Ấn Độ đang tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thu thập dữ liệu để xây dựng các hệ thống an toàn, phát triển các quy định để giảm nguy cơ tai nạn giao thông.
Phân tích dữ liệu để nâng cao an toàn
Theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 1,3 triệu người chết mỗi năm do tai nạn giao thông đường bộ. Ngoài ra, các chấn thương do tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Tại các nước đang phát triển, số liệu được thống kê ngày càng thể hiện tình hình nay một cách rõ nét hơn. Khoảng 93% ca tử vong trên toàn cầu xảy ra tại các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, trong khi những nước này chỉ chiếm khoảng 60% số lượng phương tiện giao thông trên thế giới. Ấn Độ là nước đứng đầu trong tỉ lệ số người tử vong với 11% tổng số ca trên toàn cầu.
Ảnh minh hoạ
Theo báo cáo "Tai nạn giao thông đường bộ ở Ấn Độ năm 2021" của chính phủ nước này, cứ 10 người thiệt mạng khi tham gia giao thông thì có 1 người là người Ấn Độ. Chỉ trong năm 2021, Ấn Độ xảy ra khoảng 412 nghìn vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mang của 153 nghìn người g. Đa phần trong số đó thuộc nhóm 18 cho tới 45 tuổi.
Song tờ Economic Times chi ra, tuy con số thống kê cho thấy số vụ TNGT rất lớn nhưng không phải tất cả đều tiêu cực.
So sánh với quá khứ, các phương tiện hiện nay được trang bị nhiều công nghệ và phần mềm hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, các tiến bộ trong quy trình thu thập dữ liệu, kỹ thuật mô hình hóa và các thuật toán dự báo có độ chính xác cao hơn nên có thể được ứng dụng để tạo ra các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và cứu sống nhiều người.
Bên cạnh đó, các quy định quản lý trong sản xuất ô tô được siết chặt. Đây cũng chính là một những những tiền đề để phát triển những tính năng an toàn hơn cho người dùng.
Dữ liệu về tai nạn giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển các giải pháp dựa trên công nghệ.
Điển hình là Hệ thống Dữ liệu Tai nạn RASSI ở Ấn Độ, một cơ sở dữ liệu chứa thông tin về các vụ tai nạn.
Thông thường, thông tin về các địa điểm xảy ra tai nạn và va chạm đều được cập nhật vào cơ sở dữ liệu này như điều kiện thời tiết, các bộ phận bị rơi, vết trượt/phanh, mảnh vụn tại hiện trường và dữ liệu thương vong. Ngày nay, dữ liệu từ hơn 6500 vụ tai nạn với hơn 1500 biến số được cập nhật vào cơ sở dữ liệu.
Qua đó, RASSI đã giúp đánh giá lợi ích của các hệ thống an toàn như ABS (chống bó cứng phanh) và ESP (hệ thống cân bằng điện tử).
Qua phân tích dữ liệu đám mây từ các vụ tai nạn cung cấp thông tin cho chính phủ và các cơ quan quy định để xác định các điểm nóng giao thông và xây dựng hạ tầng an toàn hơn. Các công ty bảo hiểm cũng sử dụng dữ liệu này để đánh giá rủi ro và xác định giá trị bảo hiểm.
Quy định an toàn xe cộ và đường phố đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng các thành phố và cộng đồng an toàn hơn. Ở Ấn Độ, Chương trình Đánh giá Xe ô tô Bharat (NCAP) đã thúc đẩy các nhà sản xuất thiết kế xe an toàn hơn. Hiện nay, hơn 70% quy định an toàn của Ấn Độ được điều chỉnh theo các Quy định Kỹ thuật Toàn cầu (GTR) và Quy định của Liên hợp quốc.
Tương lai ứng dụng công nghệ và dữ liệu
Xa hơn, việc phát triển và áp dụng rộng rãi công nghệ sẽ hướng đến kỳ vọng kết nối đồng bộ các phương tiện với một hệ sinh thái đường bộ.
Trong đó, công nghệ V2X (Vehicles-to-Everything) ra đời đã cho phép trao đổi dữ liệu liên tục giữa các phương tiện và hệ thống giao thông.
Đây là tiền đề giúp xây dựng các tập dữ liệu và ứng dụng thông minh hơn để dự đoán, cảnh báo và đưa ra các khuyến nghị cho tài xế từ đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ va chạm hay những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.
P.V