Hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS) mang lại nhiều hiệu quả trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải, hỗ trợ đắc lực cho công tác tìm kiếm cứu nạn.
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Đều đặn cả ngày lẫn đêm, Trung tâm VTS Vũng Tàu lúc nào cũng tất bật. Các điều phối viên, giám sát viên liên tục bận rộn vì các tàu thuyền thường xuyên liên lạc về trung tâm để được hướng dẫn giao thông trong khu vực.
Ông Trương Minh Trí, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết, kể từ khi áp dụng hệ thống VTS, các điều phối viên, giám sát viên đỡ vất vả hơn trước.
Trước đây khi chưa có hệ thống VTS, việc quản lý kiểm tra, giám sát chủ yếu thực hiện qua thiết bị thông tin vô tuyến VHF, bằng điện thoại, máy Fax. Cơ quan quản lý không nắm được tình hình thực tế tại hiện trường để có giải pháp tối ưu. Thay vào đó, chỉ trao đổi thông tin với một đầu mối tại hiện trường để nắm tình hình.
Các giám sát viên, điều phối viên làm nhiệm vụ
tại phòng điều phối giao thông hàng hải VTS Hải Phòng - Ảnh: Tạ Hải.
Khi cần kiểm tra thực tế hoặc hỗ trợ, cảng vụ phải sử dụng tàu công vụ hoặc cano chạy đến tận nơi. Việc này vừa mất thời gian, tốn nhiên liệu, nhân sự và không kịp thời. Chưa kể, cùng thời điểm chỉ kiểm tra lần lượt từng phương tiện, không thể quan sát, bao quát tình trạng giao thông trong khu vực.
Từ năm 2012, hệ thống VTS luồng Sài Gòn - Vũng Tàu đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác giám sát, điều phối giao thông hàng hải khu vực cảng biển Sài Gòn - Vũng Tàu - Đồng Nai - Mỹ Tho.
Còn tại cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc, hệ thống VTS Hải Phòng được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2015. Ông Mạc Thành Kiên, Trưởng phòng Điều phối giao thông hàng hải, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng kể, khi chưa có hệ thống, cảng vụ sử dụng phần mềm quản lý tàu thuyền của Vishipel.
Đặc thù của khu vực biển Hải Phòng là tàu thuyền chủ yếu tập trung vào những giờ nước lớn trong ngày. Các tàu thuyền ra vào cảng chính phải đi qua luồng một chiều ở kênh Hà Nam, mật độ rất đông. Trong khi thời điểm đó, nhiều tàu thuyền nhỏ không gắn thiết bị nhận dạng tàu thuyền AIS, khiến công tác điều phối giao thông gặp nhiều khó khăn. Nhiều lúc, cảng vụ phải cử người ra tận hiện trường để biết tàu đang ở vị trí nào.
Hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS) hoạt động dựa trên nền hải đồ điện tử được tích hợp các thiết bị Radar, AIS, Camera, VHF, ngân hàng dữ liệu Database.
Các tín hiệu được truyền về các trung tâm, qua thiết bị phần mềm xử lý, các tín hiệu mục tiêu được hiển thị trên màn hình điều khiển để các giám sát viên, điều hành viên theo dõi mục tiêu liên tục trong khu vực. Từ đó, cung cấp thông tin và đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo, điều phối, hướng dẫn hành hải cho tàu thuyền.
Hàng trăm người được cứu kịp thời
Thống kê của Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, năm 2012, có 7 vụ tai nạn thì đến năm 2013 chỉ có 5 vụ tai nạn và 1 vụ tai nạn cano ở Cần Giờ - TP.HCM.
Đặc biệt thời gian gần đây, Cục Hàng hải VN thử nghiệm đưa những tàu có trọng tải lớn, với chiều dài tới 399m và mớn nước trên 15m ra, vào khu vực cụm cảng container Cái Mép - Thị Vải trong điều kiện thi công nạo vét luồng Vũng Tàu - Thị Vải.
Trong khi đó, theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, số vụ tai nạn, sự cố hàng hải trong khu vực vùng nước cảng biển Hải Phòng đã giảm rõ rệt từ khi hệ thống VTS được đưa vào vận hành. Từ 8 vụ vào năm 2013, giảm còn 6 vụ năm 2015 và tới năm 2022 chỉ có 4 vụ. Đặc biệt, hệ thống còn góp phần tích cực trong công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn.
Ông Mạc Thành Kiên cho biết, dữ liệu do hệ thống VTS cung cấp đã giúp các giám sát viên, điều hành viên VTS xác định chính xác vị trí tàu thuyền bị nạn, huy động phương tiện gần nhất đến ứng cứu.
Phòng giám sát, điều phối giao thông hàng hải tại Trung tâm VTS Vũng Tàu.
Điển hình như năm 2017, tàu Bình Dương 658 bị chìm trên đoạn luồng Lạch Huyện. Thông tin truyền về hệ thống VTS, các giám sát viên, điều phối viên của cảng vụ đã lập tức chủ trì, thông qua hệ thống phát thông tin cảnh báo, huy động phương tiện, cứu sống toàn bộ 9 thuyền viên trên tàu.
Sự việc tương tự diễn ra vào năm 2018, tàu Việt Thuận 68 bị chìm trên biển Hải Phòng. 10 thuyền viên trên tàu đã được cứu sống kịp thời, nhờ có VTS.
"Ước tính, khoảng 100 người đã được cứu sống thông qua hệ thống VTS Hải Phòng", ông Kiên nói và cho biết dữ liệu do hệ thống VTS cung cấp còn phục vụ cho công tác điều tra nguyên nhân tai nạn, sự cố hàng hải.
Theo đại diện Cục Hàng hải VN, hiện hệ thống VTS đã được đầu tư tại các cảng biển lớn như Hải Phòng, Sài Gòn - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nghi Sơn - Thanh Hóa, Cửa Lò - Nghệ An, An Giang và một số khu vực cảng biển khác đang hoàn thiện để đưa vào khai thác.
Hệ thống VTS hiển thị và truyền thông tin các thông tin về tàu thuyền,
vị trí phương tiện... để các giám sát viên, điều phối viên VTS theo dõi mục tiêu
và điều phối giao thông - Ảnh: Tạ Hải.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là vấn đề nhân lực. Công việc này đòi hỏi phải có trình độ điều động, có kinh nghiệm đi biển và trình độ tiếng Anh, nghiệp vụ trong tổ chức giao thông hàng hải để đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn cho thuyền trưởng.
"Mức lương công chức còn thấp nên lĩnh vực này không thu hút được nhiều nhân sự tham gia, chủ yếu tận dụng nguồn của các cảng vụ hàng hải, thay nhau trong các ca trực, kể cả các ngày lễ, Tết. Công việc áp lực, vất vả ngày đêm nên nhiều người nghỉ việc", đại diện Cục Hàng hải VN chia sẻ.
Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM Trương Minh Trí cho rằng, ngoài chính sách phát triển, bổ sung các nhà trạm, cần có những điều chỉnh để tăng chất lượng nhân lực vận hành hệ thống. "Tiền lương, thưởng cần được quan tâm nhiều hơn để giữ chân nhân lực có chất lượng và kinh nghiệm", ông Trí kiến nghị.
P.V