Chuyển đổi số tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế

Thứ sáu, 05/08/2022 08:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế.

CĐS tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm

các gian trưng bày chuyển đổi số của ngành ngân hàng (Ảnh: VGP)

Ngày 04/8/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sự kiện "Chuyển đổi số (CĐS) ngành ngân hàng". Sự kiện có sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đông đảo đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, ngân hàng.

CĐS cần thực hiện đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn

Phát biểu, chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một hoạt động quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao của NHNN Việt Nam, của ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Cũng theo Thủ tướng, hiện nay CĐS là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế.

"Do đó, chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động CĐS phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi; chỉ có như vậy thì CĐS mới thành công", Thủ tướng nhận định.

Thủ tướng khẳng định thêm, với tinh thần là CĐS một cách toàn diện, mạnh mẽ với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp (DN) và sự đồng hành, quan tâm của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.

CĐS tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: CĐS phải hướng tới người dân,

người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi (Ảnh: VGB)

"Ngành ngân hàng đang hội tụ nhiều yếu tố để tiên phong trong tiến trình này và đã chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số, đạt nhiều kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, DN, góp phần quan trọng vào công cuộc CĐS quốc gia.", Thủ tướng đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng cho rằng, quá trình CĐS số quốc gia và CĐS ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để CĐS ngành ngân hàng bền vững, ngành ngân hàng cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, DN và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh CĐS, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.

Đồng thời, tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản luật của ngành (thử nghiệm, áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính); tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành (hạ tầng thanh toán, thông tin tín dụng); chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng CNTT, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của CĐS trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, DN; quan tâm hơn nữa công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ…

Thủ tướng tin tưởng NHNN và ngành ngân hàng sẽ phát huy hơn nữa các kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, giữ vững ngọn cờ tiên phong trong CĐS, nỗ lực triển khai vượt tiến độ tiến trình CĐS ngành ngân hàng, góp phần đẩy mạnh CĐS quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

toanld

Nguồn: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)