Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đường bộ cao tốc trong luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN phát biểu tại Hội thảo.
Theo ông Vũ Đỗ Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, tại thời điểm xây dựng luật giao thông đường bộ năm 2008 đường cao tốc lúc đó chưa có và đến nay đã có 745km đường cao được đưa vào khai thác và sử dụng và dự kiến đến 2020 có 2000km đường cao tốc. Tuy nhiên, vận tải hành lang pháp lý và nhu cầu thực tiện đòi hỏi cần phải có hành lang pháp lý để quản lý kết cấu hạ tầng, an toàn giao thông hiện nay đang nằm ở các văn bản dưới luật và các thông tư, trong khi đó yêu cầu về quản lý đường cao tốc rất cao. Tại Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi luật giao thông về đường cao tốc Tổng cục hy vọng các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý sẽ đóng góp nhiều ý kiến thiết thực từ đó có những định hướng lâu dài.
Với hơn 700km đường cao tốc đã đưa vào khai thác sử dụng, các tuyến cao tốc có ý nghĩa quan trọng đối với bảo đảm an ninh quốc phòng, giảm thời gian đi lại và chi phí vận tải, nâng cao ATGT, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương có đường cao tốc đi qua. Tuy nhiên, gần đây trên một số tuyến cao tốc tình hình trật tự an toàn giao thông đang diễn biến khá phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Những hiện tượng vi phạm phổ biến bao gồm việc lấn chiếm hành lang ATGT của đường cao tốc, tình trạng xe khách dừng đón trả khách trên cao tốc, néo đá các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc, người dân băng qua đường cao tốc… Mặc dù vậy, cơ sở pháp lý hiện tại thiếu rõ ràng đã gây không ít khó khăn trong quá trình quản lý, vận hành đường cao tốc.
Tham gia ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung Luật, ông Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng UBATGT QG cho rằng, nội dung sửa đổi Luật lần này cần có những quy định cụ thể định nghĩa rõ ràng về đường cao tốc, các loại phương tiện, kết cấu, tổ chức giao thông, quy tắc tham gia giao thông, ứng phó sự cố trên cao tốc.
Theo ông Minh thì cần cấm tuyệt đối xe máy, kể cả xe máy phục vụ quản lý bảo trì đường cao tốc được lưu thông trên đường. Trong quá trình bảo trì, cần hướng dẫn cụ thể về tổ chức giao thông trên cao tốc; Chuẩn hóa dải phân cách cho cao tốc hoặc làn đường tốc độ cao để giảm thiểu rủi ro không đáng có; Nghiên cứu có lộ trình có thể cho phép mô tô phân khối lớn được đi vào cao tốc; Bổ sung quy chuẩn về kết cấu như màu sắc trong phân làn để lái xe có thể định dạng rõ ràng tâm đường, làn đường và lề đường. Đặc biệt, cần nhanh chóng bổ sung các nguyên tắc khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, trong đó quy định chi tiết về tất cả các tình huống phổ biến mà lái xe gặp phải khi tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Toàn cảnh Hội thảo.
Theo đại diện Sở GTVT Lào Cai, Luật GTĐB 2008 chỉ có Điều 26 quy định về đường cao tốc. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật hướng dẫn lại khá hạn chế, các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc đang được quy định tại văn bản dưới luật chưa đồng bộ dẫn tới tình trạng trong quá trình quản lý, khai thác, vận hành đường cao tốc, các cơ quan chức năng phải vận dụng các tiêu chí, hướng dẫn của văn bản khác như hệ thống đường bộ bình thường. Đồng thời trong lĩnh vực giao thông trên đường cao tốc vẫn còn nhiều bất cập, do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể, hoặc các chế tài xử lý vi phạm mới phát sinh trong thực tế chưa kịp thời điều chỉnh hoặc chưa phù hợp so với thực tế, hoặc ngay cả về kết cấu hạ tầng còn chưa hoàn thiện. Trên tuyến cao tốc qua địa phận tỉnh Lào Cai, các phương tiện dừng đỗ trái phép, xe khách đón trả khách vi phạm quy định, người dân ven tuyến phá hàng ròa, lan can, cố tình đi xe máy vào đường cao tốc....
Quản lý an toàn giao thông trên đường cao tốc cũng là nội dung quan trọng được các đại biểu đề cập đến để đưa vào sửa đổi, bổ sung Luật; bởi ATGT trên đường cao tốc không những ảnh hưởng tới điều kiện khai thác của đường mà còn ảnh hướng tới sinh mạng, tài sản của nhân dân. Theo đại diện Sở GTVT Yên Bái, đường cao tốc có đặc điểm được thiết kế khác mức, có dải phân cách riêng chiều xe chạy, lại được trang bị các thiết bị tương đối hoàn chỉnh và có các biện pháp quản lý, điều khiển giao thông hiện đại nên những tai nạn phát sinh ít hơn nhiều so với các đường ô tô thông thường. Nhưng một khi đã xảy ra sự cố thì thường là sự cố nghiêm trọng gây tổn thất lớn về tài sản và người, trong khi đó, việc xử lý sự cố thường mất nhiều thời gian, gây ách tắc giao thông.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý đường cao tốc là quản lý an toàn giao thông, cố gắng tối đa để không xảy ra các sự cố; nếu có sự cố phải có các biện pháp kịp thời và giải quyết nhanh chóng sự cố, không làm ảnh hưởng nhiều đến giao thông trên đường, đại diện Sở GTVT Yên Bái nêu ý kiến.
Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý liên quan đến đường bộ cao tốc, ông Vũ Đỗ Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng TCĐB VN khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đường cao tốc trong luật giao thông đường bộ năm 2008 là quan trọng và cần thiết. Với các ý kiến đóng góp gợi mở, hiến kế, cơ quan chức năng sẽ đi sâu phân tích, nghiên cứu để Luật GTĐB 2008 sửa đổi, bổ sung đạt được kết quả tốt nhất. Đặc biệt là khai thác đường cao tốc văn minh, hiệu quả và an toàn; đảm bảo tốc độ lưu thông, góp phần hiện đại hóa ngành giao thông đường bộ.
Xuân Nguyên