Xây dựng Chính phủ điện tử giúp nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan Nhà nước và hướng tới Chính phủ không giấy tờ.
Việc xây dựng Chính phủ điện tử góp phần thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và xử lý văn bản trên môi trường mạng. Cụ thể là triển khai gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là bước đi quan trọng để thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường mạng, góp phần giảm đáng kể chi phí, thời gian gửi, nhận văn bản, thời gian xử lý công việc (tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian…), nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống e-Cabinet đã được đưa vào vận hành kết nối đến 22 bộ, cơ quan ngang bộ, giúp quản lý đồng bộ, đầy đủ các phiên họp của Chính phủ, tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả trên môi trường mạng và góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn, sao chụp tài liệu giấy.
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương tháng 8/2020 là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia.
Những kết quả đã đạt được trong xây dựng Chính phủ điện tử
là tiền đề quan trọng tiến tới xây dựng Chính phủ số
Chính phủ điện tử hiểu một cách đơn giản là “4 không”: Họp không gặp mặt; Xử lý văn bản không giấy; Giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và Thanh toán không dùng tiền mặt.
Còn Chính phủ số là Chính phủ điện tử thêm “4 có”: Có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số; Có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng; Có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và Có khả năng kiến tạo, phát triển dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Do đó, những kết quả đã đạt được trong xây dựng Chính phủ điện tử là tiền đề quan trọng tiến tới xây dựng Chính phủ số. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, định hướng 2030, Việt Nam vào Top 30 Chính phủ điện tử, Chính phủ số kinh tế số còn rất nhiều việc phải làm.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết: Chúng ta phải tiếp tục quan tâm về hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, đặc biệt dữ liệu thông tin; chú trọng hơn nữa đến các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 để tạo thuận tiện cho người dân. Cần đẩy nhanh xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như cơ sở dữ liệu của ngành công an, nội vụ, bảo hiểm y tế...
Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tất cả các cơ quan nhà nước sẽ cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. Với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2025 và thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030, theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc.