Ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký ban hành thông tư 27/2012/TT-BGTVT Quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.
Ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký ban hành thông tư 27/2012/TT-BGTVT Quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.
Thông tư gồm 5 chương, 21 điều quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải trong các trường hợp Tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Vỉệt Nam; Tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển nước ngoài khi hoạt động tại Vùng nước cảng biển, vùng nội thủy và lãnh hải của Việt Nam hoặc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong trường hợp tai nạn đó có liên quan đến tàu thuyền Việt Nam, các công trình, thiết bị ngoài khơi hoặc gây ra ô nhiễm môi trường; Tai nạn xảy ra đối với tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thuỷ nội địa, thuỷ phi cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh và ô nhiễm môi trường tại các vùng nước cảng biển Việt Nam.
Các báo cáo tai nạn hàng hải gồm Báo cáo khẩn, Báo cáo chi tiết, Báo cáo định kỳ theo quy định. Theo đó, Báo cáo khẩn thực hiện trong trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam, Thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu thuyền phải gửi ngay Báo cáo khẩn cho Cảng vụ hàng hải nơi gần nhất. Trường hợp những người này không thực hiện được Báo cáo khẩn thì chủ tàu hoặc đại lý hàng hải của tàu biển bị nạn có trách nhiệm báo cáo. Tiếp theo Báo cáo khẩn, thuyền trưởng phải gửi Báo cáo chi tiết cho Cảng vụ hàng hải tại khu vực đó trong vòng 24 giờ kể từ khi tai nạn xảy ra. Đối với Báo cáo định kỳ hàng tháng và hàng năm Cảng vụ Hàng hải phải lập báo cáo bằng văn bản và gửi Cục Hàng hải Việt Nam về các tai nạn hàng hải xảy ra theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này. Hàng tháng, sáu tháng và hàng năm, Cục Hàng hải Việt Nam phải lập báo cáo bằng văn bản và gửi Bộ Giao thông vận tải về các tai nạn hàng hải.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định chi tiết về Mục đích, yêu cầu điều tra tai nạn hàng hải; Các trường hợp điều tra tai nạn hàng hải; Thẩm quyền điều tra tai nạn hàng hải; Thỏa thuận điều tra tai nạn hàng hải;Tổ điều tra tai nạn hàng hải và thành viên của tổ điều tra tai nạn hàng hải; Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ điều tra tai nạn hàng hải; Thời hạn điều tra tai nạn hàng hải; Trình tự thực hiện điều tra tai nạn hàng hải; Dự thảo Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải; Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải; Điều tra lại tai nạn hàng hải; Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2012 và thay thế Thông tư số 17/2009/TT-BGTVT ngày 11 tháng 8 năm 2009 cùa Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.
DT