Quy định mới về kinh phí nhà nước cho công tác phổ biến pháp luật tại cơ sở

Thứ tư, 12/02/2014 10:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Liên Bộ Tài chính và Tư pháp vừa ban hành Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Liên Bộ Tài chính và Tư pháp vừa ban hành Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Theo đó, Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; kinh phí phục vụ hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật các cấp; các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Thông tư quy định, kinh phí NSNN bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức đoàn thể ở Trung ương, UBND các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để triển khai thực hiện một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trọng tâm, trọng điểm.

Cụ thể như, chi tổ chức tập huấn văn bản pháp luật mới, bồi dưỡng kỹ năng cho người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Xây dựng các chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật đăng trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp; Chi cho tủ sách pháp luật; Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật;...

Về nguồn kinh phí thực hiện, kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của các cơ quan, đơn vị thụ hưởng NSNN do NSNN bảo đảm và huy động từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Đối với nguồn kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật thì thực hiện theo Quyết định số 6/2010/QĐ-TTg ngày 25/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Về nội dung chi, bao gồm: chi hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật các cấp, Ban chỉ đạo các Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật; Chi thực hiện công tác thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; Chi biên soạn, biên dịch các tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật;...

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14/3/2014 và thay thế các quy định về lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật./.

Theo Thời báo Tài chính

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)