Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy, chiến đấu, công tác trên nhiều chiến trường trọng điểm, suốt cuộc đời mình (93 tuổi đời, 76 tuổi Đảng), Đại tướng Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực, tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Đại tướng Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913, trong một gia đình nông dân nghèo, hiếu học tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Trên mảnh đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, Đồng chí đã sớm tiếp thu truyền thống văn hóa, yêu nước của quê hương và được giác ngộ cách mạng.
|
Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4
đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nghệ An, tháng 12/1961. Ảnh tư liệu
|
Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), khi mới 16 tuổi, Đồng chí đã tham gia Đội tự vệ Đỏ và là Đội phó Đội tự vệ của xã Yên Lưu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cuối năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Chu Huy Mân liên tục được luân chuyển qua nhiều cương vị chủ trì lãnh đạo, chỉ huy ở những địa bàn chiến lược trọng yếu, nhiều khó khăn, gian khổ, như: Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào; Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Quân khu ủy; Chính ủy Quân khu Tây Bắc, Bí thư Khu ủy và Bí thư Quân khu ủy; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, Phó Bí thư Khu ủy Khu 5 và Bí thư Quân khu ủy; Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3-Tây Nguyên...
Với những trọng trách được giao, Đồng chí Chu Huy Mân đã nhiều lần được gặp gỡ và làm việc với Bác Hồ. Nhìn nhận Đồng chí là một con người “văn, võ song toàn”, vì vậy, trong lần gặp tháng 7/1967, Người nói với Đồng chí Chu Huy Mân: “Chú gánh vác hai vai cho khỏe”. Cũng từ ấy, tên gọi “Anh Hai Mạnh” đã trở nên thân thiết với đồng bào, chiến sĩ từ những ngày tháng ác liệt cho đến sau này.
Phải khẳng định rằng, ngay từ những năm tháng hoạt động ở quê nhà và thời gian bị thực dân Pháp giam cầm, Đồng chí Chu Huy Mân luôn là biểu tượng ngời sáng của tinh thần gang thép, niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo và trở thành tấm gương tiêu biểu cho ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của người Cộng sản trước kẻ thù tàn bạo.
Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đồng chí Chu Huy Mân luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân; suốt đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng, thực sự “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, không chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách, luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm, khó khăn nhất, chung lưng, đấu cật với đồng chí, đồng đội, sâu sát cơ sở, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng; có tác phong lãnh đạo, chỉ huy kiên quyết, mưu lược, sáng tạo, tôn trọng nguyên tắc, phát huy dân chủ và giữ nghiêm kỷ luật; đồng thời, luôn chân tình, gần gũi thương yêu đồng chí, đồng đội.
|
Đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Quân khu Tây Bắc đón Chủ tịch Hồ Chí Minh
đến thăm và làm việc tại Thuận Châu, Sơn La, tháng 5/1959. Ảnh tư liệu.
|
Quá trình hoạt động cách mạng từ buổi ban đầu cho đến khi giữ những cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Quân đội, Đồng chí Chu Huy Mân luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ và trọng trách vào những thời điểm khó khăn, nhưng bằng bản lĩnh và tài năng, Đồng chí luôn xông xáo, thâm nhập sâu vào cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ, gắn bó, lăn lộn trong các phong trào cách mạng, các chiến trường gian khổ, một lòng, một dạ cống hiến hết mình, tìm tòi, sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng thành công; như lúc sinh thời, Đồng chí từng nói với các đồng đội: “Vinh quang nhất của cuộc đời là được cống hiến, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân; Tôi vào Đảng là hoàn toàn tự nguyện, suốt đời hy sinh, chiến đấu vì Tổ quốc, vì Nhân dân”.
Là cán bộ cao cấp của Đảng, luôn cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, hết mình cho sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, luôn đề cao yếu tố then chốt nhất là phải giáo dục cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị cao, dám nhìn thẳng vào sự thật để nói rõ sự thật. Đồng chí từng nói: Một đảng viên cộng sản, một cán bộ cách mạng nếu không dám nhìn sự thật thì dù ở cấp nào cũng là đã hư hỏng; Cách làm cần thiết là hằng năm toàn Đảng có một cuộc học tập chính trị, kết hợp tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Làm từ trên xuống dưới, không từ một ai. Nhưng tự phê bình và phê bình phải đi kèm nhiều biện pháp khác, đặc biệt phải kết hợp giữa những biện pháp “mạnh tay” với việc tạo cơ hội cho cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm khắc phục, sửa chữa.
Mẫu mực trong lời nói và hành động, Đồng chí Chu Huy Mân luôn giữ vững nhân cách và bản lĩnh của người Cộng sản, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, là một tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức của “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong lao tù hay ngoài chiến trận, khi công tác hay trong sinh hoạt đời thường, Đồng chí Chu Huy Mân luôn thể hiện đức hy sinh, lòng dũng cảm, trí thông minh, sống trung thực, thẳng thắn, nghiêm nghị, giản dị, cần kiệm, nghiêm khắc với mọi biểu hiện hách dịch, hình thức, quan liêu; chan hòa, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí.
Nhiều năm bị giam cầm trong nhà lao đế quốc, thực dân, dù bị kẻ thù tra tấn, đánh đập hết sức dã man, nhưng Đồng chí vẫn luôn kiên định một lòng theo Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, nuôi dưỡng ý chí và tích cực tổ chức các cuộc đấu tranh với kẻ thù.
|
Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra các đơn vị chiến đấu năm 1973. Ảnh tư liệu |
Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, Đồng chí Chu Huy Mân luôn xông pha trên khắp các chiến trường nóng bỏng, vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, gương mẫu học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đồng chí là người lãnh đạo, chỉ huy mẫu mực về phong cách sâu sát thực tiễn, gần gũi, thương yêu đồng chí, đồng đội và thường căn dặn cán bộ các cấp: Xương máu của chiến sĩ là vốn quý giá của dân tộc, của Quân đội và của mỗi gia đình chiến sĩ, vì vậy, để bộ đội tổn thất là một trách nhiệm lớn của người chỉ huy.
Trong chiến đấu, Đồng chí thường xuống đơn vị cơ sở, ra tận chiến hào để chỉ đạo và cùng cán bộ, chiến sĩ tìm cách khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong thiên tai, Đồng chí luôn xông pha vào những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất để chỉ đạo các lực lượng cứu giúp Nhân dân, sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho đồng bào, chăm lo cho chiến sĩ.
Tháng 12/1986, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, về với cuộc sống đời thường, Đồng chí Chu Huy Mân vẫn luôn nêu cao phẩm chất, ý chí của người Cộng sản, vị Tướng của Nhân dân, có nhiều trăn trở, tiếp tục có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng Đảng và Quân đội.
Trên mọi cương vị, Đồng chí Chu Huy Mân luôn thể hiện là người chiến sĩ Cộng sản trung kiên, “một cán bộ cần mẫn, một nhà lãnh đạo tài năng, một vị tướng thao lược”, “rất quan tâm đến đạo lý sống … Lo thì lo trước mọi người, vui thì vui sau mọi người”, đúng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Suốt cuộc đời, Đồng chí Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc cho đến những ngày cuối đời, Đồng chí vẫn suy nghĩ, lo lắng nhiều đến nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
|
Đại tướng Chu Huy Mân giao lưu với thế hệ trẻ. Ảnh tư liệu
|
Với 93 tuổi đời (Đồng chí từ trần ngày 1/7/2006), 76 năm tuổi Đảng, Đồng chí Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực, tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc và Quân đội. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là một tấm gương sáng ngời, mẫu mực, tiêu biểu về một lòng trung với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự lớn mạnh và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam; có bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ Cộng sản, trước mọi khó khăn, thử thách, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Chu Huy Mân vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm tiếp tục nâng cao năng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tập trung chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc để tôn vinh, tri ân những cống hiến to lớn của Đồng chí Chu Huy Mân với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc và Quân đội nhân dân; qua đó tiếp tục giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, truyền thống cách mạng, lịch sử, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý chí khát vọng sống, cống hiến vì Tổ quốc, vì Nhân dân cho đồng bào, đồng chí, nhất là thế hệ trẻ.
Học tập tấm gương bản lĩnh, trí tuệ, trọn đời hiến dâng cho Đảng, vì đất nước, vì Nhân dân, vì các lực lượng vũ trang của Đồng chí Chu Huy Mân, chúng ta nguyện nêu cao ý chí cách mạng, đoàn kết, chung sức, chung lòng không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện về ý chí, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần cách mạng của người Cộng sản; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để sớm hiện thực hóa mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc của mình, Đồng chí Chu Huy Mân được phong quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng vào năm 1974, quân hàm Đại tướng năm 1980, được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trước khi nghỉ công tác, Đại tướng Chu Huy Mân giữ cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
|