Bắc Ninh: Kịp thời hỗ trợ để vận tải xe buýt phục hồi và phát triển

Thứ ba, 18/01/2022 11:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt gần như “đóng băng”. Hơn 3 tháng cuối năm với trạng thái “bình thường mới”, dù các hoạt động được khôi phục, nhưng do tâm lý của người dân e ngại dịch bệnh, cùng với một số nguyên nhân khác khiến loại hình này chưa thu hút được đông đảo người dân.

Theo các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, kể từ khi được phép nối lại hoạt động, DN chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong hoạt động vận tải hành khách, nhưng vẫn chưa thu hút được hành khách. Thống kê từ các tuyến, lượng khách vẫn giảm mạnh, nhiều tuyến xe buýt lượng khách giảm khoảng 50-60%; lý do chính là người dân lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh nên ít di chuyển.

Anh Nguyễn Quang Tuấn, ở phường Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh) làm công nhân ở KCN Quế Võ 2 cho biết, trước đây cũng thường đi xe buýt để đi làm nhưng từ khi dịch COVID-19, xe buýt phải dừng hoạt động một thời gian dài, sau đó lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh nên anh chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Tương tự, chị Mai Khánh Hòa, công nhân tại Khu công nghiệp Quế Võ 1 thuê trọ tại thị trấn Phố Mới chia sẻ, trước đây vẫn hay đón xe buýt để di chuyển đây đó, nhưng hiện tại do lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh, hơn nữa cự ly di chuyển không dài nên đã quyết định đi làm bằng xe máy cá nhân.

Trao đổi với PV, nhiều hành khách cũng cho biết, nhu cầu đi lại của người dân giảm kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19, tâm lý mọi người vẫn đề cao cảnh giác dù các đơn vị vận tải thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch.

Vắng khách khiến các doanh nghiệp vận tải khách bằng xe buýt gặp nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Văn Huy, đại diện Tân Long Bus, đơn vị đang khai thác 2 tuyến xe buýt từ thành phố Bắc Ninh đi Đại Lai- Minh Tân và Bến xe Quế Võ- Bến xe Mỹ Đình (thành phố Hà Nội) cho biết trở lại điều kiện “bình thường mới”, nhiều DN xe buýt rất háo hức khôi phục hoạt động. Tuy nhiên, lượng khách quá ít, thậm chí không có khách khiến nhiều tuyến buýt không thể trở lại hoạt động bình thường. Với lượng khách đi không đủ chi phí cho nhiên liệu cùng các chi phí khác, đặc biệt là những tuyến xe buýt mới mở khiến DN xe buýt lâm vào cảnh khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả gần như đầy đủ các khoản chi phí từ nhân công, nhiện liệu, lãi xuất ngân hàng…. nếu doanh thu không đạt rất khó có thể bù đắp cho chi phí vận hành.

Trước những khó khăn trên, các DN đang khai thác tuyến vận tải khách bằng xe buýt trong tỉnh kiến nghị đến Sở Giao thông - Vận tải để tìm giải pháp hỗ trợ DN phục hồi. Hiện nay, Bắc Ninh cơ bản khống chế được dịch bệnh, tỷ lệ người dân tiêm đủ 2, 3 mũi vắc xin cao là điều kiện cần và đủ để khôi phục sản xuất và phát triển kinh doanh của tỉnh, trong đó hoạt động VTHKCC bằng xe buýt cũng cần được khôi phục hoạt động để đáp ứng nhu cầu. Song việc khôi phục và duy trì hoạt động các tuyến xe buýt là rất khó khăn đối với DN khi đã cạn kiệt nguồn lực. Đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ giá vé cho tất cả đối tượng người dân sử dụng dịch vụ xe buýt để tiếp tục phát triển loại hình này.

Trong tiến trình đô thị hóa của tỉnh, phát triển tốt vận tải hành khách công cộng, trong đó chủ lực là xe buýt sẽ góp phần làm giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm nhiên liệu tiêu thụ chung của toàn xã hội, giảm áp lực đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Vì thế, việc triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ để vận tải khách bằng xe buýt phát triển hơn trong thời gian tới là vấn đề cần được các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo, kịp thời.

kimcuc

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)