Vừa qua, tại trung tâm Hội nghị quốc gia đã diễn ra hội thảo về các vấn đề trong ngành Hàng không Việt Nam, trong đó vấn đề chính sách quản lí nhà nước về chuyển đổi số là một trong những vấn đề quan trọng được các đại biểu quan tâm.
Theo lời ông Nguyễn Phước Thắng, Trưởng phòng KHCN&MT, Cục Hàng không Việt Nam, chuyển đổi số trong ngành quản lý bay giờ đã khác xưa rất nhiều, cách đây khoảng 10 năm chỉ có phi công mới đảm nhận được những công việc về hàng không nhưng đến nay công việc đó có thể được đảm nhận từ những con người khác nhau, học những ngành khác nhau.
Ở thời đại 4.0, con người phải chạy đua với công nghệ nếu không sẽ bị đào thải, bởi hiện nay nhờ công nghệ mà nhiều vị trí không cần sử dụng nguồn lực là con người, máy móc có thể thay thế con người ở nhiều công đoạn và công việc trong lĩnh vực Hàng không. Cũng theo ông Thắng, “ Con người ở thời điểm 4.0 là sự kết nối giữa người và người được thể hiện qua Smartphone, ngày xưa ông nghĩ chuyển đổi số chỉ là đẩy dữ liệu nên máy tính rồi số hoá nhưng sau một vài nghiên cứu về chuyển đổi số ông đã thay đổi tư duy hoàn toàn giờ đây nó còn liên quan đến điện toán đám mây, big data, AI,… bên cạnh đó ông còn nhấn mạnh rằng phải thay đổi cả mặt tư duy lẫn nhận thức trong quá trình chuyển đổi số thì mới đạt được thành công đầu tiên trong lĩnh vực này”.
Ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tầm nhìn là Việt Nam trở thành Quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Ngày 8/12/2020 Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành Quyết định số 2269/QĐ-BGTVT về chương trình chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu xây dựng hạ tầng công nghệ số phục vụ quản lý điều hành bay, hỗ trợ kiểm soát không lưu bảo đảm an toàn bay.
Nhờ vào những chính sách này mà ngành Hàng không ở thời điểm hiện tại có thể phát triển mạnh mẽ.Những năm gần đây, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh phát triển về ngành Hàng không và được công nhận là Cục Hàng không loại một từ phía Mỹ như là Cục Hàng không Singapore và đó chính là mấu chốt để có thể kết nối được với Cục Hàng không Mỹ vì phải được sự công nhận của Mỹ thì mới có thể khai thác hết tiềm năng về kinh tế và xã hội. Giờ đây trong khu vực Đông Nam Á chỉ có 2 nước được Mỹ công nhận Cục Hàng không loại một đó là: Việt Nam và Singapore. Đó là một niềm tự hào của nền hàng không nước nhà.
Ngành Hàng không là một trong những ngành có ứng dụng công nghệ hiện đại, liên tục trên tuyến đầu của chuyển đổi kỹ thuật số kể từ khi cuộc cách mạng kỹ thuật số bắt đầu gần một phần tư thế kỷ trước. Trong lĩnh vực Hàng không, ngành Quản lý hoạt động bay là một trong những trụ cột sớm có các ứng dụng số hóa thông tin (digitization), ứng dụng CNTT (Digitalization), thể hiện thông qua việc đầu tư, khai thác các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ của các hoạt động bay trên toàn cầu và cũng sẽ là một trong những trụ cột đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số trong ngành Hàng không.
Tuy nhiên để nâng cao chất lượng ngành Hàng không hiện nay theo ông Thắng cũng như các chuyên gia chúng ta cần phải phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy và trú trọng vào các lĩnh vực trọng tâm để phát triển như: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng số; Phát triển dữ liệu số; Xây dựng nền tảng số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng;Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số./.