Được thực hiện trong 5 năm (2016-2020), đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Đây được xem là “điểm nhấn” đặc biệt của An Giang sau 45 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thể hiện niềm tin, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long trên con đường dựng xây, phát triển.
Với nhiều người, An Giang là xứ sở của kênh, rạch, sông ngòi với 2 dòng sông Tiền, sông Hậu chảy qua đã hình thành nên vùng đất trái ngọt, cây lành. Tuy nhiên, do hệ thống kênh, rạch chằng chịt đã đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc xây dựng hệ thống cầu giao thông khu vực nông thôn, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) tại các địa phương.
Từ đó, Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn giai đoạn 2016-2020 (Đề án 426) ra đời, với mục tiêu nối liền các “mạch máu” giao thông và KTXH tại các vùng nông thôn An Giang. Đúng như tên gọi của đề án, hệ thống chính trị các cấp đã tích cực vận động nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh cùng nhân dân chung tay nối nhịp bờ vui ở những vùng quê còn ngăn sông cách đò. Sau 5 năm, Đề án 426 đã huy động nguồn lực đầu tư 806 tỷ đồng để xây dựng 581 cầu giao thông nông thôn. Trong đó, nguồn lực vận động từ xã hội đạt 585 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ hơn 72,5% nguồn vốn).
Khởi công xây xựng 7 cây cầu thuộc
Chương trình cầu nông thôn Việt tại huyện Tịnh Biên
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định: “Thành công của Đề án 426 đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, phải kể đến sự vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự nhiệt tâm của người dân, doanh nghiệp (DN), tổ chức trong, ngoài tỉnh đã đồng lòng ủng hộ An Giang thực hiện chương trình ý nghĩa này! Quan trọng nhất, đề án được hình thành từ “đức tin” của người dân, DN bởi họ luôn sẵn sàng cho đi những gì mình có để phục vụ cộng đồng. Đó chính là nét đẹp trong văn hóa con người An Giang từ xưa đến nay”.
Thực tế, mục tiêu của Đề án 426 là xây dựng 481 cầu giao thông nông thôn trong giai đoạn 2016-2020, nhưng kết quả đã thực hiện vượt 100 cây so kế hoạch đề ra. Kết quả đó đến từ “ý Đảng” mong muốn chăm lo, phát triển đời sống KTXH của nhân dân và đến từ “lòng dân” khi “người người, nhà nhà” đã cùng vào cuộc với chính quyền các cấp. Đó là hình ảnh của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lặn lội đến những vùng quê An Giang để khảo sát và kết nối các DN hỗ trợ xây dựng 49 cầu bê-tông cốt thép, với kinh phí 57 tỷ đồng từ Chương trình cầu nông thôn Việt. Đó là những ngày ông Tư Sang (Võ Văn Sáng) cùng đội thi công cầu tự nguyện đã miệt mài đi xây cầu giao thông ở các huyện: An Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, Tri Tôn. Đó còn là câu chuyện chú Út Ổi (Nguyễn Minh Lương) tự bỏ tiền túi hơn 8 tỷ đồng xây dựng cầu giao thông trên các tuyến kênh, rạch của TP. Long Xuyên… và nhiều tấm gương khác nữa!
Hôm nay, những chiếc cầu đã được hình thành và đưa vào phục vụ nhân dân, để nông sản có thể thông thương từ quê ra chợ, để những em học sinh hân hoan cắp sách đến trường hay những chiếc xe 4 bánh có thể vào tận những vùng trước đây muốn sang sông phải “lụy đò”. Từ đây, hình ảnh “cầu tre lắc lẻo” hay “cầu ván đóng đinh” đã trở thành quá khứ sau chặng đường nỗ lực, từng bước kiện toàn hệ thống cầu nông thôn của bao thế hệ lãnh đạo tỉnh và các địa phương. Hòa vào niềm vui chung đó là sự tri ân đối với sự đóng góp của những nhà hảo tâm đã đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang trong quá trình thực hiện Đề án 426 những năm qua.
“Đề án 426 không chỉ gói gọn trong 2 chữ “đi lại” của người dân. Đây là sức bật cho quá trình phát triển KTXH tại các địa phương, bởi giao thông thuận lợi sẽ kéo theo sự đổi thay tích cực của đời sống nhân dân. Có thể khẳng định, đây là điển hình tiêu biểu của An Giang trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn hiện nay. Bởi “ham muốn tột bậc” trong cuộc đời Bác chính là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và Đề án 426 của tỉnh hướng đến mục tiêu phục vụ nhân dân là chủ yếu” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng, Đề án 426 đã khái quát một chặng đường phấn đấu của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân tỉnh An Giang. Tuy nhiên, “chiều sâu” của đề án chính là sự gắn kết giữa “ý Đảng” với “lòng dân” vì một quê hương An Giang ngày càng phát triển. Nếu không có sự đồng lòng, ủng hộ của các nhà hảo tâm và người dân thì đề án sẽ không thể đạt được kết quả như hôm nay.
“Đề án 426 giai đoạn 2016-2020 đã thành công nhưng không có nghĩa An Giang sẽ dừng lại với kết quả này mà UBND tỉnh cùng Sở Giao thông - Vận tải và các ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện đề án trong giai đoạn 2020-2025 trên tinh thần quyết tâm cao nhất. Với ý nghĩa tốt đẹp của đề án, những chiếc cầu từ “ý Đảng - lòng dân” sẽ tiếp tục hình thành, để bộ mặt nông thôn An Giang ngày càng khởi sắc hơn trong thời gian tới!” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng kỳ vọng.