Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô

Thứ hai, 13/12/2021 13:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những tháng đầu năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch COVID–19, nên hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô gặp nhiều khó khăn. Dự báo dịp cuối năm, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, vận chuyển hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng so với những tháng đầu năm (nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ).

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là phòng, chống dịch COVID–19, Sở GTVT, các sở, ngành, các đơn vị có liên quan đã và đang triển khai thực hiện việc vận chuyển hành khách bảo đảm an  toàn trong tình hình mới.

Xe ô tô khách hoạt động trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh

Theo báo cáo của Phòng quản lý vận tải, Sở GTVT, hiện trên địa bàn tỉnh có 750 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, với 5.011 phương tiện; trong đó, 78 đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định, với 685 xe; 13 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, với 2.456 phương tiện; 654 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, với 1.655 phương tiện; 5 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, với 215 phương tiện. Vận tải hành khách, với 675 tuyến cố định; trong đó, 25 tuyến cố định nội tỉnh, 650 tuyến cố định liên tỉnh, 13 tuyến xe buýt đang hoạt động.

Thời gian qua, căn cứ Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16-10-2021 của Bộ GTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Sở GTVT đã phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4399/QĐ-UBND ngày 5/11/2021 về việc quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh; trong đó, có quy định về vận tải hành khách, hàng hóa trên các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải.

Căn cứ các hướng dẫn của Bộ GTVT, Quyết định số 4399/QĐ-UBND của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành y tế, Sở GTVT đã có các công văn hướng dẫn tổ chức hoạt động vận tải “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh đến các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện. Đi đôi với đó, Sở GTVT cũng đã triển khai kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đến các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Công tác tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc thực thi pháp luật về an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe khi tham gia hoạt động trên tuyến được tăng cường...

Sở GTVT cũng đã chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh bảo đảm theo quy định; hiện số tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh có 10/25 tuyến, 10/13 tuyến xe buýt đã hoạt động trở lại. Đối với, hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nên hiện tại chỉ hoạt động từ Thanh Hóa đi/đến 6 tỉnh, thành phố, đó là: Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hòa Bình (50% số chuyến/tháng so với trước khi chưa có dịch), Hải Phòng (30% số chuyến/tháng), với số chuyến khai thác 49 tuyến/650 tuyến.

Trong đó, từ ngày 15/10/2021 đến hết ngày 30/11/2021, các đơn vị, cá nhân vận chuyển hành khách đã tổ chức hoạt động 546 chuyến/1.614 chuyến được cấp phép (đạt 34%), vận chuyển 5.785 hành khách. 11 tháng năm 2021, sản lượng hành khách đi lại giảm 60 - 70%; riêng lượng hành khách đi lại bằng xe buýt giảm 70% - 80% so với cùng kỳ. Để khôi phục, phát triển vận tải hành khách bằng xe ô tô, tạo thuận lợi trong việc đi lại của Nhân dân, Sở GTVT đã có văn bản xin ý kiến Sở GTVT các tỉnh, thành phố có tuyến đi/đến Thanh Hóa để khôi phục hoạt động trở lại và sau khi có ý kiến thống nhất, Sở GTVT sẽ báo cáo UBND tỉnh cho phép các tuyến vận tải hành khách hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, thực tế vận tải hành khách thời gian qua, cho thấy: Diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động vận tải, lượng hành khách đi lại trên mỗi chuyến xe rất ít do người dân có tâm lý còn e ngại, lo lắng khi đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng; dẫn đến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe ô tô đã phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vì doanh thu không đủ bù chi phí và nhiều lái xe, nhân viên phục vụ đã chuyển nghề làm việc khác.

Đồng chí Vũ Minh Thuận, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT, cho biết: Để vận chuyển hàng hóa, nhất là hành khách được thuận lợi và bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19, Sở GTVT đề nghị các địa phương công bố kịp thời cấp độ dịch trên địa bàn khi xảy ra dịch để Sở GTVT tra cứu và thống nhất tổ chức hoạt động vận tải hành khách cho phù hợp. Đồng thời, ưu tiên tiêm vắc-xin cho lái xe, nhân viên phục vụ và cán bộ, công nhân viên tại các bến xe, trạm dừng nghỉ, cảng biển và bến thủy nội địa để bảo đảm nhân sự cho công tác tổ chức vận tải. Sở GTVT tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách, nhất là trong dịp Tết dương lịch, Tết âm lịch và Lễ hội mùa xuân năm 2022.

Trong đó, chú trọng việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện kế hoạch, xây dựng phương án bảo đảm trật tự, ATGT trong quá trình vận tải hành khách bằng xe ô tô, xử lý nghiêm theo quy định đối với đơn vị và cá nhân vi phạm.

Đi đôi với đó, Sở GTVT đề nghị Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện xe hợp đồng, xe vận tải hành khách tuyến cố định đón trả khách không đúng nơi quy định, thực hiện không đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận; xe dù lôi kéo, đón trả khách tại các điểm dừng, đỗ của xe buýt; xe cá nhân trá hình xe taxi.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)