Hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 - Ngày 9 tháng 11”, ngày 8/11 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phổ biến và triển khai các quy định pháp luật hàng hải ban hành năm 2013 cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam từ TP. Hồ Chí Minh đến Cà Mau.
Hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 - Ngày 9 tháng 11”, ngày 8/11 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phổ biến và triển khai các quy định pháp luật hàng hải ban hành năm 2013 cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam từ TP. Hồ Chí Minh đến Cà Mau.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật, ngoài ra có đồng chí Phó Cục trưởng, các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban của Cục Hàng hải Việt Nam. Về phía Bộ GTVT có bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; lãnh đạo Vụ ATGT cùng hơn 250 đại biểu tham dự.
Toàn cảnh Hội nghị
Ngày 9/11 được chọn là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để hưởng ứng ngày này, ngày 8/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-BGTVT về việc tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2013 trong Ngành Giao thông vận tải. Chỉ thị nêu rõ: Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Ngày Pháp luật trong cả nước, được tổ chức trong tuần lễ từ ngày 04/11 đến ngày 10/11, trong đó cao điểm vào ngày 09/11 nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, góp phần tạo chuyển biến mới về chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Riêng đối với ngành hàng hải, trong những năm gần đây, kinh tế cả nước nói chung và ngành hàng hải nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng, quy mô, số lượng và mức độ hội nhập quốc tế. Tốc độ phát triển của ngành hàng hải trong năm 2013 dự kiến lên tới 6 %, cao hơn năm 2012 (2,5%). Hệ thống pháp luật hàng hải cũng đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hàng hải. Về nền tảng pháp lý cho hoạt động hàng hải, năm 2005, Việt Nam đã ban hành Bộ luật Hàng hải - một trong 5 Bộ luật quan trọng. Từ đó đến nay, để đưa Bộ luật vào thực thi, Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, thông tư…
Từ đầu năm 2013 đến nay, với sự tham mưu của Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan liên quan, Chính phủ và Bộ GTVT đã ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm 3 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 12 Thông tư. 4 đề án trong lĩnh vực hàng hải cũng đã được phê duyệt. Các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách điều chỉnh nhiều lĩnh vực quan trọng của hàng hải, trong đó đặc biệt là các quy định về: Quản lý hoạt động hàng hải; Xử lý tài sản chìm đắm và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải; Hướng dẫn quy định nhằm đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo Mou vào năm 2014 và việc áp dụng Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển; Hướng dẫn công tác kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng cảng biển và bảo trì công trình hàng hải; Quy định công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam; Hướng dẫn phân cấp, xã hội hóa trong công tác duy tu, nạo vét, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng cảng biển; Các quy định mới về tổ chức hoạt động của Thanh tra chuyên ngành hàng hải…
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Nhật cho biết, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế thương mại hàng hải ngày càng giữ vai trò trọng yếu trong thương mại toàn cầu. Việc phê chuẩn và tham gia các công ước quốc tế về biển, hàng hải và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn và các công ước quốc tế là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm tạo hành lang pháp lý để thực thi pháp luật một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế cả nước và ngành hàng hải nói riêng, hệ thống pháp luật Hàng hải cũng đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hàng hải. Tuy nhiên, việc am hiểu về hệ thống luật hàng hải của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải ở Việt Nam vẫn chưa đầy đủ và chưa sâu sắc. Tình trạng các tàu Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ vẫn còn khá phổ biến, mà nguyên nhân là do chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật hàng hải quốc tế.
Chính vì vậy, Hội nghị được tổ chức nhằm giúp các tổ chức, cá nhân liên quan nắm bắt kịp thời các quy định mới, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Hội nghị cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trao đổi, góp ý và đưa ra các đề xuất đối với các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật để chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự thông thoáng và thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như các cá nhân thực thi một cách có hiệu quả các quy định của pháp luật./.
Lê Minh Châu, Vụ ATGT