Chuyển đổi số là yếu tố sống còn của ngành logistics. Đó là ý kiến của doanh nghiệp tại Hội nghị Logistics Việt Nam năm 2024 vừa diễn ra tại TP.HCM với chủ đề "Chuyển đổi để bứt phá".
Số hóa và tự động hóa đóng vai trò then chốt
Hiện nay, giá trị thị trường logistics của Việt Nam đạt khoảng 40 tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ khoảng 14 - 15% hàng năm đến năm 2025. Tuy nhiên, ngành logistics của Việt Nam còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và chi phí cao so với nhiều nước trong khu vực.
Theo nhiều doanh nghiệp, để tạo sự bứt phá và nâng cao sức cạnh tranh của ngành logistics, cơ quan chức năng phải đẩy mạnh hoàn thiện cơ sơ hạ tầng và doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi số.
Số hóa và tự động hóa trong logistics sẽ tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí
Ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc Cảng Gemalink (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khai thác cảng và trong ngành logistics không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Số hóa và tự động hóa đóng vai trò then chốt, mang lại hiệu quả vượt trội, tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Cụ thể như Cảng Gemalink đã đón siêu tàu container với công suất hơn 24 ngàn TUE, chở 24.000 container, dài 400m, rộng gấp 4 lần sân vận động Mỹ Đình, cao 22 tầng. Nếu không ứng dụng công nghệ và thiết bị hiện đại thì không thể nào xếp dỡ hàng hóa của con tàu này.
Ông Cao Hồng Phong cho rằng, việc chuyển đổi số, xây dựng cảng thông minh phải có nhiều đơn vị liên quan tham gia. Việc này không chỉ có nhà khai thác cảng mà cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khách hàng, hãng tàu và các bên liên quan như cơ quan quản lý chuyên ngành, cảng biển, cảng vụ, hải quan, biên phòng… Tất cả đều phải tham gia vào chuyển đổi số.
Còn ông Đỗ Hoàng Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Thương mại và tiếp vận Bảo Tín cho biết: Việc áp dụng công nghệ mới và chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp của ông tiết giảm chi phí khoảng 7% và không cần tốn nhiều thời gian, nhân lực để đi khảo sát tuyến. Tuy nhiên, doanh nghiệp có khi sử dụng thiết bị công nghệ phải xin phép với nhiều thủ tục.
Ông Phương dẫn chứng, doanh nghiệp của ông dùng flycam để giám sát quá trình hoạt động tại hiện trường như thì phải xin rất nhiều giấy phép. Ông đề xuất, vậy doanh nghiệp có thể mua flycam của 1 đơn vị nhà nước, đơn vị này quản lý và theo dõi được thì sẽ thuận tiện cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Đại biểu trao đổi tại hội nghị
Phát triển giao thông đường thủy
Bên cạnh đó, để giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thì phải cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, hệ thống kho và phát triển hạ tầng giao thông thủy. Bà Ngô Thị Thanh Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và khai thác cảng biển quốc tế Long An cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh đường sông, tuy nhiên hàng hóa vận chuyển lên Long An và TP.HCM chủ yếu vẫn qua đường bộ, vì chưa có sự kết nối đồng bộ giữa các tỉnh với nhau. Hạn chế về luồng, lạch, độ cao tĩnh không của các cầu… việc này cần được cải thiện.
Để phát triển hạ tầng logistics thì cơ quan chức năng phải chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng từ cảng biển, trung tâm logistics, hệ thống kho bãi, đường thủy… cũng như chính sách hỗ trợ cho các trung tâm logistic phát triển, thủ tục phải thuận lợi và nhanh chóng
Để kéo giảm chi phí logistics, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu -Bộ Công Thương cho rằng, mấu chốt là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với phát triển trung tâm logistics, cảng cạn, đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Đường thủy nội địa cũng có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với 2 đầu khu vực Nam Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại ở phía Nam phát triển đường thủy tốt hơn, nhưng các bến thủy nội địa còn ít và trang bị khá thô sơ.
Theo Vov.vn