Đường sắt đang đẩy mạnh số hóa điều hành vận tải bằng hệ thống quản trị hàng hóa qua mạng, nhất là trong thời điểm Covid-19 phức tạp…
Tại Hội nghị thượng đỉnh RailFreight được tổ chức tại Lodz (Ba Lan) vào đầu tháng 9/2021, các chuyên gia công nghệ trực tiếp giới thiệu giải pháp số hóa nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn vận tải tại các ga, kho bãi cũng như tối ưu hóa điều hành chạy tàu. Đây là những giải pháp mang tính tự động hóa cao để giải quyết các xung đột vận tải và tự động đưa ra giải pháp xử lý.
Ông Đỗ Viết Hoàn, Giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt cho biết, thời gian qua đã đẩy mạnh số hóa trong quản trị, điều hành vận tải, công khai, minh bạch hóa quản lý thông tin qua mạng, thay vì phải làm thủ công, giấy tờ như trước đây. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, việc này rất cần thiết và phát huy hiệu quả cao.
Nhân viên điều độ có thể thấy các thông tin về đoàn tàu, toa xe trên mạng lưới đường sắt để đưa ra
các mệnh lệnh xử lý khi xảy ra sự cố, ách tắc trên đường
Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt VN đang áp dụng hệ thống quản trị hàng hóa qua mạng. Hệ thống này chưa tự động đề xuất giải pháp xử lý xung đột. Ví dụ, hai đoàn tàu chạy nối tiếp hoặc ngược chiều vào cùng một khu gian, một đường ga trong cùng khoảng thời gian. Tuy nhiên, các điều độ viên, cán bộ quản lý có thể nhìn được các thông số tức thời trên hệ thống, từ đó ra các mệnh lệnh điều hành giao thông, vận tải đường sắt.
Các thông số này được cập nhật liên tục do khi lập tàu cũng như trong hành trình tàu chạy trên đường, dừng đỗ tác nghiệp tại các ga, các bộ phận liên quan được cấp phân quyền đều phải đưa các thông tin về đoàn tàu lên hệ thống mỗi khi xong một tác nghiệp.
Điều độ viên chỉ cần nhìn trên màn hình máy tính là biết tất cả các tàu đang hoạt động trên tuyến và biết tàu đang ở khu đoạn nào, giờ xuất phát ở ga gốc, ga đến, các thông tin đoàn tàu như: Có bao nhiêu toa xe, trọng lượng bao nhiêu, dài bao nhiêu mét, số hiệu đầu máy, tên của tài xế, tên của trưởng tàu, số điện thoại…
Chỉ cần click vào mác tàu sẽ ra hàng loạt thông số chi tiết từng toa xe trong đoàn tàu như: số hiệu, chủng loại toa xe, chủ sở hữu là công ty nào, chức năng của toa xe là xe bưu vụ, hàng cơm hay toa khách, toa hàng; Toa hàng rỗng hay nặng, chở hàng gì, dỡ ở đâu và các thông tin kèm theo như tốc độ tối đa cho phép của toa xe, trạng thái kĩ thuật…
“Nếu tàu xảy ra sự cố trên đường như tai nạn hoặc phía trước có chướng ngại, điều độ viên hoàn toàn có thể tìm số điện thoại trên hệ thống để liên lạc với trưởng tàu, lái tàu, tìm hiểu tình hình và căn cứ các thông tin hiển thị trên hệ thống để đưa ra các mệnh lệnh xử lý”, ông Hoàn cho hay.
Thông qua thông tin hiển thị trên hệ thống quản trị hàng hóa, các nhà quản lý vận tải, tổ chức chạy tàu sẽ kịp thời đưa ra các mệnh lệnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu xếp - dỡ hàng hóa, lập tàu
Ông Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc Trung tâm Vận tải đường sắt Giáp Bát cho hay, hệ thống cũng hiển thị chi tiết trạng thái tức thời của đoàn tàu, của toa xe trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam; Thống kê lịch sử vị trí, lịch sử di chuyển của toa xe trong mọi thời điểm quá khứ và dự kiến 24 giờ tiếp theo.
Tình hình cấp xe của tất cả các trọng điểm hàng hóa, các ga xếp hàng hóa gì, xếp đi đâu hoặc đang dỡ hàng gì, còn chờ dỡ bao nhiêu toa xe, người gửi hàng là ai, gửi đến đâu cũng được cập nhất.
“Vì thế khi khách hàng có nhu cầu vận chuyển, xếp hàng, nhân viên của trung tâm có thể thấy trên hệ thống có xe rỗng không, là chủng loại gì, đang ở khu đoạn nào, trên cơ sở đó xin cấp toa xe xếp hàng, lập tàu cho khách hàng.
Trung tâm Điều độ, nhà ga hay các cấp quản lý vận tải cũng có thông tin tức thời để kịp thời chỉ đạo điều toa xe từ các ga, các tuyến về nơi cần, hay chỉ đạo ưu tiên xếp, dỡ loại hàng hóa, lập tàu nào trước… khi xảy ra ách tắc hàng hóa xếp, dỡ tại các ga”, ông Quân nói.
Kỳ Nam