"Hiểu biết số" - năng lực không thể thiếu đối với công dân thời đại số

Thứ sáu, 14/10/2022 08:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo các chuyên gia, "hiểu biết số" (digital literacy) là một năng lực không thể thiếu đối với mỗi công dân trong thời đại số hiện nay.

Cần thiết phải phổ cập kỹ năng số

Tại Hội thảo "Phổ cập hiểu biết số: Tăng cường kỹ năng số cho cộng đồng" do Bộ TT&TT tổ chức ngày 13/10 trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế (VIDW) 2022, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT) - Bộ TT&TT cho biết các nước trên thế giới hiện nay đều đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nhưng cái gốc của tất cả các chiến lược này thì đầu tiên phải có công dân số, có nghĩa là cần phải phổ cập, nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng về công nghệ số, dịch vụ số, ứng dụng số, khai thác tối ưu các tiện ích số phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

"Hiểu biết số" - năng lực không thể thiếu đối với công dân thời đại số - Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ HTQT Triệu Minh Long: Bộ TT&TT xác định một trong những những nhiệm vụ trọng tâm là hợp tác với các tổ chức để đẩy mạnh việc nâng cao kỹ năng số cho người dân

Với ý nghĩa ấy, trong thời gian qua, ông Triệu Minh Long cho biết Bộ TT&TT xác định một trong những những nhiệm vụ trọng tâm là hợp tác với các tổ chức quốc tế, các cơ quan, tổ chức của Việt Nam để đẩy mạnh việc nâng cao kỹ năng số cho người dân. Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động nâng cao kỹ năng số cho người dân, trong đó đặc biệt là tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) trong việc nâng cao nhận thức công nghệ số cho người dân, tiếp cận trực tiếp với người dân.

Cũng chia sẻ ý kiến về tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng số, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết trong bối cảnh này, việc xây dựng kỹ năng số như một kỹ năng học tập suốt đời trong cộng đồng từ học sinh đến giáo viên, phụ huynh, nhân viên y tế, nhân viên khu vực tư nhân, nhân viên phúc lợi và mọi thành viên của xã hội là hết sức quan trọng.

"Hiểu biết số không chỉ là xử lý máy tính mà còn cho phép các cá nhân tham gia vào việc xử lý thông tin với tư duy phản biện, tham gia tích cực vào việc tạo ra nội dung và chia sẻ kiến thức qua mạng xã hội. Trọng tâm về hiểu biết số là hỗ trợ sự phát triển của một công dân có hiểu biết và kết nối, có thể thích ứng với các nhu cầu thay đổi nhanh chóng của xã hội, bao gồm cả nhu cầu của thị trường lao động", bà Miiler cho hay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thế giới ngày nay gia tăng kết nối, dẫn đến số hóa nền kinh tế diễn ra nhanh chóng. Kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh nhất Đông Nam Á năm 2020 (ước đạt 52 tỷ USD năm 2025) - Pricewaterhouse Cooper. Các kỹ năng chuyển đổi (kỹ năng con người) như giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện được quan tâm nhiều hơn kiến thức chuyên môn.

Vẫn còn khoảng cách số

Theo bà Lesley Miller, khoảng cách số ở Việt Nam vẫn còn đáng kể khi gần 27% dân số thiếu khả năng kết nối Internet vào đầu năm 2022 và gần 6/10 trẻ em gái và trẻ em trai từ 15-24 tuổi không có các kỹ năng ICT cơ bản.

Dữ liệu cũng cho thấy rằng có những khoảng cách số liên quan đến nền tảng dân tộc, giữa người giàu và người nghèo, và giữa các khu vực nông thôn và thành thị. Hơn 2/3 trẻ em vùng sâu, vùng xa không được học trực tuyến và 93% giáo viên ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa cho biết chưa bao giờ sử dụng công nghệ hiện đại trong lớp học.

Bà Miller tin tưởng với việc thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội cho mọi trẻ em và thanh thiếu niên khi có thể kết nối, giải pháp học tập, thiết bị, nội dung và dữ liệu giá cả phải chăng cũng như sự tham gia của những người trẻ tuổi.

Ở khía cạnh nhân lực số, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Viện Chiến lược TT&TT - Bộ TT&TT còn cho biết nguồn nhân lực số có vai trò quan trọng cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0). Cạnh tranh trong CMCN 4.0 là cạnh tranh về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực CNTT còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Về số lượng, tỷ lệ nhân lực CNTT/tổng số lao động của Việt Nam ước đạt gần 1%, thấp hơn một số quốc gia mạnh về CNTT như Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).

Việt Nam và cách làm riêng để nâng cao năng lực số

Triển khai Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Bộ TT&TT đã khai trương nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOC) (https://onetouch.mic.gov.vn/).

Đến nay đã có 6 triệu lượt truy cập nền tảng để bồi dưỡng, tập huấn về CĐS cho 117.158 lượt cán bộ, công chức, viên chức; phổ cập kỹ năng số cho tổ CNSCĐ với tổng cộng 159.132 lượt truy cập và tham gia khóa tập huấn; tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho CNSCĐ tại 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW.

Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT - Bộ TT&TT cho biết CĐS ở Việt Nam đều gắn liền với xã hội số, công dân số. Trong chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam, các nền tảng số của Việt Nam được nhấn mạnh với mục tiêu là đưa người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam và Tổ CNSCĐ đang làm việc này.

"Hiểu biết số" - năng lực không thể thiếu đối với công dân thời đại số - Ảnh 2.

Phó Vụ trưởng Vụ HTQT Hoàng Anh Tú: Tổ CNSCĐ là một cách làm riêng của Việt Nam

để đưa người dân lên các nền tảng số

"Tổ CNSCĐ được hình thành từ kinh nghiệm của tổ COVID-19. Sứ mệnh của tổ CNSCĐ là đưa công nghệ vào mọi ngõ ngách cuộc sống nhưng việc phổ cập phải đơn giản nhất như sử dụng điện, nước và xuất phát từ chính nhu cầu thiết thực hàng ngày của người dân. Nòng cốt chính của tổ CNSCĐ là tổ trưởng tổ dân phố, công an khu vực, Đoàn TNCS địa phương và DN công nghệ có thể tham gia", ông Hoàng Anh Tú chia sẻ.

Phổ cập nội dung số, Bộ TT&TT triển khai thực hiện là phổ cập những nội dung thiết yếu. Năm 2022, Bộ TT&TT đưa ra 6 nội dung để tổ CNSCĐ tập huấn cho người dân là dụng: dịch vụ công trực tuyến, thanh toán số không dùng tiền mặt, đưa người dân lên sàn TMĐT, nền tảng số Việt Nam do địa phương lựa chọn, kỹ năng số an toàn khi tương tác và tham gia cho môi trường số, nội dung của chính quyền địa phương. Từ tháng 3 - 10/2022, cả nước đã thành lập được 61.554 tổ CNSCĐ với 283.904 thành viên tham gia.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết đến nay Việt Nam có hơn 100 triệu lượt người dùng hàng tháng trên tất cả các nền tảng số di động Việt Nam. Gần 200 triệu lượt tải mới các ứng dụng di động trong tháng 6/2022 đã đưa Việt Nam vào top 7 toàn cầu về số lượt tải mới. 8 nền tảng số Việt Nam với trên 10 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng.

Để có nguồn nhân lực số dồi dào, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho rằng cần: hoàn thiện pháp luật về thị trường lao động; xây dựng chiến lược phát triển nhân lực số; rà soát, đề xuất cơ chế chính sách phát triển hệ sinh thái nhân lực số.

Tiếp theo, cần CĐS cho giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), theo đó triển khai thí điểm trong đào tạo CNTT (xây dựng nền tảng số chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; xây dựng nền tảng (platform) đào tạo từ xa). Nhà nước thí điểm chấp nhận các tín chỉ, văn bằng đào tạo từ xa; xây dựng chương trình, kế hoạch thiết kế dạy học trực tuyến; phát triển được nguồn tài nguyên dữ liệu mở, kết nối quốc tế.

Bên cạnh đó, cần giải pháp đổi mới nội dung, phương pháp, theo đó xây dựng triết lý mới về giáo dục, đào tạo là đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với nền tảng là giáo dục khai phóng + STEM; quy hoạch và phát triển ngành nghề cho tương lai; có giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm: cơ chế, chính sách "sandbox: công nghệ cao", từ đó DN công nghệ thế giới sẽ đến và nguồn nhân lực thế giới sẽ đổ về; thu hút nhân lực chất lượng cao thông qua làm việc trực tuyến, ứng dụng công nghệ số AR/VR; thu hút các DN trong nước chủ lực tham gia đào tạo nguồn nhân lực số, kỹ năng số.

"Hiểu biết số" - năng lực không thể thiếu đối với công dân thời đại số - Ảnh 3.

Các đại biểu bày tỏ quan tâm cần có sự chung tay của nhiều bên

tham gia vào phổ cập hiểu biết số

Về phía UNICEF, bà Miller cho biết UNICEF Việt Nam đã làm việc với các đơn vị khác nhau thuộc Bộ GD&ĐT bao gồm Cục CNTT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non và thí điểm một số giải pháp dựa trên công nghệ để cải thiện dịch vụ cho trẻ em và người chăm sóc trẻ em, đặc biệt là sử dụng điện thoại phổ thông và điện thoại thông minh để cung cấp thông tin và dịch vụ cho trẻ em. Điều này bao gồm một loạt các ứng dụng công nghệ từ các giải pháp công nghệ tiên tiến như RapidPro, UReport cho sự tham gia của cộng đồng, đến công nghệ mới nổi như thực tế ảo (VR) cho giáo dục hòa nhập.

Tuy nhiên, theo bà Miller, "trong khi xem xét sự phát triển và tiếp thu các kỹ năng số trong xã hội, điều quan trọng là đảm bảo an toàn trực tuyến và phúc lợi kỹ thuật số của trẻ em trên mạng cũng là vấn đề cần được thảo luận".

Chia sẻ kinh nghiệm của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) trong hỗ trợ triển khai chính sách "Thông hiểu số" tại một số quốc gia đang phát triển, ông Aamir Riaz, Văn phòng ITU châu Á - Thái Bình Dương cho biết tại Trung Quốc, Alibaba đã sử dụng những công cụ số để giúp người dân ở nhiều tỉnh, thành thoát nghèo.

Trong khi đó, Mông Cổ triển khai 1 ứng dụng có hàng trăm dịch vụ công được gọi là e-Mongolia. Người dân dùng ứng dụng này sử dụng dịch vụ công bất cứ lúc nào, ở đâu, giá rẻ. Còn tại Bhutan, các trường trang bị cho sinh viên các kỹ năng số cần thiết, sau đó các sinh viên này trở về địa phương có thể hướng dẫn người dân các kỹ năng số, để lấp đầy khoảng cách số giữa đô thị, nông thôn và các nhóm người dân./.

toanld

Nguồn: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)