Nền tảng, công nghệ số giúp ngành hàng không phát triển

Thứ hai, 04/03/2024 08:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Muốn phát triển, ngành hàng không cần sử dụng và chuyển đổi mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ số mới nhanh chóng. Đây chính là xu thế phù hợp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số hiệu quả.

Vậy ngành hàng không, trong đó có các cảng hàng không (CHK), sân bay (SB) đã ứng dụng và vận hành những công nghệ, nền tảng số nào để phát triển? Để hiểu rõ một phần trong hành trình phát triển này, TS. Nguyễn Văn Hiếu và PGS.TS. Nguyễn Huy Đồng (Hội Khoa học kỹ thuạt Công trình Hàng không Việt Nam) đã chia sẻ thực tế việc áp dụng các nền tảng Autodesk Civil 3D,Autodesk Infraworks, công nghệ mô hình số nhà ga 3D… đồng thời nêu kiến nghị hướng đến sự phát triển.

Không vượt qua các giới hạn không an toàn

Theo đó, TS. Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, các công nghệ, nền tảng số khi áp dụng trong ngành khàng không nói chung muốn hiệu quả cần một sự đồng bộ, thông suốt, khớp nối ngay trong quá trình thiết kế, sử dụng (bao gồm các hạng mục thiết kế đường với nhà ga; khu phục vụ kỹ thuật; hệ thống thoát nước; giao thông đối ngoại…) và có sự tính toán đảm bảo tĩnh không, an toàn sân bay.

“Do đó, việc áp dụng các công nghệ, nền tảng số sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc thiết kế tổng mặt bằng CHK, SB, từ đó giúp nâng cao hiệu quả việc xây dựng và quản lý dự án hạ tầng ngành hàng không đồng bộ”, TS. Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Cụ thể, theo TS. Nguyễn Văn Hiếu, thực tế việc áp dụng các nền tảng, gồm phần mềm nền tảng của BIM với mô hình 3D (Autodesk Civil 3D), phần mềm thiết kế quy hoạch công trình hạ tầng (Autodesk Infraworks), công nghệ mô hình số nhà ga 3D… hiện nay đã thu được những kết quả tích cực. Nhờ đó đã góp phần tăng năng suất, chất lượng thiết kế, đồng bộ các dữ liệu thiết kế, dự toán được các chi phí thực tế chính xác…

screenshot-1643-1-.png
Các công nghệ, nền tảng số giúp đảm bảo tĩnh không, an toàn sân bay

Khi nói về Autodesk Civil 3D, TS. Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, phần mềm được thiết lập chuyên về thiết kế cơ sở hạ tầng bao gồm các sản phẩm: Giao thông, san nền, cấp thoát nước… Autodesk Civil 3D hỗ trợ thiết kế nhanh chóng, khối lượng chính xác, xuất hồ sơ bản vẽ đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật.

Đặc biệt, lợi thế của Autodesk Civil 3D nằm ở dữ liệu thiết kế liên kết động với nhau, qua đó các thành phần của tuyến được cập nhật tự động khi có sự thay đổi. Hơn nữa, Autodesk Civil 3D còn giúp sắp xếp thành phần mặt cắt logic, khoa học, giúp người kỹ sư thiết kế kiểm soát tốt được các yếu tố hình học cũng như kết cấu của mặt cắt tuyến đường, từ đó giải quyết tốt các bài toán nút giao ngã ba, ngã tư, nút giao cùng mức và khác mức.

Cũng mang lại những ưu điểm như Autodesk Civil 3D, Autodesk Infraworks là phần mềm dùng trong thiết kế quy hoạch công trình hạ tầng (cầu, đường, hầm, hệ thống thoát nước ngầm), giúp hỗ trợ, thay đổi thiết kế sẽ ngay lập tức được thể hiện trực quan trong mô hình.

Việc sử dụng Autodesk Infraworks sẽ tạo ra sự liên kết chặt chẽ, trao đổi thông tin, dữ liệu địa hình tự nhiên và giúp phối cảnh các hạng mục công trình nhà, hiệu ứng chuyển động của máy bay, điều chỉnh cao độ để không vượt qua các giới hạn không an toàn.

Tạo ra sự tuỳ biến nhanh chóng

Khi nói về những ưu điểm cần sử dụng, phát huy của các phần mềm Autodesk Civil 3D và Autodesk Infraworks, PGS.TS. Nguyễn Huy Đồng cho biết thêm, AutoCAD Civil 3 là công cụ không thể thiếu trong các CHK và SB, vì tất cả các thành phần trong dự án ( bình đồ, trắc dọc, trắc ngang, nhãn, bảng biểu, bề mặt, khối lượng…) đều được liên kết và tự động cập nhật.

Do đó, sử dụng Autodesk Civil 3D và Autodesk Infraworks sẽ giúp CHK, SB tránh được những bị động từ các tình huống thay đổi, phát sinh. “Đặc biệt, mỗi khi có một trong các thành phần có sự thay
đổi thì phần mềm Autodesk Civil 3D và Autodesk Infraworks sẽ tự động cập nhật tất cả các thành phần liên kết. Điều này giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức cập nhật hồ sơ, đồng thời giúp tránh các lỗi không đồng bộ số liệu giữa các bản vẽ của hồ sơ dự án do thay đổi thiết kế”,
 PGS.TS. Nguyễn Huy Đồng nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Huy Đồng, thiết kế thiết kế CHK, SB nói chung cũng như khi thiết kế tổng mặt bằng nói riêng là một quá trình hoàn thiện dần từ bước lập dự án đến bước thiết kế bản vẽ thi công để cuối cùng đưa ra một giải pháp hài hòa về kinh tế kỹ thuật, môi trường. Do đó, AutoCAD Civil 3D và Autodesk Infrawork cung cấp nhiều công cụ hữu ích giúp người kỹ sư phân tích, tối ưu hóa cho các phương án thiết kế.

Đặc biệt hơn, AutoCAD Civil 3D và Autodesk Infrawork còn có khả năng tích hợp các dữ liệu thực (quy hoạch, san nền, giao thông, cấp thoát nước). Và ở các dữ liệu này luôn cần đòi hỏi: Sự tuỳ biến nhanh chóng, chính xác (thay đổi nút giao, mặt cắt đường…); cần sự điều chỉnh ngay trong quá trình thiết kế; hỗ trợ nhiều định dạng mô hình…

Hơn nữa, AutoCAD Civil 3D và Autodesk Infrawork còn giúp triển khai quy trình dự án CHK, SB dễ dàng hơn. Cụ thể nói về điều này, PGS.TS. Nguyễn Huy Đồng cho biết, sau khi lên phương án thiết kế, Autodesk InfraWorks, có thể chuyển dữ liệu trực tiếp sang AutoCAD Civil 3D để phục vụ thiết kế chi tiết.

“Nhờ việc này, dữ liệu từ AutoCAD Civil 3D sẽ ngày một đa dạng, từ đó giúp phục vụ tổng hợp: Mô hình dự án; kiểm tra xung đột; phân tích tiến độ, chi phí; mô phỏng các kịch bản trực quan…”, PGS.TS. Nguyễn Huy Đồng nhấn mạnh.

Phát triển, tương thích với các điều kiện của Việt Nam

Để phát huy hơn nữa những ưu điểm từ các phần mềm, nền tảng số nêu trên, cả hai chuyên gia cho rằng, việc áp dụng là cần thiết, cần được ưu tiên trong các CHK, SB. Và việc sử dụng AutoCAD Civil 3D và Autodesk Infrawork trong thiết kế quy hoạch là phù hợp, đúng đắn với các công nghệ mới trong quản lý cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nâng cao hiệu quả và an toàn hơn trong việc trao đổi thông tin, giảm chi phí bảo trì và rủi ro, tăng lợi nhuận cho các bên liên quan.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, các giá trị tích cực, các CHK, SB cần chủ động làm chủ được công nghệ; cần sự chỉ đạo, quan tâm hơn nữa từ các cấp lãnh đạo ngành hàng không, các cấp quản lý nhà nước, doanh nghiệp xây dựng; thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho nguồn nhân sự tại chỗ, chuyên gia phục vụ ngành.

“Đặc biệt, trong công tác đào tạo thực hành, ứng dụng cần có những đề tài nghiên cứu khoa học, sáng tạo cải tiến để phát triển và tương thích với các điều kiện của Việt Nam”, điều hai chuyên gia mong muốn./.

Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Nguồn: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)