương, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt trong thời gian đầu còn thấp do nhiều khách chưa nắm được thông tin về dịch vụ xe buýt được hoạt động trở lại.
Cùng đó, một số người còn tâm lý còn e ngại dịch bệnh. Tuy nhiên, cuối tháng 10 lượng hành khách đi lại đang có dấu hiệu tăng trở lại. “Sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt trong hơn 20 ngày qua ước đạt 7,8 triệu lượt”, ông Phương nói.
Liên quan đến tình trạng hành khách phải chờ đợi lâu, thậm chí cả giờ đồng hồ mới có thể đón được xe buýt, ông Phương thừa nhận và cho rằng, do yêu cầu về giãn cách trên xe để phòng chống dịch (xe chỉ chở không quá 50% sức chứa và không quá 20 hành khách/xe tại một thời điểm) và dịch vụ thưa từ 15-60 phút/lượt tùy theo từng tuyến do chỉ vận hành 50% công suất dẫn đến nhiều trường hợp hành khách phải chờ lâu.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Đào Việt Long, PGĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã chỉ đạo trung tâm và các đơn vị vận hành chủ động bố trí phương tiện dự phòng, sẵn sàng giải tỏa hành khách khi có yêu cầu, bố trí biểu đồ đảm bảo tăng tần suất vào giờ cao điểm, giảm tần suất vào giờ thấp điểm.
Ông Long cũng cho biết đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội tiếp tục theo dõi, tổng hợp, đề xuất báo cáo Sở GTVT điều chỉnh tăng dịch vụ các tuyến buýt khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.