Góp phần vào thành tích trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT là “lá cờ đầu” với thành tích giải ngân vượt trội.
Máy móc, trang thiết bị trong lễ khởi công một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.
“Lá cờ đầu” về giải ngân
Trong năm 2020 vừa qua, trước những khó khăn biến động bất thường của thời tiết, mưa lũ vượt mốc lịch sử, đại dịch COVID-19 đang lan rộng toàn cầu và có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ và sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, công tác điều hành, đôn đốc thực hiện kế hoạch và công tác giải ngân kế hoạch đã có nhiều chuyển biến tích cực. Liên tục trong năm 2020, công tác giải ngân của ngành GTVT đều có kết quả cao hơn trung bình cả nước kể cả vốn trong nước và vốn nước ngoài, đây là kết quả đáng được ghi nhận, khích lệ. Bộ GTVT khẳng định quyết tâm tiếp tục phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch cả năm vượt mức bình quân chung cả nước.
Đóng góp vào thành công chung trong công tác giải ngân năm 2020, một số chủ đầu tư/ban Quản lý dự án (QLDA) đạt kết quả giải ngân cao, vượt mức kế hoạch đã đăng ký đầu năm như: Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh, Sở GTVT Đồng Tháp. Một số chủ đầu tư/ban QLDA đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan tham mưu của Bộ xử lý thủ tục tồn đọng để phấn đấu hoàn thành kế hoạch như: Ban QLDA Hàng hải trong xử lý thủ tục điều chỉnh Hiệp định, quyết toán dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện), Ban QLDA Đường sắt trong xử lý thủ tục sớm đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào khai thác.
Ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết: Tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT qua các năm trong kỳ trung hạn 2016-2020 đạt được lần lượt là năm 2016 đạt 84,6% (33.302/39.383 tỷ đồng), 2017 đạt 82,7% (36.702/44.403 tỷ đồng), 2018 đạt 82,6% (22.503/27.244 tỷ đồng) và năm 2019 đạt 88,2% (26.575/30.134 tỷ đồng). Riêng năm 2020, Bộ GTVT có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong kỳ trung hạn, đến 31/12/2020 giải ngân đạt 91,7% (36.508/39.826 tỷ đồng), đến hết niên hạn kế hoạch năm 2020 (31/01/2021) giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch năm 2020.
“Các cơ quan tham mưu của Bộ luôn phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư/ban QLDA xử lý các thủ tục, đề xuất nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản tồn tại kéo dài của 4 dự án có số nợ đọng lớn”, ông Uông Việt Dũng cho biết.
Cũng theo Bộ GTVT, tuy đạt được nhiều thành tích giải ngân, song, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trong tổng số giải ngân kế hoạch năm 2020, phần hoàn ứng trước kế hoạch và tạm ứng các hợp đồng chiếm tỷ trọng khá lớn. Bên cạnh đó, còn một số chủ đầu tư/ban QLDA triển khai dự án, giải ngân kế hoạch còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu như: Sở GTVT Kon Tum, Sở GTVT Lâm Đồng, Sở GTVT Hưng Yên, Sở GTVT Hà Nam, UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định),…
Trong công tác triển khai thực hiện khế hoạch cũng còn một số tồn tại, bất cập cần được chấn chỉnh để Bộ có thể đạt được kết quả cao hơn nữa trong những năm tiếp theo, như: cán bộ làm công tác kế hoạch của một số đơn vị còn chưa nắm vững trình tự, thủ tục, quy định trong việc xây dựng, điều hành kế hoạch; xây dựng nhu cầu kế hoạch đối với từng dự án chưa dự báo sát với thực tế triển khai thực hiện về tiến độ, yếu tố ảnh hưởng thời tiết của các vùng miền;…
Cùng với đó là trình trạng chưa kịp thời triển khai nhập dự toán, phân bổ kế hoạch chi tiết ngay sau khi được giao kế hoạch năm; thiếu chủ động khi xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án, phối hợp với cá địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; chưa kịp thời đề xuất điều chỉnh kế hoạch đối với từng dự án cho phù hợp với tiến độ triển khai thực tế; chậm trễ trong rà soát, hoàn thiện các thủ tục ghi thu/ghi chi các dự án ODA với Bộ Tài chính; tổng hợp, báo cáo số liệu giải ngân nhiều thời điểm còn chưa chính xác gây khó khăn cho công tác điều hành kế hoạch chung của Bộ.
Quyết tâm giữ vững vị trí “Top đầu”
Dự án đường Vành đai 3 Hà Nội được thông xe và đưa vào sử dụng là một trong những công trình trọng điểm cấp quốc gia của Bộ GTVT
chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
Trong năm 2021, Bộ GTVT được phân bổ gần 43 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; gồm: gần 4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài và trên 38.159 tỷ đồng vốn trong nước. Bộ GTVT đã xây dựng dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư phát triển vốn NSNN năm 2021 để làm cơ sở giao chi tiết kế hoạch năm sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư năm 2021.
Bộ GTVT tiếp tục đặt mục tiêu năm 2021 phấn đấu luôn ở “Top đầu” các bộ thực hiện tốt kế hoạch và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Để hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA và các cơ quan tham mưu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.
Nổi bật trong đó, các chủ đầu tư/ban QLDA phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục để đảm bảo điều kiện giao kế hoạch chi tiết ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chính thức giao kế hoạch năm 2021; Triển khai kế hoạch giải ngân của từng dự án, đặc biệt là công tác phân khai dự toán chi (TABMIS) ngay sau khi có quyết định giao kế hoạch chi tiết;…
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, thủ tục điều chỉnh thiết kế, dự toán, thủ tục quyết toán;... Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu hoàn thành, không dồn vốn thanh toán vào thời điểm cuối năm; kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA và vay ưu đãi đã thực hiện với Kho bạc Nhà nước để ghi nhận giá trị giải ngân; ưu tiên hoàn thành các thủ tục để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản ngay từ những tháng đầu năm;…
Đối với các cơ quan tham mưu, Vụ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu Bộ trưởng quyết định giao chi tiết kế hoạch năm 2021 cho các dự án ngay sau khi đảm bảo điều kiện, thủ tục giao vốn; Tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình phân bố, thực hiện kế hoạch của các đơn vị;… Khẩn trương thẩm định chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư các thủ tục phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh các dự án ODA; thủ tục nhận hoạch TABMIS, điều chỉnh phân khai chi tiết kế hoạch vốn của các dự án;…
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, thiết kế, dự toán, điều chỉnh thiết kế, dự toán các dự án;... Tăng cường công tác giám sát thực hiện đầu tư các dự án, đặc biệt với các tác kiểm tra, giám sát hiện trường các dự án lớn, quan trọng, các dự án có tiến độ thực hiện - giải ngân chậm; nội dung giám sát gắn việc kiểm điểm tiến độ thực hiện với kiểm điểm kết quả giải ngân kế hoạch của từng dự án, gói thầu;…
Các cơ quan tham mưu của Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các chủ đầu tư/ban QLDA xử lý các thủ tục liên quan để tạo thuận lợi cho các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án theo tiến độ yêu cầu. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và kết quả thực hiện kế hoạch giải ngân.