Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) vừa tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số - Thực trạng và giải pháp, với mục tiêu phát triển hệ thống quản trị số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản trị Nhà trường; cung ứng các dịch vụ giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên nền tảng giáo dục số.
Chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực
của hoạt động quản trị Trường Đại học GTVT
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên toàn thế giới. Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số đã tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn và đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học. Nhằm đánh giá thực trạng và trao đổi, đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch chuyển đổi số hướng tới xây dựng Nhà trường điện tử, Trường Đại học GTVT tổ chức Hội thảo với chủ đề "Chuyển đổi số trong Trường Đại học Giao thông vận tải - Thực trạng và giải pháp".
Ban lãnh đạo Trường Đại học GTVT chụp ảnh lưu niệm
với các thế hệ cán bộ của Nhà trường.
Phát biểu tại Hội thảo PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, giải pháp quan trọng, yếu tố cần thiết để tăng cường chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành.
Xét trên khía cạnh quản trị đại học, ba đỉnh của tam giác quản lý cần được thực hiện tốt bao gồm: Triết lý quản trị, trong đó trọng tâm tự chủ trong quản trị đại học; Huy động nguồn lực tài chính cho công tác quản trị và hiệu quả tài chính của công tác quản trị; Kỹ thuật của công tác quản trị, trong đó hai nội dung rất quan trọng là vấn đề xây dựng hành lang pháp lý thông qua hệ thống văn bản quản trị và vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản trị, mà cốt lõi là vấn đề chuyển đổi số. Để cùng phân tích và tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho từng vấn đề trên, những năm qua, Nhà trường đã tổ chức các hội thảo về "Quản trị đại học", "Nâng cao chất lượng quản lý", "Các giải pháp tăng cường nguồn lực tài chính", "Tự chủ đại học ở cấp đơn vị" và năm nay, sau những thành công bước đầu của việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản hành chính, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản trị đại học, Nhà trường tiếp tục lựa chọn chủ đề có tính cốt lõi của quản trị hiện đại là "chuyển đổi số", PGS. TS Nguyễn Ngọc Long cho biết.
Các đại biểu tại Hội thảo.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, từ năm 2018, Nhà trường tập trung thực hiện nhiều dự án lớn phục vụ nâng cấp hạ tầng và tăng cường năng lực hạ tầng CNTT và cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý và đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trường Đại học GTVT đã tập trung đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng công nghệ thông tin nhằm cải thiện cả về cấu trúc hệ thống, năng lực chuyển mạch tốc độ cao, hoạt động thông suốt, ổn định và độ bảo mật cao, khả năng dự phòng lớn. Với hạ tầng truyền dẫn nội bộ mới và hiện đại này hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi truyền dẫn tốc độ cao của các ứng dụng CNTT trong tương lai.
Nhằm đồng bộ hóa hạ tầng công nghệ thông tin với hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, thời gian qua Nhà trường được Bộ GD&ĐT đầu tư dự án xây dựng hệ thống phòng học thông minh với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng.
Song song với việc đầu tư cho hạ tầng, Nhà trường chú trọng phát triển các phần mềm quản lý. Từ năm 2020, Trường Đại học GTVT xác định xây dựng mô hình quản trị theo mô hình Nhà trường điện tử. Từ đó, Trường Đại học GTVT đầu tư Dự án Khung kiến trúc nhà trường điện tử với 04 phân hệ quản trị đầu tiên được xây dựng thuộc các lĩnh vực: Lĩnh vực quản lý hành chính; lĩnh vực tổ chức quản trị; quản lý khoa học công nghệ và quản lý cơ sở vật chất.
Trong lĩnh vực tổ chức quản trị, Nhà trường đã và đang triển khai các phần mềm: Quản lý nhân sự; hệ thống Usmart được phát triển trên nền tảng của hệ thống văn phòng điện tử; triển khai áp dụng chữ ký số, chứng thư số; triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, một số dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 4; các phần mềm đánh giá, xếp loại viên chức và đánh giá thi đua của cán bộ, viên chức.
Đặc biệt đối với lĩnh vực đào tạo và quản lý sinh viên, Nhà trường đã triển khai các phần mềm: Nhập học trực tuyến; quản lý đào tạo; lập kế hoạch - thời khóa biểu; đăng ký học; đánh giá rèn luyện sinh viên; đánh giá cố vấn học tập; lấy ý kiến phản hồi của người học; đánh giá giảng viên… Đối với khoa học công nghệ, Nhà trường đã triển khai các phần mềm: Quản lý đề tài; đăng ký đề tài; quản lý giờ khoa học; quản lý sáng kiến; quản lý lý lịch khoa học; quản lý sở hữu trí tuệ…
Cũng tại Hội thảo, Trường Đại học GTVT công bố
Quyết định thành lập mạng lưới cựu sinh viên Nhà trường tại Quảng Bình.
Mặc dù Nhà trường đã luôn quan tâm, chú trọng đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống các phần mềm quản lý, các phần mềm quản lý của Nhà trường cũng đã một phần đáp ứng được và hỗ trợ được công tác quản trị. Tuy nhiên, do đặc thù của một trường đại học công lập, các dự án được đầu tư phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn ngân sách nhà nước và bị phân kỳ theo nhiều năm nên hệ thống chưa thực sự đồng bộ, đặc biệt là hệ thống phần mềm quản lý. Do đó, còn rất nhiều hạn chế trong việc tổng hợp thông tin, tính liên thông quản lý, cũng như việc chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung datawarehouse.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Trường Đại học Giao thông vận tải xác định mục tiêu chuyển đổi số nhằm phát triển hệ thống quản trị số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản trị Nhà trường; cung ứng các dịch vụ giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên nền tảng giáo dục số; phát triển xã hội số trong sinh viên, thu hẹp khoảng cách giữa sinh viên với sinh viên, giữa sinh viên với giảng viên, giữa giảng viên - sinh viên với Nhà trường và giữa Nhà trường với xã hội.
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số phải đảm bảo các nguyên tắc thống nhất và chuẩn hóa được kho dữ liệu của toàn Trường; kết nối được các hệ thống vận hành với kho dữ liệu được chuẩn hóa; xây dựng được các mô hình, quy chuẩn cho các hệ thống/module sẽ được phát triển trong tương lai; phát triển cơ chế phân quyền - truy xuất tài nguyên đồng nhất trên toàn hệ thống, đảm bảo không ảnh hưởng đến các hệ thống đang vận hành tốt đã có và đảm bảo việc cập nhật dữ liệu được quản lý chặt chẽ; xây dựng theo hướng nền tảng (Platform), giúp cho việc tích hợp, mở rộng dễ dàng và hiệu quả với các phân hệ đã có sẵn cũng như phân hệ mới trong tương lai.
Quan điểm như trên sẽ đảm bảo được tính kế thừa tất cả các phần mềm, hệ thống nghiệp vụ đơn lẻ đã có và đang vận hành tốt, ổn định; đồng thời hướng tới hướng tới một nền tảng tổng thể eUTC cho phép liên thông, một hệ thống cơ sở dữ liệu được chuẩn hóa.