Trong quá trình đô thị hóa, việc ứng dụng công nghệ số có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự đô thị.
Ứng dụng công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho đô thị thông minh (ĐTTM)
Thực trạng về an ninh, trật tự tại các đô thị
Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác. Việt Nam đã có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021.
Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12-15%, gấp 1,5 đến 2 lần so với bình quân chung của cả nước. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại. Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được cải thiện.
Bên cạnh việc góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, đô thị hóa cũng kéo theo nhiều vấn đề bất cập như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, mất an ninh trật tự… ngày càng trầm trọng và kéo theo nhiều vấn đề phát sinh khác.
Số lượng các phương tiện giao thông ngày càng tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông có phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu gia tăng đó, dẫn tới ùn tắc giao thông và các vi phạm về an toàn giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông còn mỏng, chưa đủ lực lượng để thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường bộ.
Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự cũng diễn biến khá phức tạp, các hoạt động của tội phạm có dấu hiệu gia tăng. Về an ninh trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã, đang lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin xấu, độc; truyền bá ý thức hệ đối lập, tôn giáo cực đoan, kích động, gây mất ổn định chính trị; dùng điệp báo tấn công mạng nhằm lấy cắp thông tin nhạy cảm, bí mật quốc gia... gây ra tình trạng hoang mang, gây rối an ninh, trật tự đô thị.
Bên cạnh các biện pháp giáo dục nâng cao ý thức của người dân, thì cũng cần phải có cái giải pháp công nghệ để tháo gỡ những vấn đề nêu trên.
Tại hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tiến trình phát triển đô thị bền vững" do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng tổ chức mới đây đã có những chia sẻ những giải pháp số đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho đô thị thông minh như: hệ thống xử lý phản ánh kiến nghị; giải pháp lắng nghe và giám sát mạng xã hội; hệ thống giám sát an ninh, giao thông qua camera.
Các giải pháp này tuy hoạt động riêng rẽ, độc lập nhưng có thể tích hợp và triển khai trong cùng hệ thống trung tâm điều hành thông minh (IOC), giúp cho nhà quản lý điều hành có công cụ, giao diện để quản lý thống nhất trên một giao diện duy nhất và số liệu thống kê phục vụ công tác điều hành quản lý.
Hệ thống xử lý phản ánh kiến nghị
Là phần mềm được xây dựng để phục vụ cho các cơ quan nhà nước, tổ chức doanh nghiệp tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị cũng như giải đáp thắc mắc của người dân một cách nhanh chóng, chính xác, Hệ thống xử lý phản ánh kiến nghị có tính năng chính đó là hỗ trợ người dân gửi phản ánh kiến nghị, giải đáp thắc mắc qua nhiều kênh như cổng thông tin 1022; Smartbot (web, zalo, facebook); tổng đài thoại; app công dân; videocall; callbot; email...
Hệ thống xử lý phản ánh kiến nghị
Phần mềm được tạo ra để giảm thiểu tối đa thời gian, đơn giản hóa quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị, tạo ra phương tiện kết nối hiệu quả giữa người dân và chính quyền. Ngoài ra phần mềm cũng là kênh cung cấp thông tin hỗ trợ người dân các yêu cầu trợ cấp trong mùa dịch.
Giải pháp hỗ trợ người dân có nhiều kênh giao tiếp với chính quyền, hạn chế tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu tại các cơ quan hành chính nhà nước. Phản ánh kiến nghị của người dân được xử lý kịp thời, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Phần mềm cũng giúp thay đổi cách làm việc từ thủ công sang sử dụng hệ thống thông tin, tăng cường tính hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của sở, ban, ngành hướng tới chính phủ điện tử. Tiết kiệm thời gian đi lại của công dân cũng như thời gian xử lý của chính quyền.
Giải pháp lắng nghe và giám sát mạng xã hội
Các phần mềm Giải pháp lắng nghe và giám sát mạng xã hội là công cụ được xây dựng dựa trên công nghệ tiên tiến nhất đủ để bao quát khối lượng dữ liệu khổng lồ với hàng tỷ thông tin mỗi giây trên mạng xã hội. Lần đầu tiên, công nghệ "lắng nghe, thấu hiểu" được ứng dụng vào mạng xã hội.
Thông qua các sắc thái cảm xúc, chân dung người dùng, kết quả được phần mềm trả về giúp tổ chức nắm bắt được thông tin nhanh nhất, thấu hiểu về người dùng xã hội nói, nghĩ gì về mình. Đó cũng chính là nền tảng cơ bản để tiếp tục phát hiện các lỗ hổng, kịp thời xử lý khủng hoảng truyền thông.
Hệ thống giám sát an ninh giao thông qua camera
Sử dụng các công nghệ hàng đầu như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ phân tích hình ảnh, xử lý dữ liệu tại biên hiện đại bậc nhất, hệ thống giám sát an ninh giao thông qua camera sẽ giúp giải bài toán khó về các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các đô thị như nắm được tổng quan về tình hình giao thông, trật tự xã hội, điều phối giao thông công cộng một cách hiệu quả kịp thời. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý an ninh trật tự, điều phối giao thông an ninh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của một đô thị.
Với chức năng giám sát giao thông, Hệ thống giám sát an ninh giao thông qua camera có khả năng phát hiện và cảnh báo biển số, loại xe, màu biển số xe; tình trạng vượt đèn đỏ; đi sai làn; dừng đỗ sai quy định; không đội mũ bảo hiểm; tai nạn giao thông; đo đếm lưu lượng từng loại phương tiện…
Với chức năng quản lý, giám sát an ninh, Hệ thống giám sát an ninh giao thông qua camera có thể phát hiện khuôn mặt, định danh và phân loại; quản lý danh sách "đen"; truy vết đối tượng khả nghi; phát hiện xâm nhập khu vực cấm; cảnh báo hành vi tụ tập đám đông, sử dụng vũ khí, hành vi đánh nhau…
Ba giải pháp trên có thể triển khai độc lập hoặc tích hợp vào Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của các tỉnh/ thành phố trên cả nước và nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo các địa phương triển khai, góp phần không nhỏ vào hoạt động giám sát, quản lý, điều hành tại các đô thị, mang lại cuộc sống an toàn, văn minh cho người dân./.
Theo Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông