Việc áp dụng sớm và mạnh tay đầu tư chuyển đổi số ở các đơn vị hàng hải đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển vận tải biển, tăng cường an toàn hàng hải.
Hưởng lợi từ công nghệ
Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh từ lúc có 500 cán bộ công nhân viên, nay giảm xuống còn gần 400 người. Nhân lực tuy giảm nhưng nhờ ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu công nghệ và chuyển đổi số mà hiệu quả công việc ở các cảng biển lại tăng.
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số
giúp cảng Cửa Lò nâng cao năng lực khai thác.
Anh Nguyễn Xuân Hoàng - cán bộ Phòng hành chính tổng hợp chia sẻ: Mỗi ngày phòng tiếp nhận hàng chục văn bản, giấy tờ, đó là chưa kể các bảng tính, chấm công từ các bộ phận gửi về. Với khối lượng này trước đây 7 - 8 người làm quần quật không hết việc. Nay chỉ cần 3 -4 người ngồi máy tính, chạy phần mềm là xong. Mọi thứ khỏe re mà không bao giờ sợ bỏ sót công văn giấy tờ hay làm mất mát tài liệu.
Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Hoàng mở và giới thiệu cho tôi một số phần mềm và ứng dụng mới mà công ty đang sử dụng. “Đây là phần mềm khai thác cảng TOST, trong đó có nhiều hạng mục, đơn cử như lập phiếu công tác theo ca.
Trước đây, nhân viên dưới cảng viết tay từng ca, rồi tập hợp về xí nghiệp xếp dỡ, xí nghiệp lại gửi về phòng hành chính của công ty. Đến hết tháng phòng tập hợp lại chuyển sang kế toán để tính lương. Còn giờ dùng phần mềm, chỉ cần ở dưới nhập số liệu là ở đây biết và kế toán cũng nắm được. Vừa công khai minh bạch lại tiết kiệm nhiều cái.
Các phần mềm tiện ích đã giúp cho công việc của các cán bộ, nhân viên Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh trở nên thuận lợi và nhanh chóng hơn.
"Hay phần mềm văn phòng điện tử. Cái này rất hữu dụng, tiếp nhận ghi lại công văn đi và đến, lưu trữ văn bản và tìm kiếm dễ dàng. Ngoài ra, còn có thể giám sát quá trình xử lý công việc thông qua thời gian tiếp nhận và trả lời văn bản của cán bộ”, anh Hoàng dẫn chứng thêm.
Cần chú ý một điều, Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh là đơn vị quản lý vận hành khai thác hai cảng vào loại lớn nhất tỉnh Nghệ An là cảng Cửa Lò và cảng Bến Thuỷ. Lượng hàng hoá xuất, nhập thông qua cảng lên đến 3 triệu tấn/năm. Các mặt hàng đa dạng nhiều chủng loại từ gỗ dăm, đá, dầu cho đến các loại nguyên vật liệu, máy móc thiết bị… Công việc xếp dỡ và xử lý đơn hàng, cũng như các thủ tục hành chính đi kèm phải nói là rất đồ sộ.
Tương tự, tại Cảng vụ hàng hải Nghệ An việc số hoá cũng được đơn vị này áp dụng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Lãnh đạo cảng vụ hàng hải Nghệ An cho biết: Trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, Cảng vụ đã có chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phát triển hệ thống giao dịch điện tử, chia sẻ dữ liệu hàng hải tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong dịch vụ hàng hải.
Về hạ tầng chúng tôi duy trì đường truyền để kết nối Hội nghị trực tuyến với Cục Hàng hải Việt Nam, hệ thống liên thông văn bản và hệ thống thông tin quản lý cán bộ của Bộ GTVT.
Thời gian làm thủ tục và công tác bố trí tàu ra vào cảng được thực hiện nhanh chóng hơn.
Về ứng dụng nội bộ, chúng tôi có phần mềm quản lý văn bản liên thông gửi, nhận văn bản điện tử. Hệ thống hội nghị trực tuyến với Cục và các điểm cầu khác. Ngoài ra, ứng dụng KHCN trong việc quản lý và cấp phép tàu thuyền ra, vào cảng; triển khai dịch vụ công trực tuyến, tham gia thực hiện cơ chế một cửa Quốc gia; Hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động hàng hải. Khai thác hiệu quả Hệ thống quản lý hành hải tàu biển (VTS) tại đơn vị; Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin vào đảm bảo an toàn hàng hải, các hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn.
Mạnh tay đầu tư chuyển đổi số
Ông Bùi Kiều Hưng - Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh chia sẻ: Việc ứng dụng sớm các phần mềm công nghệ vào công việc giúp ích rất lớn cho các hoạt động của công ty. Đặc biệt từ sau dịch COVID-19, gần như tất cả công việc đều dùng phần mềm. Các cuộc họp tuần, hoặc đột xuất của đơn vị đều thực hiện theo hình thức trực tuyến. Tính ra cả năm, ngoài họp Đảng, họp cổ đông thì công ty chỉ tổ chức họp trực tiếp một lần vào dịp tổng kết năm. Cùng đó, chúng tôi cũng ứng dụng một cách linh hoạt các phần mềm nội bộ và với phần mềm tiện ích trên điện thoại, máy tính cho công việc hàng ngày.
“Từ đầu năm 2024, công ty cũng đã xây dựng riêng một đề án về chuyển đổi số định hướng cho giai đoạn 2024 - 2026 và từ 2026 đến 2030. Trong đề án chúng tôi cũng ghi chi tiết các hạng mục cần đầu tư, từ phần cứng, phần mềm, cho đến hệ thống truyền dẫn, thiết bị lưu trữ… Đồng thời xây dựng lộ trình đầu tư tương ứng với từng giai đoạn và dự trù kinh phí đầu tư lên đến 13,4 tỷ đồng”, ông Hưng nói.
“Việc chuyển đổi số giúp phát triển dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, giúp tập trung khai thác hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ. Nó cũng góp phần giảm chi phí, nâng cao sản lượng vận tải. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng biển để thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa”, lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Nghệ An cho hay.
Theo Báo Giao thông